ClockThứ Bảy, 25/02/2017 13:16

Nguyễn Thị Huệ & cái mới đầy nữ tính

TTH - Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ sinh năm 1977, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và hiện là Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế. Nhiều năm qua, chị đã là một trong những gương mặt nữ họa sĩ tiêu biểu, năng động trong các hoạt động, đầy sức trẻ sáng tạo nghệ thuật ở Huế.

Trải nghiệm và bộc lộ mình bằng góc nhìn của nghệ thuật thị giác qua hơn 30 triển lãm trong và ngoài nước từ những năm 90 đến nay, Nguyễn Thị Huệ được biết đến như một họa sĩ nữ đem lại làn gió mới trẻ trung, vừa sâu nặng tính truyền thống vừa rất mạnh mẽ, hiện đại trên nền nghệ thuật xưa cũ Cố đô.

Bức Phóng sanh - năm 2016 của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ

Huế là một trong những thành phố có lực lượng nữ họa sĩ khá đông đảo, có những người thành danh, như Tôn Nữ Tuyết Mai, Phạm Thị Tuyết, Tô Trần Bích Thúy, Kim Chi, Nguyễn Thị Hòa…và nối cùng mạch nguồn đó là nữ họa sĩ trẻ năng động, đa diện Nguyễn Thị Huệ với những tranh lụa gây ấn tượng thẩm mỹ tạo hình khác lạ và mạnh mẽ. Cho đến nay, nữ họa sĩ đậm đặc chất Huế này đã giành được một số giải thưởng sáng tạo mỹ thuật đáng nể, trong đó có giải B, Giải thưởng Cố đô về văn học nghệ thuật.

Xem tranh lụa của Nguyễn Thị Huệ, ta dễ nhận ra chị không muốn dừng lại ở những nguyên lý tạo hình tranh lụa đã trở thành mẫu mực, hàn lâm lâu nay. Chị tìm những lối đi khác, với sự tìm tòi, thử nghiệm và say mê biểu tả khác nhau, nhất là tạo dựng không gian mới lạ, đầy tính khám phá, nghiên cứu về chiều sâu biểu cảm của loại tranh truyền thống đặc thù này. Hơn thế, chị cũng không cố ý trở thành người cách tân theo kiểu phá bỏ cái cũ, tạo cái mới đôi khi cực đoan mà nhiều người trẻ hay mắc phải. Chị nắm vững các nguyên lý và kỹ pháp vẽ tranh lụa, nhưng không muốn phụ thuộc vào cái cố hữu muôn thuở đó.

Bức Phong cảnh (lụa 2008) của Huệ như là sự trình bày góc nhìn đa chiều, khung cảnh đó không còn là mặt phẳng thuần túy ước lệ mà là sự mở rộng khả năng “chiếm chỗ” trong không gian thực. Một cách thức tạo không gian cảm thụ khác về tranh lụa của chị là sự đan lớp ánh sáng và nền lụa lên nhau như một “hộp” không gian thực sự, cái khoảng không mong manh đó lâu nay chỉ có trên mặt phẳng hai chiều của tranh lụa, thì giờ đây mở rộng hơn, lung linh, nền nã và bí ẩn trong cái sự mờ ảo thực - hư khiến người xem muốn đi vào bên trong sự hữu hình đó để chiêm cảm, khám phá. Cái hay ở đây là chị vẫn sử dụng, tích hợp hình qua một vài điểm nhấn chính, hướng chính, vì vậy thoạt nhìn như không có thay đổi gì cả, nhưng chúng níu kéo người xem và làm cho họ chơi vơi trong không gian trở nên “ảo” một cách lý thú và có ấn tượng thị giác đầy thu hút.

Xem tranh lụa của chị vào thời kỳ đầu khi mới tạo không gian lớp lụa nhiều nền đan xen, cũng đã làm cho nhiều người khó quên về ánh sắc vàng lay động trong ánh sáng thật chiếu ngược. Sau này chị nhấn sâu hơn vào sự biểu tả ánh sáng, không gian và tạo nên cảm giác huyền bí của không gian sâu lắng đó khiến ta nhớ lại một nghệ sĩ phương Tây từng nói giá trị của nghệ thuật đôi khi là: “The shock of the new” (Cú sốc của cái mới). Quả thật, không ít đồng nghiệp và công chúng yêu nghệ thuật lần đầu xem những bức tranh lụa trình bày theo dạng “hộp” trong không gian của chị rất ngạc nhiên trước sự táo bạo, mở rộng này là từ sự cảm nhận của một họa sĩ nữ người Huế.

