ClockChủ Nhật, 21/06/2015 13:11

Nhà văn viết báo

TTH.VN - Là nhà thơ, nhà văn nhưng viết báo đồng hành, gắn bó với họ từ những ngày cầm súng.

Vốn sống là yêu cầu then chốt

Gặp nhà văn Nguyễn Quang Hà nhân dịp 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông say sưa chia sẻ với chúng tôi về những tâm huyết với nghề báo, dẫu vừa trở về từ bệnh viện sau cơn tai biến. “Với nghề báo, làm thế nào để nắm thực tiễn, viết kịp thời là yêu cầu then chốt. Muốn viết tốt phải có vốn sống để “đụng” đến đâu mình có thể viết đến đó. Bên cạnh đi thực tế, một trong những điều kiện để viết báo tốt là cần đọc sách báo để tích góp tư liệu”, nhà văn Nguyễn Quang Hà tâm sự.


Nhà văn Nguyễn Quang Hà trong một chuyến đi thực tế ở Campuchia.

Được biết đến với tên tuổi của một nhà văn nhưng Nguyễn Quang Hà viết báo trước viết văn. Đi bộ đội rồi về làm báo Cờ Giải phóng từ năm 1969, viết báo gắn bó với ông từ dạo ấy. Với nhà văn lão thành này, báo và văn song hành, gắn bó với nhau: “Viết báo cũng như viết văn, yêu cầu lớn nhất là phải có vốn sống. Đời sống có vấn đề gì cần phản ánh thì mình viết cho báo luôn. Điều đó rất thuận lợi”.

Hơn 45 năm viết văn, làm báo, ông đã đặt chân đến biết bao vùng đất, cả trong lẫn ngoài nước. Có nơi “ăn dầm ở dề” hàng tháng trời. Liên tục đi và ghi chép, vốn sống của ông đầy ắp. Ông cười: “Chính nhờ đi như vậy mình mới có vốn sống. Thế nên, mình viết mãi cũng không hết”.

Mấy mươi năm viết báo, ấn tượng mãi không phai trong lòng ông là thời làm báo ở chiến trường: “Thời chiến tranh, làm báo, viết văn như đi chiến đấu, vất vả, khổ cực và cái chết luôn cận kề. Mỗi lần đi thực tế ở cơ sở, từ Thành Nội ra Quảng Điền cũng mất hai ngày đường. Dọc đường, hiểm nguy luôn rình rập khi địch rải bom liên tục nhưng tôi cùng đồng đội vẫn đi để kết hợp giữa việc xây dựng phong trào du kích và lấy tư liệu thực tế”.

Nhớ đến khoảng thời gian ấy, mắt ông xa xăm: “Hồi mới làm báo Cờ giải phóng, khó khăn vất vả trăm bề. Tờ Cờ Giải phóng lúc ấy chỉ có 3 người: tôi, Ngô Kha và Lê Huy. Nhà in ở tận tít biên giới Việt – Lào, ba anh em chúng tôi thay phiên nhau đưa bản thảo lên nhà in. Đi bộ, nhanh thì mất một ngày đường, nếu chậm phải mất 2 ngày đường. In xong, chúng tôi lại lên để gùi báo về phát hành. Thời đó, công nghệ in cũng không giống như bây giờ, xếp từng con chữ một”.  

Viết báo vì lẽ công bằng

Mở đầu câu chuyện, nhà thơ Ngô Minh tủm tỉm kể: “Có người hỏi tôi anh là nhà thơ mà đi làm báo có hợp không?”. Tôi đã trả lời: “Báo là nghề, thơ là nghiệp. Làm báo như ăn cơm với vợ, làm thơ như uống rượu với bạn”.

Rồi ông tiếp lời: “Báo là nghề tôi gắn bó từ thuở học cấp 2 trường làng, với gần bốn năm làm báo ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, với bao nhiêu năm buồn vui”.


Đến bây giờ, nhà thơ Ngô Minh vẫn gắn bó với công việc viết báo, làm thơ.

Từ lúc còn học lớp 5, lớp 6, nhà thơ Ngô Minh đã làm thơ, viết tin bài cho báo. Nhưng chỉ có bài báo thì được in, còn thơ thì chỉ được... in tên ở Hộp thư toà soạn. Nhiều tin, bài của ông được đăng ở báo Trường Sơn (nay là Quân khu IV), trong đó có cả bài tường thuật trận bắn cháy tàu chiến của Mỹ đầu tiên của Đại đội pháo binh nữ Ngư Thủy. Vào đại học, ông không viết báo nữa, mãi đến khi đi bộ đội vào năm 1972, ông được phân công làm bản tin của sư đoàn.

