ClockChủ Nhật, 17/12/2017 08:52

Nhà mới...

TTH - Những ý nghĩ ấy khiến mắt Hiền nhòe đi, hai tay cầm lái run lên sợ hãi. Hiền giảm ga đỗ ngay vào lề đường gục mặt xuống đầu xe thiếp đi trong cơn mệt lử.

Mấy hôm nay Hiền cứ đi về cả trăm cây số một ngày bằng xe máy. Có hôm vừa đi vừa ngủ gật trên đường. May mà xung quanh còi xe to quá khiến Hiền bừng tỉnh, lòng tự hỏi nếu vừa nãy mình cứ nhắm mắt mà lao vào ai đó, thì sao? Hiền không dám tưởng tượng hậu quả sẽ thế nào. Nếu Hiền có mệnh hệ gì ai sẽ nuôi hai đứa con? Ai sẽ nấu cho chúng ngày bốn bữa ăn? Ai sẽ tắm giặt, sẽ dạy chúng học bài? Ai sẽ phụ mẹ bán hàng mỗi khi bà lên cơn đau đầu? Ai sẽ bênh vực mẹ trong những lần bố lao vào đánh đập?

Những ý nghĩ ấy khiến mắt Hiền nhòe đi, hai tay cầm lái run lên sợ hãi. Hiền giảm ga đỗ ngay vào lề đường gục mặt xuống đầu xe thiếp đi trong cơn mệt lử. Hiền tự động viên mình cố gắng, chỉ hai tháng nữa là nhà xây xong. Lúc ấy các con không phải sống tạm bợ trong cửa hàng giày dép của bà ở chợ. Lúc ấy Hiền sẽ kết thúc những ngày phơi mặt ngoài đường để chạy vạy đủ loại giấy tờ, để giám sát thi công, để tự tay đi mua từng con ốc vít, để trông coi vật liệu. Và có lúc Hiền phải tự mình thò tay móc cống giữa trời mưa vì đám thợ ăn uống bày bừa vứt rác gây tắc cống.

Cuối giờ chiều sau khi đã đếm xong vật liệu thì Hiền vội vã trở về nhà. Nhà cũng không phải là nhà, chỉ là cửa hàng bán quần áo của mẹ được ngăn đôi bớt lại một phần cho bốn con người chui rúc qua ngày. Hiền đón đứa lớn, xoay đứa nhỏ. Chợ búa, cơm nước, tắm rửa cho con xong chỉ muốn ngất đi vì mệt. Nhưng còn kèm con học, còn giúp mẹ dọn hàng, còn mở máy tính làm việc đến khuya. Văn ở xa nào có biết vợ phải vất vả thế nào…

Chiều nay Hiền vừa lái xe về nhà vừa khóc sau khi cãi nhau với chồng. Đàn ông ấy mà, lúc nào chẳng thích ra oai với thiên hạ. Nhưng cái kiểu ra oai khinh vợ như Văn thì thật không tài nào chịu nổi. Văn đi cả tháng mới về, chuyện xây nhà Hiền lo đến từng viên gạch. Ấy thế mà chiều nay vừa về Văn đã nổi hứng gọi thợ chỉ đạo đảo lộn mọi bài trí trong nhà mà không thèm hỏi qua ý kiến của Hiền. Văn bảo:

- Chỗ để ti vi tường phải làm lõm vào. Bộ sofa thì để góc kia.

- Em nghĩ không nên làm tường lõm như thế trông rất xấu. Cứ xây bằng phẳng, đắp thạch cao làm khung vừa đẹp lại vừa sang. Sao ti vi để giữa nhà mà sofa lại đặt chéo thế kia thì làm thế nào xem được?

- Ôi dào. Làm gì có thời gian xem ti vi mà em cứ phải lo - Văn phẩy tay bực bội.

- Mua ti vi mà không xem thì anh mua để làm gì?

- Anh đang nói chuyện với thợ sao em cứ nhảy vào cắt ngang thế nhỉ. Đàn bà thì biết gì?

Đám thợ đều giật mình trước sự to tiếng của Văn. Hiền cảm thấy xấu hổ bởi cách xử sự thô lỗ của chồng. Đây không phải lần đầu Văn tỏ ra xem thường vợ. Từng có những nụ cười nhếch mép, những cái phẩy tay, những lời vô tâm hời hợt. Chồng người ta lúc nào cũng nâng vợ mình lên trước mắt người khác còn riêng Văn lúc nào cũng muốn nhúi vợ mình xuống đất. Là đàn ông trong nhà nhưng bao lâu nay mọi công việc đều do Hiền gánh vác. Văn mới đi làm được bốn năm nay chứ mấy. Trước kia, khi mới lấy nhau Hiền phải làm đủ thứ việc để lấy tiền nuôi chồng ăn học. Văn cầm hai tấm bằng đại học trong tay cũng là lúc tuổi xuân Hiền cạn đáy. Lúc Văn bôn ba đó đây thì Hiền ở nhà sinh con, bốn năm hai đứa. Hiền không đi làm, sáng ra thay vì váy vóc phấn son đến công ty thì lao vào bếp nấu nướng cháo bột cho con. Có khi quên cả rửa mặt, chải đầu. Tóc búi lên lòa xòa, đứa này hờn đứa kia lăn ra ăn vạ.

