ClockThứ Sáu, 18/10/2019 05:15

Nhà công vụ cho giáo viên: Xuống cấp và nhếch nhác

TTH - Thời điểm hiện nay, nhà công vụ không cần quá nhiều, miễn đáp ứng nhu cầu thiết yếu của giáo viên. Họ mong muốn có nơi nghỉ lại sạch sẽ, thuận tiện để đảm bảo sức khỏe và an toàn trong những ngày mưa bão.

Hỗ trợ xây nhà công vụ cho giáo viên Trường tiểu học Thượng LongHỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho giáo viênTuyên dương 48 giáo viên tiêu biểu dạy học sinh khuyết tật

Nhà công vụ ở Quảng Công (Quảng Điền) được đầu tư cách đây gần 10 năm, nay một số phòng xuống cấp

Cần thiết

Quá trưa, chúng tôi đến khu nhà công vụ xã Quảng Công (Quảng Điền), nơi có 18 phòng dành cho giáo viên. Thầy Hoàng Ngọc, giáo viên Trường THPT Tố Hữu đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho cậu con trai học lớp 3. Nhà ở xã Quảng An (Quảng Điền) cách trường 20km nên từ năm 2011, vợ chồng thầy đăng ký ở nhà công vụ. “Trước đây, tôi phải ở nhà dân rất bất tiện. Hơn 15 năm công tác trong nghề, giờ tôi mới thật sự cảm thấy an tâm về chỗ ở”.

Câu chuyện năm nào với cô Nguyễn Thị Thu Huế, giáo viên Trường THCS Hương Nguyên (A Lưới) khiến tôi nhớ mãi. 4h sáng bắt đầu cuộc hành trình Huế - A Lưới, cô chỉ ước ao có một giấc ngủ trưa. Ước mơ ấy là của cả 20 giáo viên lên Hương Nguyên dạy học. Ông Trần Viết Văn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, kể: Những năm trước, nhà công vụ đặt tại xã Hồng Hạ vừa xuống cấp, lại phải qua một con đèo. Giáo viên ở lại lớp học hoặc nhà dân rất bất tiện. Năm 2018, Liên đoàn Lao động tỉnh vận động các doanh nghiệp khởi công xây dựng 2 phòng công vụ ở gần trường nên giáo viên rất phấn khởi.

Đường sá giờ đây thuận tiện nên nhà công vụ không còn cấp thiết như trước. Huyện Phú Vang hiện không còn nhà công vụ. Trường THPT Tam Giang (Phong Điền) đã làm hồ sơ xin trả lại nhà công vụ. Còn ở Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền) hơn 1 năm nay, giáo viên trong trường không ở lại nhà công vụ nữa… Tuy nhiên, ở một số nơi, nhiều gia đình giáo viên khó khăn đăng ký xin ở nhà công vụ.

Xuống cấp

Toàn tỉnh vẫn có khoảng 40 nhà công vụ, với gần 180 phòng. Nhiều nhà công vụ xây từ những năm 80, còn đa số nhà công vụ được xây trong vòng 10 năm trở lại. Tuy nhiên, có đến hơn phân nửa không có nhu cầu hoặc không sử dụng được, có nơi phải làm nhà kho, để trống. Một số nhà công vụ xa trường, cách trở đi lại, nước sinh hoạt không có nên giáo viên không tiện ở lại.

Chúng tôi đến nhà công vụ ở xã Phong Chương (Phong Điền). Dãy nhà có 6 phòng với chừng 100m2 là nơi cư ngụ của 4 gia đình giáo viên. Thầy giáo Phạm Duy Tuấn, sinh năm 1961, giáo viên dạy môn văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương được bầu làm “tổ trưởng’’ của xóm. Quê Quảng Bình, thầy ngót nghét có 30 năm dạy học trên mảnh đất Phong Điền. Thầy bảo, phòng ẩm thấp, cửa ngõ phải chằng lại mỗi khi mưa bão về. Mỗi phòng ở chỉ chừng 10m2, ở một mình thì tạm ổn nhưng nhà nào thêm người lại khó khăn. Nhà vệ sinh chung, mái hiên không có nên mọi người góp ít tiền lợp tạm.

