ClockThứ Bảy, 16/03/2019 12:49

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng & âm nhạc trị liệu

TTH - Từng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của phong trào đấu tranh đô thị, ở tuổi 70, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, người con của xứ Huế lại dành bao tâm huyết sáng tác âm nhạc để trị bệnh.

Đêm nhạc Trịnh đậm hơi thở HuếNhạc sĩ Phạm Tuyên cảm ơn cuộc đời cho tôi gắn bó với Nhân dân

Lay động cảm xúc

Mới đây, nhạc sĩ Miên Đức Thắng về Huế tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” để giới thiệu đến khán giả âm nhạc trị liệu của ông. Với những ca khúc: Hát từ đồng hoang, Ngày xuân dưới mái học đường, Lạ lùng, Hầu hạ hư không…, âm nhạc trị liệu của nhạc sĩ Miên Đức Thắng có những giai điệu êm ái, nhẹ nhàng; có bài hát da diết và cả khúc ca sôi động.

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng hát cùng trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi ở Huế

Đa số bác sĩ thường dùng nhạc cổ điển không lời của phương Tây, như của Mozart, Beethoven... để trị liệu, còn nhạc sĩ Miên Đức Thắng trị liệu bằng lời bài hát để gần gũi với số đông người Việt. “Lạ lùng thay phiền muộn. Lạ lùng thay hiềm tị. Sao mi cứ mới toanh” (Lạ lùng), hay “Mai kia lòng độ lượng, chảy về những bến sông. Mai kia lòng độ lượng, thu về chốn hư không" (Mai kia lòng độ lượng)… Những lời ca đậm triết lý, giai điệu dịu êm lướt qua tâm thức, lay động cảm xúc người nghe.

Hầu hết các ca khúc của nhạc sĩ Miên Đức Thắng đều có chất liệu từ dân ca. Ông chia sẻ: “Dân ca đã ăn sâu vào máu thịt mỗi con người Việt Nam. Tôi dùng chất liệu dân ca để có thể xoa dịu cơn đau, lay động cảm xúc trong ý thức người nghe qua những hình ảnh, âm thanh làng quê, lời mẹ ru, tiếng sáo, cánh diều...”.

Tham dự chương trình, nhà thơ, chuyên gia ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh chia sẻ: “Tất cả các chương trình giới thiệu âm nhạc trị liệu của nhạc sĩ Miên Đức Thắng tôi đều tham dự. Đây là chương trình có ích cho tất cả mọi người. Âm nhạc trị liệu đối với Việt Nam là mới, cần được phổ biến. Hiện nay, cuộc sống ngày càng vội vã, bon chen, áp lực nên con người cần thư giãn. Âm nhạc trị liệu giúp mọi người tìm thấy sự thư thái cho tâm hồn”.

Xoa dịu nỗi đau

Từng chứng kiến sự đau đớn chịu đựng, lo âu, buồn đau của các bệnh nhân, nhạc sĩ Miên Đức Thắng ấp ủ ước mong dùng âm nhạc xoa dịu phần nào nỗi đau của họ. Đây là động lực để ông miệt mài nghiên cứu công trình “Dùng chính âm nhạc của người Việt để điều trị một số bệnh lý cho người Việt” mang tính khoa học, điều trị một số bệnh về thần kinh trong y khoa, như: stress, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn nhân cách…

Theo chia sẻ của nhạc sĩ Miên Đức Thắng, âm nhạc trị liệu là một liệu pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng vào điều trị một số bệnh lý nhưng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Sau hơn mười năm theo đuổi nghiên cứu, phân tích những công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Đông, Tây, kim, cổ, kết hợp với những phát hiện, cảm nhận trong quá trình hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã ứng dụng âm nhạc trong điều trị bệnh. Nhạc sĩ cho hay: “Âm nhạc gồm có một số sóng. Sóng của lời, sóng của âm điệu, cộng với tiết tấu hài hòa, đó là kết quả của tài năng, của sự hòa điệu, sáng tác của nhạc sĩ. Nó đã tạo ra cảm xúc khiến cho lòng người thay đổi, rung động. Việc chọn thể loại âm nhạc nào và nghe ở cường độ nào cũng rất quan trọng đối với sức khỏe”.

Các nhạc phẩm của ông được chia theo 4 liệu pháp: Liệu pháp âm nhạc an thần (những ca khúc có tiết tấu êm ái, nhẹ nhàng, có thể làm dịu căng thẳng và ru ngủ); liệu pháp âm nhạc giải uất (những bài hát khai thông được nỗi u uất của người bị bệnh trầm cảm hoặc bị stress); liệu pháp bi thắng nộ (những bài hát buồn bã, da diết để chế ngự giận dữ, cuồng nộ) và liệu pháp âm nhạc sôi động (những ca khúc tươi vui, tích cực).

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng chủ trương dùng nhạc Việt để điều trị sức khỏe cho người Việt. Những nhạc phẩm áp dụng đều do ông sáng tác, mỗi liệu pháp, ông chọn ra 10 ca khúc. Trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng làm nên tên tuổi Miên Đức Thắng, đã từng được cất lên trong các cuộc đấu tranh của sinh viên Sài Gòn những năm 60 của thế kỷ trước, như: Tôi - sông là bến đò, Đất nước cần trái tim ta, Mai kia lòng độ lượng, Hát từ đồng hoang... Mong muốn mang đến những kết quả điều trị bệnh tốt hơn, ông đưa vào âm nhạc những dư vị mới, những phương pháp trị liệu của thiền, yoga, tâm lý học...

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng quê ở Huế, từng là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đô thị. Ngoài âm nhạc, ông còn sáng tác thơ, vẽ tranh. Mấy mươi năm trước, ông chống chiến tranh bằng âm nhạc, từng bị chính quyền cũ kết án tù khổ sai. Mấy mươi năm sau, ông dùng âm nhạc để xoa dịu những cơn đau tinh thần cho người bệnh. Công trình nghiên cứu của ông đã được giới thiệu với đông đảo bệnh nhân, các bác sĩ, dược sĩ do Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức.

Trở về hát giữa lòng quê hương, trong ông gợi lên bao cảm xúc, kỷ niệm. Ông trải lòng: “Lâu lắm tôi mới có dịp về hát trước số đông người Huế, quê hương và mảnh đất nuôi lớn tôi từ thời thơ ấu. Mỗi khi trở về quê, những kỷ niệm xưa của một thời tuổi trẻ lại sống dậy. Lần này, tôi kết hợp tổ chức chương trình âm nhạc liệu pháp và tặng quà cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi với ước mong âm nhạc của mình sẽ như một liều thuốc đem lại tâm thể an nhiên, tự tại cho người nghe”.

Bài, ảnh: TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bùng cháy đêm nhạc Phố Tây

Tối 13/1, một số band nhạc rock trẻ của Huế, UBND phường Phú Hội và Ban quản lý Phố đi bộ phường Phú Hội phối hợp tổ chức đêm nhạc rock “đầy bùng cháy”: Rock on the Weekend tại ngã tư đường Chu Văn An, Võ Thị Sáu - Phố Tây Huế.

Bùng cháy đêm nhạc Phố Tây

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top