Ngày của Hiền được tính bằng bốn bữa cháo cho con, một chậu quần áo đầy, cửa nhà luôn cần lau dọn. Nên Hiền cũng như bao bà mẹ bỉm sữa khác thường quên khuấy soi gương. Thỉnh thoảng chồng đi xa về, mắt chồng thành cái gương soi vợ. Em mặc giẻ lau trên người đấy à? Em không vén tóc mái lên gọn gàng được sao? Lòa xòa đến mức người khác nhìn vào cũng thấy nóng nực. Sáng ra em không rửa mặt à mà nhem nhuốc thế kia? Em nằm tránh ra đừng đụng vào anh, người thì toàn mồ hôi nhớp nháp.

Những lời càu nhàu ấy Hiền đã quen rồi. Dù có lúc cũng chua chát tự hỏi vài năm về trước Văn là ai chứ? Gầy đét, đen nhẻm chìa tay xin vợ từng đồng tiền ăn trưa, tiền đóng học. Hiền ra ngoài đầy lời ve vuốt, soái ca đâu có thiếu nhưng cũng chưa bao giờ mở miệng chê chồng. Những năm tháng ở nhà chăm con Hiền vẫn chờ đến một ngày có thể rũ bỏ nhàu nhĩ để khoác lên mình váy vóc tươi xinh. Đó là khi nhà đã xây xong, các con có một chỗ ăn ngủ tử tế. Không phải sống chật chội giữa chợ búa xô bồ nhốn nháo. Không phải xót xa mỗi khi có tiếng chửi bậy vọng vào bữa ăn, giấc ngủ của con. Không phải để các con phải chứng kiến cảnh giành giật trả giá hàng hóa, đánh ghen, trộm cắp. Bốn giờ sáng chợ mở, xe chở hàng hóa ùn ùn. Tiếng quát tháo, tiếng còi xe inh ỏi khiến con Hiền giật mình thon thót. Rồi có đêm nóng quá, mấy mẹ con bà cháu nằm chen chúc nhầy nhụa mồ hôi không quạt nào dịu nổi. Ngày nghỉ chồng về muốn có không gian riêng tư cũng không có nổi. Phải chờ lúc con đi học, mẹ đi lấy hàng mới tranh thủ gần gũi với nhau. Hiền thấy đời cực quá nên phải chạy vạy vay mượn lo cho con bằng được một ngôi nhà. Văn đâu hiểu hết được những khó khăn mà mấy mẹ con Hiền phải trải qua.

* * *

- Anh đã dặn thợ trước nhà sẽ để hòn non bộ và giăng đèn nhấp nháy.

- Nếu như biệt thự rộng rãi thì anh muốn để hòn non bộ em cũng không ý kiến. Đằng này trước nhà trống có vài mét vuông. Em nghĩ nên trồng một cây xanh hoặc bụi hoa gì đó trông có sức sống hơn. Để hòn bộ mà bận không thay nước được lại thành chỗ chứa lăng quăng, bọ gậy. Muỗi lại đầy nhà đốt con thì khổ.

- Em thì biết cái gì. Anh làm xây dựng chẳng nhẽ anh không biết bố trí sao cho hợp lý à. Các khung ảnh trong nhà đều sẽ được chăng đèn led, không thể để trống trơn thế này.

- Nhà mình đâu phải có tiền để sưu tầm những bức tranh nổi tiếng mà chăng đèn led xung quanh. Chỉ là những bức tranh hoa cỏ bình thường, anh chăng đèn trông sẽ rất kệch cỡm. Hơn nữa em không đồng ý bếp lát gạch tối màu đâu.

- Tối màu thì mới sạch.

- Em đồng ý là bếp thì phải sạch. Nhưng anh lát gạch tối màu thì làm sao em thấy được chỗ nào bẩn để lau.

- Nhưng anh muốn vậy. Không bàn cãi.

- Lấy nhau gần tám năm nay thử hỏi đã bao giờ anh vào bếp nấu một bữa cơm? Vậy tại sao lại can thiệp vào căn bếp của em?