Nhiều nhà công vụ bên ngoài kiên cố nhưng vào trong nhà thì phải “đi nhẹ, nói khẽ”, vì mối ăn mòn các cửa và trần nhà. Nhiều vết nứt ở tường loang lổ khiến giáo viên bất an. Thậm chí, một số phòng trong dãy nhà công vụ không có giường chiếu, bàn ghế. Không ít giáo viên bỏ giường xếp hoặc xin bàn hỏng ở các trường sửa lại thành giường… Lối vào nhà công vụ ở một số nơi phải băng qua nhà dân. Thế nên, nhiều giáo viên trẻ, nhà chừng 30 - 40km, dạy xong là về.

Điều kiện sinh hoạt tại nhà công vụ ở Phong Chương (Phong Điền) thiếu thốn

Mong muốn

Nếu nhà công vụ sạch sẽ, có cơ sở vật chất cơ bản, giáo viên vẫn có nhu cầu ở lại. Không cần nhiều phòng, mỗi trường chỉ cần khoảng hai phòng là đủ.

Trong tình hình các trường phải tập trung mọi nguồn lực để xây dựng phòng ốc cho học sinh học 2 buổi/ngày, thì việc đầu tư xây nhà công vụ cho giáo viên sẽ khó được ưu tiên. Nhiều hiệu trưởng cho rằng, nhà trường không có nguồn kinh phí để cải tạo nhà công vụ theo hướng phù hợp, trong khi giáo viên trẻ lương tiền có hạn nên sẽ khó khăn trong vận động.

Thầy giáo Trần Quang Châu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tây Bắc Sơn (Phong Điền) ước ao: Trường có nhu cầu cải tạo hai phòng học cũ tại cơ sở lẻ Sơn Quả thành nhà công vụ cho giáo viên nghỉ trưa. Tuy nhiên, nhà trường chưa có kinh phí để cải tạo. Thế nên, những ngôi nhà công vụ do Liên đoàn Lao động tỉnh vận động một số doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng trở nên thiết thực đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Đã đến lúc, phát triển nhà công vụ theo hướng cộng đồng trách nhiệm. Những trường nào nhà công vụ không có nhu cầu ở thì có thể cải tạo để làm nơi sinh hoạt thể dục, thể thao cho giáo viên. Nhà công vụ nào không sử dụng được cũng nên giao lại cho chính quyền hay ngành chức năng quản lý, sử dụng, tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng.

Có ý kiến cho rằng, những nhà công vụ còn sử dụng được thì tổ chức công đoàn các trường cần có sự quản lý chặt chẽ. Giáo viên - những người ở lại cũng nên tính chuyện bỏ tiền túi ra để thuê nhà. Tất nhiên, số tiền này không nhiều (vì nhiều người cùng ở), nhưng ít ra nhờ đó nhà trường mới có nguồn để đầu tư mua sắm bàn ghế, sửa sang, thậm chí trả phí dọn dẹp vệ sinh phòng ốc. Có như vậy, giáo viên mới cảm thấy thoải mái khi nghỉ ngơi tại nhà công vụ sau những giờ lên lớp.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuẩn bị tốt cho công tác huấn luyện

Đầu tháng 3, sau lễ ra quân huấn luyện, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh sẽ đồng loạt triển khai công tác huấn luyện năm 2024. Tất cả đã sẵn sàng thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Chuẩn bị tốt cho công tác huấn luyện
Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

Triển khai chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) điện tử, giấy hẹn khám điện tử, cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính là những quy định mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng BHYT bắt đầu từ tháng 4/2024.

Thêm quyền lợi bảo hiểm y tế cho bệnh nhân

TIN MỚI

Return to top