ClockThứ Hai, 27/02/2017 14:33

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản trồng lúa, nuôi tằm trong Hoàng cung

Ít người biết rằng Nhà vua Nhật Bản Akihito tự mình trồng và thu hoạch lúa tại cánh đồng lúa trong Hoàng cung. Trong khi đó, Hoàng hậu Michiko noi theo gương của tiền nhân, nuôi tằm bằng lá dâu.

Nhật hoàng thoái vị vào cuối năm 2018?Thái tử Naruhito sẵn sàng lên ngôi kế vị Nhật hoàng

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko (Ảnh: EPA)

Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko (Ảnh: EPA)

Nhà vua Akihito lên ngôi năm 1989, là Nhà vua thứ 125 của Nhật Bản. Lễ lên ngôi của Nhà vua được tổ chức vào ngày 12/11/1990 tại Hoàng cung với sự tham dự của đại diện từ 158 quốc gia gồm người đứng đầu hoàng gia, nguyên thủ và hai tổ chức quốc tế.

Hoàng Thái tử Akihito kết hôn với Công nương Michiko, con gái của một doanh nhân giỏi, vào năm 1959. Cả nước Nhật vui mừng với lễ cưới truyền thống được tổ chức và hơn 500.000 người đổ ra đường để chào mừng sự kiện này.

Hoàng Thái tử Akihito, được sự hỗ trợ nhiệt tình và hết mình của Công nương Michiko, đã thực hiện nghĩa vụ của mình bằng một nguồn năng lượng tươi mới, ngoài việc tuân thủ trung thành truyền thống hoàng gia còn mở ra nhiều lĩnh vực hoạt động mới phù hợp với vai trò của Nhà vua trong thời kỳ hiện đại.

Kể từ khi lên ngôi, Nhà vua và Hoàng hậu thực hiện nhiều công việc chính thức liên quan đến ngôi vị của Nhà vua như một biểu tượng quốc gia và đoàn kết dân tộc. Trong Hoàng cung, Nhà vua và Hoàng hậu tổ chức hàng trăm buổi lễ, tiếp kiến, tiệc trà, tiệc trưa và tiệc tối trong cả năm. Vào những dịp này, Nhà vua gặp gỡ nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm quan chức chính phủ, lãnh đạo từ các địa phương, doanh nhân, nông dân, ngư dân, cán bộ làm công tác xã hội và phúc lợi, học giả và nghệ sĩ.

Hàng sáng, Nhà vua và Hoàng hậu dậy sớm, đi bộ trong rừng và vườn của Hoàng cung, nơi họ có thể chứng kiến sự đổi mùa, gần gũi thiên nhiên mà cả hai đều rất yêu thích.

Hàng năm, noi theo gương vua cha, Nhật Hoàng Showa, người đã khởi xướng việc này từ năm 1927, Nhà vua tự mình trồng và thu hoạch lúa, một loại cây truyền thống và chủ yếu ở Nhật Bản tại cánh đồng lúa trong Hoàng cung.


Nhà vua thu hoạch lúa trong cánh đồng của Hoàng cung (Ảnh: Sankei)

Nhà vua thu hoạch lúa trong cánh đồng của Hoàng cung (Ảnh: Sankei)

Trong khi đó, Hoàng hậu nuôi tằm tại trung tâm nuôi tằm Hoàng cung với sự giúp đỡ của nhiều nhân lực. Bà nuôi tằm bằng lá dâu, noi theo gương của tiền nhân là Hoàng Hậu Dowager Shoken, vợ của Nhật Hoàng Minh Trị. Mỗi mùa xuân, Hoàng Hậu bắt đầu nuôi từ 120.000 đến 130.000 con tằm, chăm sóc chúng trong suốt hơn hai tháng và thu hoạch khoảng 150 kg kén tằm vào đầu mùa hè. Một số tơ này được dùng để phục hồi lại những trang phục cổ có giá trị lịch sử được hoàng gia giữ gìn từ thể kỷ thứ 8, đang được gìn giữ tại Kho lưu trữ bảo vật hoàng gia Shosoin ở Nara, khi đó là thủ đô của Nhật Bản.