Văn phẩy tay bỏ đi. Lại là cái phẩy tay khinh khỉnh. Đàn ông ấy mà, hôm nay đàng hoàng dễ quên ngày hôm qua mình từng cực nhọc. Bố Hiền cũng vậy, lúc trở thành ông chủ mấy sạp hàng liền quên mất người vợ đã nhịn ăn nhịn mặc gây dựng lên cơ nghiệp. Bố nhiều tiền, gái bu vào nịnh nọt nên về nhà chê vợ vừa già vừa xấu. Căn nhà bốn tầng bố nhận là tài sản của mình rước gái làng chơi về nhà hầu hạ, đuổi vợ con và mấy đứa cháu ngoại ra ngoài chợ ngủ sạp hàng. Thỉnh thoảng trong những cơn say bố đi qua nhìn cảnh mấy bà cháu ôm nhau nhếch nhác chỉ cười khinh khỉnh. Hiền thấy chua chát thay đời mẹ rồi lại đến đời mình. Văn bây giờ là sếp, dưới một người trên cả trăm người. Đi đâu có xe con đưa đón. Lương hàng tháng vài chục triệu. Gái theo đuôi đuổi đi chẳng hết nên dễ quên người đàn bà từng đồng cam cộng khổ với mình. Tiền làm được Văn tiêu xài chỗ nào Hiền đâu có biết. Tháng mang về chục triệu tưởng là to đâu biết đóng tiền đi học cho con cũng vơi hết nửa. Hai đứa đi gửi trẻ tốn kinh khủng. Gửi trường giá thấp thì không yên tâm, điều kiện ăn ở không đảm bảo vệ sinh. Mà gửi trường tử tế thì mỗi tháng đóng tiền buốt ruột. Lại còn đủ thứ chi phí sinh hoạt hàng ngày nữa. Hỏi tiền đâu để mua đất, xây nhà nếu Hiền không xoay xở khắp nơi. Văn đi suốt ngày về nhà là lăn ra ngủ. Từ lúc đi làm chưa bao giờ Văn thò tay sửa bóng điện, quét hộ vợ cái nhà. Vậy thì sao lại giành việc bài trí ngôi nhà với một người quanh năm vun vén. Nhẽ ra Văn phải hiểu đàn bà ấy mà, họ tha thiết cái tổ được chính mình thêu dệt. Từng bông hoa, từng cái rèm cửa, cái lót tay, bắc nồi đều thêu thùa một ước mơ nào đó. Đàn ông như Văn sao hiểu được.

Hiền trở về nhà sau rồi đổ ập xuống giường mê man trong những gọi của chính mình. Hiền cứ nằm đó mê man…

Hiền thấy Văn mang về một chậu cây xanh, cười bảo “đặt ở trước nhà để những ngày nắng nhìn vào cây cũng thấy lòng dịu lại”. Rồi Hiền lại thấy mình đang ngồi nhặt rau trong căn bếp sạch sẽ tinh tươm. Rổ cà chua đỏ tươi vô tình đổ ra bàn lăn xuống nền đá hoa trắng bóng. Tiếng Văn mời ai đó uống trà. Tiếng mẹ nhắc các cháu nhớ để đồ chơi vào chỗ cũ. Tiếng của bè bạn vừa ghé thăm nhà. Hiền không biết đây là hiện thực hay chỉ là một cơn mê man mộng mị…

BÙI QUANG DŨNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

An cư không còn là giấc mơ

Nếu cuộc đời ai cũng có ước mơ, thì với người dân nghèo tá túc ở Thượng Thành ước mơ ấy được đúc kết ngắn gọn: ngôi nhà kiên cố, khang trang! Và sau hàng chục năm, trải qua vài thế hệ âu lo trằn trọc, ước mơ ấy cuối cùng cũng trở thành hiện thực trong niềm hạnh phúc vỡ òa.

An cư không còn là giấc mơ
Hạnh phúc trong căn nhà mới

Gần cuối đời, ông Hồ Văn Cự (76 tuổi) không thể ngờ vợ chồng mình lại có ngôi nhà mới khang trang sau bao năm sống tạm bợ trên di tích. Thế nên, khi được lãnh đạo tỉnh trao chìa khóa và những món quà vào nhà mới, ông vô cùng xúc động và mãn nguyện. Đó cũng là niềm vui chung của 25 hộ dân nghèo sống trên Thượng Thành được tỉnh trao chìa khóa để vào nhà mới tại Khu dân cư mới Hương Sơ hôm chủ nhật vừa rồi (16/8).

Hạnh phúc trong căn nhà mới
Mình nói chuyện gì vui đi em

Giờ ngồi trước mặt Sa, Văn chợt nghĩ, lấy một người chồng đớn hèn như Văn thì còn gánh trên vai thêm biết bao bi kịch nữa.

Mình nói chuyện gì vui đi em
Niềm vui trong ngôi nhà mới

27 người có công và gia đình chính sách trên địa bàn TP. Huế sẽ có những ngôi nhà mới khang trang từ nguồn hỗ trợ của Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” là tin vui và nguồn động viên kịp thời đối với những gia đình chính sách khi ngày 27/7 đang đến gần.

Niềm vui trong ngôi nhà mới

TIN MỚI

Return to top