Bức phong cảnh - 2015 của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ

Từ cách xử lý, phối hợp lớp mảng nền khác nhau, chị lại đơn giản hóa bằng các hình ảnh đơn tuyến dưới sự đặt để tranh theo sự chủ ý về ánh sáng nào đó để làm “đọng” lại ký ức tạo hình sâu lắng và cần có, tạo điểm nhấn trong tranh. Như những tranh chị vẽ “bóng” các nhà sư trên nền màu đậm phẳng theo kiểu tranh cắt giấy, nhưng lại xen các lớp không gian hư ảo nên chúng trở nên sống động và giàu xúc cảm. Cái “bóng” đó phải được chắt lọc, cắt gọt và nung nấu bởi những ý tưởng giàu xúc cảm của chị, vì vậy “bóng” như là một nguyên lý lấy ý tả tình chứ không phải là lát cắt đơn điệu của một cái bóng từ ánh đèn chiếu. Điều này cũng không hẳn là thế mạnh của chị, nhưng đến loạt tranh chị diễn tả những bàn chân trần của các nhà sư trên con đường nhỏ, bóng các nhà sư như phản chiếu, hòa tan trong làn ánh sáng đầy sương khói, mộng mị trong bức Dương gian (lụa 2010) thì công chúng nhận ra chị cũng rất triết lý khi xoáy sâu vào bí ẩn của đạo và đời, trong sự tưởng tượng nhất định về chốn nhân gian vời vợi bao nỗi niềm và con người trở nên mong manh, bé nhỏ biết bao trước vạn vật. Đây cũng là một bức tranh hiếm hoi về đề tài Phật giáo được trưng bày trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 tại Hà Nội.

Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ giờ đây là một nét mới trong đời sống mỹ thuật đương đại ở Huế, một phong cách riêng. Nữ họa sĩ Huế luôn tìm tòi, khám phá không ngừng và người ta nhìn thấy nỗi đam mê trong tìm kiếm sáng tạo nghệ thuật không biết mệt mỏi đó, chị đã chạm đến những giá trị thực sự của nghệ thuật tranh lụa, làm cho tranh lụa được mở rộng hơn về ngôn ngữ biểu đạt và dĩ nhiên, trong đó thấm đượm xúc cảm nhẹ nhàng, trong sáng và sâu lắng của một người nữ họa sĩ Huế đầy cá tính.

Bài, ảnh: TS. Phan Thanh Bình

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh lụa &“mưa than” của Nguyễn Thị Huệ

Nhẹ nhàng, mềm mại và đầy nữ tính là ấn tượng về những bức tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thị Huệ. Ở đó, sự sâu lắng được thể hiện trong mỗi tác phẩm dường như không có điểm dừng.

Tranh lụa “mưa than” của Nguyễn Thị Huệ
34 tác phẩm tham gia triển lãm “Sắc thu”

Chiều 31/7, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị phối hợp với Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế khai mạc triển lãm mỹ thuật “Sắc thu 2018”.

34 tác phẩm tham gia triển lãm “Sắc thu”
Tấm lòng bà Huệ “chổi đót”

Đổ mồ hôi, tâm huyết với cây chổi đót, bà đã cùng chồng xây được nhà tiền tỷ, nuôi các con ăn học đàng hoàng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục lao động là phụ nữ lớn tuổi có hoàn cảnh khó khăn hoặc khuyết tật. Bà là Nguyễn Thị Huệ, hội viên phụ nữ tổ 8, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy.

Tấm lòng bà Huệ “chổi đót”
Nhà thiết kế mê nông sản sạch

Đầu tư tâm sức và tiền tỷ trong hơn 3 năm mà lợi nhuận “còn ở thì tương lai”, nhưng ước mơ đưa nông sản hữu cơ an toàn đến người tiêu dùng đã thôi thúc chị Nguyễn Thị Huệ quyết tâm đeo đuổi.

Nhà thiết kế mê nông sản sạch

TIN MỚI

Return to top