ClockThứ Tư, 12/12/2018 05:15
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Chí Diểu (1908-2018)

Nhà hoạt động chính trị một lòng vì dân, vì Đảng

TTH - Đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã đi xa, nhưng những cống hiến đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế mãi mãi được Nhân dân tôn vinh và trân trọng.

Cải tạo, chỉnh trang di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu“Đồng chí Nguyễn Chí Diểu với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”

Sớm giác ngộ cách mạng

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu sinh ra và lớn lên ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang. Đồng chí từng tham gia Xứ ủy Trung Kỳ của Đảng Tân Việt, là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên của Tỉnh ủy Gia Định, Ủy viên BCHTW Đảng phụ trách miền Trung; từng bị thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Ở Nguyễn Chí Diểu luôn toát lên một sức sống cách mạng, ngọn lửa yêu đời. Đồng chí là linh hồn của cao trào dân chủ sôi nổi ở Thừa Thiên Huế từ 1936 đến đầu năm 1938. Ra đi ở tuổi 31, khi sự nghiệp còn dang dở nhưng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Chí Diểu mãi mãi sáng ngời.

Trường THCS Nguyễn Chí Diểu tổ chức hội thi "Rung chuông vàng" tại khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu ở xã Phú Mậu, huyện Phú Vang

Xuất thân trong gia đình, dòng họ có truyền thống Nho học, Nguyễn Chí Diểu sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 4/1927, khi đang học ở Trường Quốc Học, đồng chí tham gia phong trào bãi khóa của sinh viên, học sinh Huế nhằm chống lại chế độ giáo dục hà khắc, phản động của chính quyền thực dân.

Sau phong trào bãi khóa năm 1927, tổ chức Tân Việt gây dựng cơ sở tương đối vững chắc ở Huế, Nguyễn Chí Diểu được kết nạp vào tổ chức Tân Việt và tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí sớm trưởng thành và trở thành Ủy viên Kỳ bộ Trung Kỳ của tổ chức Tân Việt, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định rồi tham gia BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy viên Thường vụ BCHTW Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ.

Trong thời gian hoạt động ở Nam Kỳ, làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã tỏ rõ phẩm chất của một người lãnh đạo sâu sát, gần dân, am hiểu địa bàn hoạt động để xây dựng thế trận lòng dân và thế đứng chân vững vàng của phong trào cách mạng. Đồng chí đã lặn lội trực tiếp chỉ đạo xây dựng địa bàn vùng Bà Điểm - Hóc Môn, khu vực “mười tám thôn vườn trầu” vốn có truyền thống yêu nước thành địa chỉ trung kiên của cách mạng.

Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung

Tháng 10/1930, Nguyễn Chí Diểu bị thực dân Pháp bắt giam và ngày 2/5/1933, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử, kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Suốt gần 6 năm bị giam cầm trong nhà tù của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Chí Diểu luôn kiên định, vững vàng, quyết một lòng vì Đảng, vì dân, vì sự nghiệp cách mạng.

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Chí Diểu ra tù, được Trung ương Đảng giao trọng trách về Huế nắm tình hình và chỉ đạo phong trào cách mạng. Tại quê nhà, dù bị theo dõi chặt chẽ, Nguyễn Chí Diểu vẫn tiếp tục hoạt động bí mật. Cùng với Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Bùi San, Nguyễn Chí Diểu đã khẩn trương chỉ đạo gây dựng và phát triển cơ sở cách mạng, triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, cổ động, tập hợp quần chúng nhân dân thành mặt trận rộng rãi đấu tranh đòi tự do dân chủ. Đồng chí là người trực tiếp lãnh đạo và tổ chức các phong trào đòi triệu tập Đại hội Đông Dương, đòi quyền dân sinh dân chủ, đón Godart và phong trào đấu tranh công khai hợp pháp trên báo chí và nghị trường.

Ngày 20/9/1936, Đại hội đại biểu nhân dân Trung Kỳ được tổ chức tại trụ sở Viện Dân biểu Huế. Đồng chí Nguyễn Chí Diểu được bầu vào Ủy ban lâm thời, là tổ chức tập hợp dân nguyện, vận động tiến tới đại hội toàn kỳ chính thức. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Thừa Thiên - Thuận Hóa tổ chức một hội nghị công khai tại trụ sở Viện nhân dân đại biểu Trung Kỳ cho trên 500 đại biểu toàn xứ; lần đầu tiên những đại biểu chân chính cho quyền lợi của Nhân dân được công khai bàn đến nguyện vọng của dân và đề ra những yêu sách gửi cho chính phủ đòi những cải cách nhằm đem lại quyền lợi thiết thực cho Nhân dân về mọi mặt, cũng là lần đầu tiên ở Thừa Thiên - Thuận Hóa tiếng nói của công nhân, nông dân được tôn trọng. Qua phong trào này, nhiều cơ sở Đảng ở Huế đã phát triển mạnh mẽ.