Niềm đam mê nghiên cứu khoa học

Nhà vua rất quan tâm đến cuộc sống muôn loài trong thiên nhiên và công tác bảo tồn. Ngài đưa ra sáng kiến cho một dự án nghiên cứu, với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, soạn thảo những dữ liệu chính xác về cây cỏ, động vật trong khuôn viên Hoàng cung, gồm cả vườn Fukiage, thường không mở cửa cho tham quan. Tháng 5/2007, Nhà vua quyết định lần đầu tiên mở cửa một phần vườn Fukiage, cho phép trẻ em và người lớn vào tham quan, chia sẻ vẻ đẹp thiên nhiên với nhân dân.

Nhiều năm qua, Nhà vua đã nghiên cứu phân loại các loại cá bống, một loại cá nhỏ sống ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Là thành viên của Hội Ngư học Nhật Bản, Nhà vua đã cho xuất bản 30 bài báo trên tạp chí của Hội từ năm 1963-1989. Ngài cũng là một trong số những người đóng góp cho cuốn sách “Những loài cá tại quần đảo Nhật Bản” (số ra đầu tiên năm 1984), cuốn sách đầu tiên về các loài cá sống ở biển Nhật Bản có tranh minh họa. Ngài còn là Chủ tịch danh dự Hội thảo quốc tế lần 2 về các loài cá ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương năm 1985, và giới thiệu tài liệu mang tên “Một số đặc điểm hình thái học quan trọng của các loài cá Gobiid’, và sau này trở thành tài liệu của Hội thảo.

Mặc dù công việc rất bận rộn, Nhà vua vẫn cho xuất bản 2 bài báo đồng tác giả năm 2000. Ngài cũng là đồng tác giả của cuốn sách “Các loài cá Nhật Bản và đặc điểm chính của các loài thông qua hình ảnh”, xuất bản lần thứ 3 vào năm 2013.

Với các tác phẩm trong lĩnh vực này, Nhà vua đã được Hội Linnean London mời trở thành thành viên năm 1980 và được bầu làm thành viên danh dự của Hội năm 1986. Nhật Hoàng là thành viên Danh dự của Hội Động vật học London từ năm 1992, và Viện Nghiên cứu khoa học Tự nhiên Argentina từ năm 1997. Nhật Hoàng cũng là Hội viên nghiên cứu của Bảo tàng Úc. Năm 1998, Nhật Hoàng là người đầu tiên được nhận Huy chương Charles đệ nhị, do Hội Hoàng gia London trao tặng cho nguyên thủ các nước có đóng góp xuất sắc cho phát triển khoa học.

Sáng tác thơ và chơi nhạc


Nhà vua và Hoàng hậu đã đến thăm các trung tâm sơ tán, những nơi bị thiên tai phá hủy trong thảm họa kép động đất/sóng thần năm 2011 (Ảnh: Reuters)

Nhà vua và Hoàng hậu đã đến thăm các trung tâm sơ tán, những nơi bị thiên tai phá hủy trong thảm họa kép động đất/sóng thần năm 2011 (Ảnh: Reuters)

Nhà vua và Hoàng hậu cũng sáng tác waka (một thể loại thơ cổ có xuất xứ từ Hợp tuyển thơ ca Manyoshu có từ thế kỷ thứ 8), một truyền thống lâu đời trong gia đinh hoàng tộc. Nhà vua và Hoàng hậu đã xuất bản nhiều tập thơ waka. Cứ tháng 1 hàng năm, Nhà vua cho tổ chức Lễ hội đọc thơ năm mới trong Hoàng cung.

