ClockThứ Ba, 22/01/2019 09:58

Nhắn gửi

TTH - Trong cảnh ảm đạm của một ngày mưa, có người vợ đến trại giam Bình Điền, nhưng không phải thăm nuôi chồng đang thụ án ở đây, mà để thực hiện thủ tục ly hôn. Đi cùng là nữ thẩm phán và thư ký TAND TP. Huế. Tòa sẽ thực hiện thủ tục hòa giải giữa hai bên. Trước đó, tòa thụ lý đơn xin thuận tình ly hôn, mà người chồng lại đang chấp hành hình phạt tù. Thế nên lẽ ra triệu tập các đương sự đến trụ sở tòa án để hòa giải, thì thẩm phán phải đích thân đến trại giam.

Giá có sự cảm thông

Khi người chồng được công an đưa vào phòng làm việc, ánh mắt người vợ có điều gì đó nặng tâm tư. Người chồng chừng cũng có nhiều điều muốn giãi bày. Vậy nhưng tuyệt nhiên giữa hai bên là sự im lặng nặng nề, cũng không có lời thăm hỏi nào về con cái hoặc những điều liên quan đến “ở nhà”. “Anh có suy nghĩ lại về thỏa thuận ly hôn, có muốn vợ chồng đoàn tụ hay không”?. Câu hỏi của thẩm phán khiến người đàn ông khẽ giật mình. Nhưng cuối cùng câu trả lời là “không”. Hai con, đứa lớn 13 tuổi, đứa nhỏ 8 tuổi, ông thỏa thuận giao cho vợ chăm sóc nuôi dưỡng. Có lẽ hơn ai hết, ông hiểu rõ mình là người "gây tội” đến mức gia đình tan vỡ, ly tán từ lâu. Ly hôn chỉ còn là thủ tục pháp lý.

Cách đây 14 năm, khi về chung một nhà, ông và vợ dự định sẽ cùng nhau cố gắng làm lụng, nuôi dạy con cái thật tốt. Chồng làm nghề tự do, vợ buôn bán lặt vặt. Thu nhập không cao nhưng cuộc sống gia đình êm ấm. Thế nhưng khi hai đứa con còn thơ dại, cần bờ vai của người cha nhất thì ông dính vào ma túy. “Kịch bản” không thể khác của đa số người nghiện là lao vào buôn bán trái phép chất ma túy để có tiền mua “thuốc” thỏa mãn cơn nghiện. Lần đầu bị pháp luật “sờ gáy”, ông bị phạt 4 năm 6 tháng tù. Cha mẹ vợ con khổ sở nhịn ăn nhịn mặc để cơm đùm gạo bới đến trại thăm nuôi. Người thân tốn không biết bao nhiêu nước mắt. Ông cũng từng hứa hẹn khi ra tù sẽ làm lại cuộc đời. Thế nhưng không đủ bản lĩnh để dứt bỏ ma túy, lại phạm tội để “kiếm” tiền. Lần thứ hai phạm pháp, bị phạt 2 năm tù. Ra tù lại phạm tội. Và lần này, ông phải chấp hành hình phạt 3 năm. Có lẽ không còn hy vọng vào sự thay đổi của chồng, vợ quyết định nhờ tòa ly hôn…

Cuối buổi làm việc, người chồng nhờ vợ nhắn với ba mẹ thay ông nộp 200 nghìn đồng án phí bản án hình sự mà TAND TP.Huế mới xét xử, để đủ điều kiện được xét giảm án trong các dịp lễ, tết, sau quá trình cố gắng cải tạo tốt. “Dù không còn là vợ chồng, nhưng hết tình thì còn nghĩa. Ông bà nội các cháu già cả khó khăn trong đi lại, chị có thể đi nộp thay án phí. Và bây giờ, chị có thể ra ngoài mua cho chồng ít đồ ăn, đồ dùng. Sau này nếu có thể, chị dẫn các con đến thăm. Anh đã thấm nỗi ân hận tự tay đánh mất gia đình vì hành vi lỗi lầm. Có thể tình nghĩa của chị là động lực để anh cố gắng cải tạo và sau này ra tù có đủ quyết tâm để dứt được cám dỗ”. Nữ thẩm phán khuyên.

Người vợ lặng lẽ đi mua cho chồng mỳ gói, một số đồ dùng và gửi lại chút ít tiền. Mắt đỏ hoe, người chồng lầm lũi theo công an về lại phòng giam. Nhiều năm đảm nhiệm công tác xét xử, chứng kiến  không biết bao bi kịch, nhưng trước sự đổ vỡ của gia đình này, nữ thẩm phán không nén nổi tiếng thở dài. “TAND TP. Huế cũng mới thụ lý đơn xin ly hôn của một người vợ có chồng nghiện, phạm tội, bị xử tù nhiều lần, hiện cũng đang chấp hành hình phạt tù. Hệ lụy của ma túy thật đau lòng. Mong rằng từ những bài học chua xót này, nhiều người có thể tỉnh ngộ hoặc biết làm chủ bản thân, không bị kẻ xấu lôi kéo và vướng vào ma túy”- Nữ thẩm phán nhắn gửi.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top