Trên cơ sở ảnh hưởng của mình ở Thừa Thiên Huế, đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã triệu tập đại biểu các giới trong tỉnh về họp ở trụ sở báo Nhành Lúa để thảo luận và bàn việc đón Godart để đưa dân nguyện.

Ngày 27/2/1937, Ban Tổ chức đoàn đón tiếp do đồng chí đứng đầu đến gặp Godart trao bản Dân nguyện. Bản Dân nguyện với lời lẽ kiên quyết và đanh thép đã nêu rõ tình trạng bi đát của nhân dân Trung Kỳ dưới sự đàn áp, bóc lột của bọn phản động thuộc địa, đồng thời đề nghị chính phủ Pháp giải quyết 33 vấn đề bức xúc trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của nhân dân. Cuộc đón tiếp Godart ở Huế thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng đoàn kết đấu tranh của toàn dân xung quanh các khẩu hiệu của Mặt trận Dân chủ.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu đã để lại nhiều tình cảm sâu sắc đối với thế hệ thanh niên yêu nước thời bấy giờ. Với trình độ và lòng nhiệt tình cách mạng, Nguyễn Chí Diểu đã giác ngộ cho nhiều thanh niên, trong đó có nhà thơ Tố Hữu:“Con lớn lên, con tìm cách mạng/ Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa, con còn Đảng/ Dìu dắt khi con chửa biết gì”.

Tấm gương sáng về vai trò cán bộ lãnh đạo

Với trình độ hiểu biết về văn hóa và báo chí, Nguyễn Chí Diểu đã sử dụng báo chí và phát huy vai trò to lớn của báo chí phục vụ nhiệm vụ của cách mạng một cách có hiệu quả. Đây là hình thức đấu tranh mới, nổi bật của Đảng trong giai đoạn 1936 - 1939. Năm 1937, Đại hội báo giới Trung Kỳ khai mạc với sự tham dự của 70 nhà báo đại diện cho giới báo chí Trung Kỳ. Các đại biểu tham dự hội nghị kêu gọi thành lập một mặt trận thống nhất của những người làm báo ở Đông Dương, yêu cầu được tự do xuất bản và thành lập Hội ái hữu báo giới Trung Kỳ. Sự kiện này là một thắng lợi chính trị quan trọng của đường lối mặt trận do Đảng lãnh đạo.

Tháng 4/1937, đồng chí Nguyễn Chí Diểu thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ chủ trì hội nghị quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Công Xứng, Xứ ủy viên, làm Bí thư Tỉnh ủy. Với trách nhiệm chỉ đạo cuộc đấu tranh khắp các tỉnh Trung Kỳ, Nguyễn Chí Diểu còn tham gia chỉ đạo các tỉnh vận động bầu cử Viện Dân biểu Trung Kỳ. Lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử các cơ quan nhà nước của chế độ thực dân phong kiến, tại Viện Dân biểu Trung Kỳ, những người do Mặt trận giới thiệu đã giành các ghế quan trọng như Viện Trưởng, Phó Viện trưởng, Chánh thư ký và Ủy viên Thường trực.

Tháng 3/1938, sau khi dự hội nghị Trung ương trở về, đồng chí Nguyễn Chí Diểu bị ốm nặng, kéo dài và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15/9/1939. Sự ra đi của đồng chí là một tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng ở Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh Trung Kỳ nói chung tại thời điểm lúc bấy giờ.

Đồng chí Nguyễn Chí Diểu - nhà hoạt động chính trị cách mạng tiền bối, người Cộng sản kiên trung, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn gần gũi quần chúng, sâu sát với địa bàn, nhờ đó đã tập hợp, giác ngộ cách mạng và định hướng lực lượng quần chúng tham gia phong trào cách mạng; là người tiên phong sử dụng báo chí để đấu tranh công khai với địch; luôn giữ vững niềm tin, trọn đời hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

Đồng chí là tấm gương sáng cho chúng ta trong tiến trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: khi đã có đường lối, chủ trương đúng thì đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo cần có một nhân cách lớn và nêu gương sáng mới quy tụ và tập hợp lực lượng theo mình để biến chủ trương, đường lối đó trở thành hiện thực, sớm đi vào cuộc sống.

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH ỦY BÙI THANH HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam

Ngày 6/1, Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia thành phố Hà Nội và Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479 khu vực Hà Nội tổ chức gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 - 7/1/2024).

Gặp mặt kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam
kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023)
Cần tấm lòng yêu thương

Giáo viên tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy lớp một là những người tiên phong trong việc thực hiện đổi mới theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Họ hầu như không ngồi yên một chỗ. Buổi sáng 7h kém 15 đã có mặt, chiều 16h mới rời khỏi trường. Giáo viên chủ nhiệm còn phải ở lại bán trú để phối hợp chăm sóc học trò.

Cần tấm lòng yêu thương

TIN MỚI

Return to top