Làm báo ở chiến trường, ông nhiều lần kề bên cái chết: “Có lần tôi đạp xe từ hậu cứ Trung đoàn bên bờ sông Bé về Tiểu đoàn 2 ở gần Đồng Xoài để viết về gương chiến đấu dũng cảm, bắn cháy chiếc xe bọc thép M113 của một chiến sĩ người Hải Dương tên là Minh. Tôi đi xe đạp, chỉ mang lựu đạn gài vào thắt lưng và cái bòng nhỏ đeo sau lưng chứ không mang súng. Khi vượt qua ba anh bộ đội đang gùi gạo khoảng trăm mét thì nghe tiếng súng AR15 nổ sau lưng. Tôi xuống xe dạt vào rừng. Một lát sau có anh bộ đội cõng bòng gạo chạy tới, hổn hển: “Bọn thám báo nó phục, bắn chết một người của chúng tôi rồi”. Nó phục sao nó không thấy tôi đạp xe qua đó? Tôi rùng mình. Ở chiến trường không ai biết được mình sẽ chết lúc nào”.

Theo nhà thơ Ngô Minh, nhà thơ mà đi làm báo thì đúng là “hại” thơ, bởi ngôn ngữ khác nhau. Thơ được viết bằng ngôn ngữ hình tượng. Báo lại đòi hỏi thực tế. Có nhiều lúc, mình có hứng, bắt được tứ thơ hay nhưng bắt buộc phải viết xong bài báo để kịp nộp cho tòa soạn. Thế là cụt hứng”. Tuy nhiên, với ông, thơ cũng bổ trợ nhiều cho báo: “Một nhà văn, nhà thơ viết báo sẽ phát huy được sở trường. Ngoài chữ nghĩa phong phú, sẽ giúp mình nhanh nhạy trong ý tưởng, phát hiện vấn đề, dễ dàng hình thành tứ của bài viết. Vốn sống nhiều cũng có lợi cho báo”.

Cũng có nhiều lúc, nhà thơ Ngô Minh “lời to” khi đi cơ sở để viết báo, ông lại nảy ra nhiều tứ thơ: “Một chuyến đi, mình vừa có tư liệu thực tế để viết báo lại vừa có cảm xúc để làm thơ. Hơn nữa, làm báo là phải đi nhiều, rất có lợi cho thơ văn. Trong suốt quá trình làm báo, tôi đi suốt từ Nghệ An đến Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nguyên…”.

Mấy mươi năm gắn bó với nghề báo, dù chuyên hay không chuyên, nhà thơ Ngô Minh luôn tâm niệm: “Nghề báo tôi làm là suốt đời đấu tranh cho lẽ công bằng, dù viết ca ngợi hay phê phán thì cũng vì lẽ công bằng. Nhà báo không có dũng khí, không có chủ đích thì khó mà viết hay. Phải có tâm huyết, không chỉ với ngòi bút của mình mà còn tâm huyết với xã hội”.

 

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1: Dòng sông máu

Mỗi khi nhắc đến sông Hai Nhánh, mấy anh em từng thoát ly tham gia kháng chiến, chúng tôi đều ước mong có dịp quay trở lại địa điểm được ghi nhận là ác liệt nhất khi từ đồng bằng lên hậu cứ. Được Bí thư Thị ủy Hương Thủy Lê Ngọc Sơn giúp đỡ và đích thân Chủ tịch UBND xã Dương Hòa Lê Văn Thức trực tiếp đưa đi, cuối cùng chúng tôi toại nguyện.

Sông Hai Nhánh - Dấu ấn hào hùng - Kỳ 1 Dòng sông máu
Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), ngày 24/4, UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Huế Phan Thiên Định cùng lãnh đạo thành phố đã đến thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ, thanh niên xung phong trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thăm và tặng quà cho các gia đình chiến sĩ Điện Biên
Thi đua sản xuất tăng năng suất lao động

Sáng 24/4, Công đoàn Khu Kinh tế, Công nghiệp tỉnh tổ chức ký kết giao ước thi đua hưởng ứng “Đợt thi đua cao điểm chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2024)" trong các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc Công đoàn Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh.

Thi đua sản xuất tăng năng suất lao động

TIN MỚI

Return to top