ClockThứ Tư, 21/06/2017 13:36

Nhà báo đoạt giải và câu chuyện tác nghiệp

TTH - Hai giải Nhất của Giải Báo chí tỉnh năm nay thuộc về các nhà báo Diệu Hà - Định Phước và Văn Thiện (Đài Phát thanh Truyền hình Thừa Thiên Huế -TRT) với phim tài liệu “Ánh sáng từ tâm” và nhóm tác giả Nguyễn Khánh - Lê Xuân Thọ (Báo Thừa Thiên Huế) với tác phẩm “Lâm tặc hoành hành rừng Thượng Quảng”.

Điều đặc biệt, nếu Diệu Hà và Định Phước nhiều năm liền cùng bắt tay “ẵm” giải thì Nguyễn Khánh- Lê Xuân Thọ, hai tác giả trẻ đã giành luôn giải cao nhất ngay lần đầu tiên tham gia Giải Báo chí tỉnh.

Nhà báo Diệu Hà

May mắn có những “cộng tác viênđặc biệt”

Thành công của “Ánh sáng từ tâm”, tôi nghĩ phần nhiều có yếu tố cơ duyên và sự may mắn. Cơ duyên vì có nhiều người giúp đỡ từ lúc mới lên ý tưởng đến lúc hoàn thành bộ phim, nhưng may mắn nhất là có sự hợp tác rất tốt của các “nhân vật chính” trong phim - những con người lầm lạc được Tỳ khưu Thích Giới Đức – Bút hiệu Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Sư trưởng chùa Huyền Không Sơn Thượng cảm hóa.

Trong phim, họ đã kể về quá khứ không hay của mình- một quá khứ luôn gợi sự dằn vặt, ân hận vì đã sống những tháng ngày tuổi trẻ trong ăn chơi, sa ngã. Họ kể về thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh bằng xúc cảm, tâm trạng và những vùng ký ức khiến chúng tôi xúc động và cảm phục. Không chỉ bỏ công sức, tâm sức khai sinh ra Huyền Không Sơn Thượng, cảm hóa những con người lầm lỡ, thầy Giới Đức còn làm nhiều việc thiện giúp ích cho đời: xây cầu, làm đường, giúp đỡ người nghèo...

Sau rất nhiều trăn trở và lựa chọn, cuối cùng, chúng tôi đã dùng một phương thức kể chuyện dung dị, đơn giản, bằng những câu chuyện, tâm sự và hình ảnh chân thực nhất của các nhân vật khi nói về Thầy, về “ánh sáng từ tâm” của thầy Giới Đức. Thầy nói rằng, ngoài dạy cho học trò chân tu, thầy còn dạy văn, thơ. Bởi văn là người. Học văn mới khơi dậy cái đẹp trong lòng mỗi người, mới khơi dậy tính thiện, biết xấu hổ để không làm điều xấu, biết yêu thương con người, yêu thương cỏ cây, động vật.

Riêng phần quay phim cũng là hành trình hơn 20 ngày, ghi hình ở cả Hà Nội, quay ngày, quay đêm “vất vả, lăn xả để “bắt” những thước phim, những khoảnh khắc đẹp, nhưng lạ một điều cả êkip làm phim lúc nào cũng thấy nhẹ nhàng, thoải mái, tâm thanh tịnh”.

Nhà báo Định Phước

“Ánh sáng từ tâm” còn là bộ phim tài liệu không lời bình lập nhiều kỷ lục: thời gian quay và sản xuất dài hơi nhất, kỳ công và công phu nhất; sử dụng phương tiện hiện đại. Từng thước phim, từng hình ảnh đều được cả êkip chăm chút kỹ lưỡng, sửa lui sửa tới nhiều lần, quay đi quay lại đến lúc đạt. “Sau khi phim hoàn thành không lâu, Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh cũng nhập thất, vì vậy, chúng tôi cảm thấy may mắn vì bộ phim được làm đúng thời điểm. Nếu sớm hay muộn hơn cũng e là không thể thực hiện được “Ánh sáng từ tâm”.

Những cánh rừng phòng hộ bị lâm tặc cày xới và hành trình đi tìm sự thật

Chuyện phát hiện lâm tặc đang từng ngày tàn phá rừng ở Thượng Quảng thật tình cờ. Trong một lần ngồi uống cà phê cùng người quen, chúng tôi được một người địa phương kể về vụ việc nên quyết lên đường tìm vào “điểm nóng”.

