ClockThứ Sáu, 28/04/2017 05:46

Nhận diện Festival Nghề truyền thống Huế qua logo

TTH - Trước thời điểm diễn ra Festival Nghề truyền thống Huế 2017, thành phố đã xây dựng được logo cho lễ hội này. Đây là tiền đề quan trọng để tiến tới đăng ký thương hiệu Festival Nghề truyền thống Huế.

Quá trình xây dựng, sáng tạo logo Festival Nghề truyền thống không quá dài, nhưng tác phẩm này lại được hội đồng tuyển chọn rất ưng ý và đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Logo kết hợp nhuần nhị yếu tố bản sắc văn hóa Huế với tinh thần biểu trưng hiện đại, mang lại ấn tượng thị giác mạnh, dễ nhớ, dễ nhận biết. Đặc biệt nhất là mang lại cảm giác tỷ mẩn nhưng tinh tế, bay bướm nhưng lại nghiêm cẩn, hài hòa từ chi tiết nhỏ cho đến tổng thể của những nghề truyền thống đặc sắc của Huế qua bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân.

Trước đó, với mong muốn tìm được logo trước Festival Nghề truyền thống 2017, UBND TP. Huế chỉ chọn 3 tác giả và nhóm tác giả tham gia dự thi. Kết quả, mẫu logo được chọn là của chuyên gia trong giới thiết kế logo - họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cũng chính là tác giả của logo TP. Huế và đồng tác giả của logo Festival Huế, với ý tưởng sử dụng hình ảnh long mã trên bình phong Trường Quốc Học.

Nhìn tổng thể, bố cục logo được xây dựng trên một hình tròn vô hướng, thể hiện sự trang trọng, tĩnh tại làm nền. Trong khi nhóm hình tượng chính được thiết kế sinh động bởi đường nét uốn lượn mềm mại, gần gũi với tinh thần các môtip trang trí truyền thống phổ biến tại Huế. Chúng được lồng ghép, đan xen giữa hình tượng cách điệu bàn tay thanh thoát, đại diện cho các thế hệ nghệ nhân “bàn tay vàng” xứ Huế đang nâng niu gìn giữ những nét tinh hoa của nghề, thông qua cụm hoa văn uyển chuyển quyện vào hình tượng lầu Ngũ phụng cách điệu được xem như một biểu tượng kiến trúc đặc trưng của quần thể di tích Huế. Công trình còn đại diện cho nơi hội tụ tinh hoa đỉnh cao của Huế một thời, nơi nâng tầm các nghề dân gian thành những giá trị bác học rực rỡ trong một giai đoạn lịch sử triều Nguyễn tại Huế còn lại đến nay.

Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho biết, ông sử dụng những cụm hình tượng trên nhằm góp phần làm rõ ý nghĩa của sự kiện lễ hội tôn vinh các thế hệ nghệ nhân, ca ngợi tài hoa và những thành quả sáng tạo từ các làng nghề truyền thống Huế. Bởi chính họ chứ không ai khác là những người đang từng ngày bảo tồn vốn quí văn hóa và truyền dạy cho thế hệ sau tinh hoa nghề của cha ông.

Riêng với “bàn tay vàng” là một sự cách điệu, không phải nhìn vào là nhận ra ngay mà thể hiện tính đa nghĩa, gợi nên hình ảnh bộ cánh của con chim phụng, một môtip trang trí quen thuộc trong bộ Tứ linh rất phổ biến của Mỹ thuật Nguyễn. Từ đó càng làm tăng thêm vẻ biểu cảm cho hình tượng và làm đậm nét hơn bản sắc vùng miền cho sự kiện.

Màu sắc logo được thiết kế trên ba tông màu đỏ - vàng ­- trắng, đơn giản nhưng lại rực rỡ phù hợp với chức năng của một lễ hội. Màu đỏ mạnh mẽ làm nền, giúp cho các mảng đồ họa hình bàn tay (màu vàng), chữ màu trắng càng trở nên sinh động, thu hút thị giác.

Dòng chữ Huế (kiểu chữ đồng nhất với logo TP.Huế) và chữ “Festival Nghề truyền thống 2017” được bố trí kết hợp với hình tượng thành một bố cục chân đế vừa làm tổng thể bố cục chắc chắn đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ hơn cho sự kiện. Logo tạo nên một cụm hình tượng đẹp mắt, vừa mới lạ vừa gần gũi, chắc chắn sẽ góp phần tạo ra ấn tượng thị giác mạnh mẽ cho công chúng, là yếu tố góp phần nhận diện Festival Nghề truyền thống Huế.

QUANG PHONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Du hành Cố đô qua Logo

Cuối thu, khi bắt đầu làm việc trực tuyến với các lớp thiết kế đồ họa logo, tôi nhận ra một nhóm sinh viên (SV) chọn làm đề tài về Huế. Và chúng tôi cùng nhau vỡ vạc, đồng hành.

Du hành Cố đô qua Logo
Liên kết & nâng tầm thương hiệu

Câu chuyện về liên kết để nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp (DN), làng nghề triển khai nhằm hiện thực hóa mục tiêu mở rộng cơ hội giao thương, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống.

Liên kết  nâng tầm thương hiệu
Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng để gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với tôn chỉ hướng tới là thúc đẩy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc. Trong những lĩnh vực đó, Thừa Thiên Huế chọn ưu thế về tiêu chí Ẩm thực để tiến hành điều nghiên, lập hồ sơ trình xét trong năm 2024.

Xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo từ cơ sở văn hóa ẩm thực Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top