ClockThứ Ba, 03/05/2016 12:02

Nhà sưu tập trẻ &10.000 cuốn sách

TTH - Căn trọ nhỏ của Lê Duy Trường trên đường Hồ Đắc Di (T.Huế) chật kín sách. Chàng trai 25 tuổi ấy đang sở hữu bộ sưu tập sách lên đến 10.000 cuốn.

Dành dụm từng đồng mua sách

Được nhìn thấy tận mắt, lật giở từng bộ sưu tập, tôi thật sự “choáng” trước gia tài sách đồ sộ không dễ gì có được ở cái tuổi còn quá trẻ như Trường.

Nhà sưu tập trẻ Lê Duy Trường với kho sách của mình

Hơn 10.000 đầu sách, hầu hết thuộc thể loại nghiên cứu, từ lịch sử, văn hóa, giáo dục, mỹ thuật, đến triết học, tôn giáo...Riêng mảng nghiên cứu về Phật giáo đã có trên 1.500 cuốn. Trong khi những đầu sách liên quan đến Huế trong vòng 100 năm lại đây cũng không dưới 500 bản.

Không khó để tìm thấy những cuốn sách quí trong các bộ sưu tập của Trường như quyển từ điển Langue Chinoise (xuất bản năm 1911), từ điển Francais-Annamite của Trương Vĩnh Ký (xuất bản năm 1898).Và nhiều bộ sách có giá trị khác, gồm bộ ba cuốn Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn, xuất bản lần đầu vào năm 1967, từ điển Thành ngữ điển tích danh nhân của GS Trịnh Vân Thanh, in năm 1966- 1967, bộ sưu tập các tạp chí Văn, Bách khoa, Đại học, Tân văn, Ngày nay, Liên hoa, Huế xưa và nay, Sông Hương, Nghiên cứu và phát triển...Sách của các tác giả Lê Mạnh Thát, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Nguyễn Thế Anh...

Nói về nguồn gốc của chừng ấy cuốn sách, Trường kể, cậu đã mua chúng bằng những đồng tiền dành dụm từ nhỏ và suốt thời sinh viên. “Ở đâu có sách là em đi. Tìm sách trên vỉa hè. Trong các bộ sưu tập gia đình. Ở các hội chợ sách từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội. Rồi trên mạng nữa...”, Trường bộc bạch.

Thú đọc sách đến với cậu học trò trường làng ấy từ nhỏ, dù là khi phụ mẹ nấu cơm hay đi chăn bò. Trường vẫn còn giữ một cuốn sổ tay từ hồi cấp hai, ghi chép những điều em đọc được từ sách. Nhà nghèo vì bố mẹ đều làm nông ở làng quê tận Thanh Hóa nên không có nhiều tiền mua sách. Thế là Trường ra đồng bắt cua, đi đánh giậm để dành tiền mua sách.

Sách vận vào thân

Khi trở thành sinh viên Khoa Môi trường của Trường đại học Khoa học Huế, ý thức sưu tầm sách càng thôi thúc. Sau giờ học, Trường làm thêm ở quán cà phê, theo một dự án môi trường của Nhật ở Huế. Buổi trưa, em tranh thủ lấy sách cũ ở một hiệu sách trải bán vỉa hè. Còn chút thời gian nào thì đi dạy kèm...Vắt kiệt mình để có tiền mua sách. “Nhiều khi túi không còn đồng nào mà gặp sách hay, em vay mượn bạn bè, người quen. Có khi cả năm sau mới trả hết”, Trường thật thà.

Không nói nhiều về những gian nan mà thú chơi sách đã vận vào như một duyên nghiệp, Trường chỉ kể: Hồi mới ra trường, cậu không một đồng dính túi. Việc làm cũng không. Dự án lại đứt đoạn. Tuyệt vọng, Trường đã rao bán hàng ngàn cuốn sách máu thịt ấy. Nhưng may mà chẳng có ai mua...

Để kiên trì được với sách đến tận bây giờ, Trường bảo, em phải cảm ơn những người đã ở cạnh em những lúc khó khăn nhất, như thầy Hồ Tấn Phan, cô Thái Kim Lan, chị Lê Cát Trọng Lý, anh Nguyễn Văn Hè, cô Nguyễn Tú Oanh, nhà thư pháp Hồ Công Khanh... Họ đã kịp cho em lời khuyên những lúc bế tắc.

Ước mơ một thư viện

Mãi miết sưu tầm, mới đây, nhân Festival Huế 2016, nhà sưu tập trẻ Lê Duy Trường mới cho ra mắt bộ sưu tập đầu tay với trên 300 đầu sách về Huế. Vốn là người “khó tính” nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, khi xem qua triển lãm của Trường đã nói, những cuốn sách có thể có nhưng một người trẻ như Trường mà có được đam mê, sưu tập được những bộ sách như thế thì ngày nay rất hiếm...

Nhưng mơ ước của chàng trai trẻ ấy vẫn còn phía trước. Đó là thành lập một thư viện cộng đồng, để chia sẻ 10.000 đầu sách đang sở hữu đến bạn đọc. Xa hơn, em mơ ước sẽ kết nối được với các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập, những người yêu Huế để hình thành một trung tâm lưu trữ.

Một ước mơ không hề nhỏ và cũng chẳng dễ chút nào. Nên để ước mơ đẹp ấy có thể gần hơn đến hiện thực, Trường bảo, cần phải có sự chung tay của nhiều người. Riêng mình, cậu lại lao vào đủ thứ công việc để có tiền nuôi mình, để có tiền bổ sung thêm sách và tích lũy cho ước mơ cháy bỏng.

Chàng trai trẻ ấy quan niệm: Sách cũng như đời người, có cuộc sống riêng của nó. Và sách chỉ thực sự sống khi nằm trên tay bạn đọc. ..

Bài, ảnh: Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top