Sau nhiều ngày “bắt mối”, cả hai được một tay “lâm tặc” đã “gác kiếm” đồng ý dẫn xâm nhập tuyến đường lâm tặc chặt phá rừng. Trong trang phục của những người thợ sơn tràng, vừa đi xe máy vừa cuốc bộ, leo qua nhiều ngọn đồi cao, nhiều con dốc, chúng tôi đến được nơi trung chuyển của lâm tặc tập kết gỗ để chuẩn bị đưa ra khỏi rừng.

Tác giả Nguyễn Khánh (trái) và Lê Xuân Thọ

Không thể sử dụng máy ảnh vì sợ lộ, Nguyễn Khánh nhanh trí bỏ điện thoại vào túi áo để bí mật quay clip những phu gỗ đang vận chuyển gỗ về xuôi. Tuy nhiên vì trời tối nên chất lượng hình ảnh không được rõ, cả hai đành quay về. Hôm sau, từ xã Thượng Quảng đi sâu vào rừng chừng 10km, ngay bên vệ đường, chúng tôi phát hiện những cây gỗ lớn mới bị chặt hạ, phần ngọn còn mới dấu cưa, xung quanh nhiều phách đã được xẻ. Thấy bị động, có hai người lập tức đem gỗ quay ngược vào rừng; một người khác “tra hỏi”: “Chúng mày lên đây làm gì ?”. Sau khi đã yên tâm biết “chúng tôi chỉ là người A Lưới lên đốt ong rừng lấy mật”, bọn lâm tặc mới tiếp tục thực hiện “nhiệm vụ”. 

Sau 3 ngày ròng rã theo chân các phu gỗ, đeo bám những chuyến xe máy “độ” đưa gỗ ra khỏi rừng, dầm mình trong những trận mưa “như thác” để phục kích lấy hình ảnh, quay clip, gặp đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan, theo dõi xưởng gỗ của em trai chủ tịch xã... cả hai đã thu được những thông tin, hình ảnh “đắt giá” cho bài viết.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, lực lượng kiểm lâm tăng cường tuần tra kiểm soát chốt chặn, bắt nhiều vụ và triệt phá được “điểm nóng” lâm tặc hoành hành rừng Thượng Quảng; phạt 50 triệu đồng và đình chỉ 6 tháng đối với xưởng gỗ của em trai Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng – nơi tiêu thụ gỗ của các lâm tặc...

Chúng tôi vui vì những thông tin kịp thời trong bài báo của mình đã góp phần nhỏ trong việc tiến đến xóa sổ tình trạng phá rừng đang âm ỉ diễn ra. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là do không có phương tiện đầy đủ (như các thiết bị ngụy trang) nên việc chụp ảnh, quay clip cũng phần nào hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và khó khăn trong tác nghiệp.

LIÊN MINH (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí

Ông Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND TX. Hương Thủy đã bày tỏ tại buổi gặp mặt, cung cấp thông tin về thành tựu kinh tế - xã hội năm 2023 của thị xã vào chiều 26/1. Hơn 100 phóng viên, đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh đã đến dự.

Hương Thủy luôn cởi mở, tiếp thu ý kiến từ báo chí
Gặp mặt phóng viên tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa

Sáng 3/1, tại TP.Cam Ranh (Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tổ chức gặp mặt, quán triệt cho phóng viên, diễn viên đội nghệ thuật xung kích Hải quân và các lực lượng đi thăm chúc tết cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân đang làm việc, sinh sống trên Quần đảo Trường Sa nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, Đại tá Nguyễn Hữu Minh chủ trì buổi gặp mặt.

Gặp mặt phóng viên tác nghiệp tại Quần đảo Trường Sa
Tương lai nào cho chúng ta?

Nhà báo - nhà văn Julie Lardon phối hợp cùng Viện Pháp và NXB Kim Đồng, tổ chức workshop “Tương lai nào cho chúng ta?” tại Huế.

Tương lai nào cho chúng ta
Tác nghiệp nơi biển, đảo

Trên đảo Cồn Cỏ, tôi chỉ có thể tranh thủ thời gian ít ỏi lúc đoàn công tác ăn trưa để “gõ” laptop hết tốc độ. Khi biên đội tàu hụ còi rời đảo, tiếp tục rẽ sóng tuần tra, cũng là lúc thông tin từ chuyến tác nghiệp nơi biển, đảo đã “lên sóng” đến với bạn đọc, nóng hổi. Đối với người làm báo, đó là niềm hạnh phúc lớn. Cái bụng đói cồn cào hay đôi mắt thiếu ngủ chỉ là “chuyện nhỏ”.

Tác nghiệp nơi biển, đảo
Return to top