Nhà vua và Hoàng hậu quan tâm rộng rãi đến những lĩnh vực nghiên cứu và văn hóa. Hàng năm họ tham gia lễ trao giải thưởng của Viện Hàn lâm và Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nhật Bản. Họ thường tiếp đón các học giả, nghệ sĩ, là thành viên các Học viện, những người được nhận Huân chương Văn hóa tại Hoàng cung. Họ cũng tham gia nhiều buổi lễ trao giải thưởng khoa học cũng như các hội thảo khoa họcquốc tế tổ chức tại Nhật Bản.

Nhà vua rất quan tâm đến lịch sử Nhật Bản và thế giới. Theo đề nghị của tạp chí Khoa học xuất bản số đặc biệt năm 1992 tại Nhật Bản, Ngài đã chấp bút bài tiểu luận “Những nhà khai phá khoa học đầu tiên tại Nhật Bản” nói về lịch sử khoa học thời sơ khai ở Nhật Bản sau khi người châu Âu đến quần đảo này.

Năm 1999, để kỷ niệm 10 năm Nhà vua lên ngôi, cuốn sách Michi (Con đường) được biên soạn và xuất bản, gồm tuyển tập các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn tại các cuộc họp báo và thơ waka của Nhà vua và Hoàng hậu. Năm 2009, phần tiếp theo của cuốn sách được xuất bản để kỷ niệm 20 năm ngày lên ngôi của Nhà vua.

Hoàng hậu Michiko quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật và đặc biệt hiểu biết sâu sắc về văn học cổ điển Nhật Bản. Bà cũng duy trì mối quan tâm của mình đối với văn học thiếu nhi, và cũng đóng góp vào lĩnh vực này. Cuốn truyện tranh“Ngọn núi đầu tiên của tôi”, nội dung do Hoàng hậu sáng tác được xuất bản năm 1991. Bà cũng đóng góp vào lĩnh vực dịch thuật. Bà đã dịch 80 bài thơ của Michio Mado, được biết đến là nhà thơ của thiếu nhi. Nhờ có những bài thơ đã được Hoàng hậu dịch, Michio Mado đã được tặng giải thưởng văn học Hans Christian Ardersen của Ủy ban Quốc tế về Sách giành cho người trẻ tuổi (IBBY) năm 1994, trở thành người châu Á đầu tiên được nhận giải này.

Hoàng hậu rất yêu thích âm nhạc. Bà chơi piano và là người đệm đàn rất ăn ý cho Nhà vua, người chơi cello và cho Hoàng Thái tử Naruhito, người chơi viola và violon. Khi có thời gian, bà thích biểu diễn trong dàn nhạc thính phòng nhỏ với các bạn âm nhạc của bà.

Mùa hè, Hoàng hậu tham gia Lễ hội âm nhạc mùa hè quốc tế Kusatsu được tổ chức hàng năm, biểu diễn hòa nhạc và đệm đàn cho các nhạc sỹ đến từ nhiều nơi trên khắp thế giới. Hoàng hậu cũng khuyến khích phát triển Gagaku, một loại hình ca múa cung đình cổ điển, thường xuyên có mặt tại các chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ ca múa cung đình.

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2-5/3, theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân.

Trong thời gian lưu lại tại Hà Nội từ 28/2-3/3, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ có các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo của Việt Nam và thăm các địa điểm lịch sử, văn hóa. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ rời Hà Nội để đi thăm Huế vào chiều ngày 3/3. Tại đây, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ thăm Đại Nội Huế và thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế.

 

Theo Dantri

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Lao động Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản

Theo Tạp chí Nikkei Asia ngày 15/3, lực lượng lao động nước ngoài của Nhật Bản đã chứng kiến sự thay đổi do những điều chỉnh về tiền lương và tỷ giá hối đoái; trong đó, số lượng lao động Việt Nam đã vượt qua lao động Trung Quốc để trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất vào năm ngoái. Ngoài ra, lao động đến từ Indonesia cũng tăng gần gấp 3 lần so với năm 2018.

Lao động Việt Nam là nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top