ClockThứ Ba, 19/06/2018 09:04
XỬ LÝ TRƯỜNG HỢP CHĂN THẢ BÒ VI PHẠM QUY ĐỊNH TẠI THỊ TRẤN PHÚ LỘC:

Nhiều băn khoăn

TTH - Cho rằng anh Võ Tiến Dân (khu vực 7, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) chăn thả bò vi phạm quy định của thị trấn, Công an thị trấn Phú Lộc điều động người để dắt bò về khu nhốt tập trung; ra quyết định xử phạt hành chính 200 nghìn đồng và yêu cầu nộp thêm 2,8 triệu đồng để trả công chăn dắt và chăm sóc bò.

Thay đổi tập quán chăn nuôiBò thả rong cản trở giao thôngNạn trâu, bò thả rông trên đường: Ngao ngán

Người dân nói 3, công an nói 9

Theo đơn thư gửi đến Báo Thừa Thiên Huế của anh Võ Tiến Dân, sáng 6/6, anh dẫn đàn bò gồm 10 con (anh nhận nuôi thuê) ra khu vực gần Đập Thôn (tổ dân phố 7, thị trấn Phú Lộc). Khu vực này người dân vừa mới thu hoạch lúa xong nên chỉ có cỏ và rơm rạ. Khoảng 6h sáng cùng ngày, trong lúc bò đang ăn cỏ, ông Hoàng Như Toàn, Phó Trưởng Công an thị trấn Phú Lộc và hai người khác đến lùa đàn bò của anh về khu vực nhốt tập trung.

 Theo Công an thị trấn Phú Lộc, việc anh Dân cho bò ăn tại khu vực trên đã vi phạm Khoản 1, Điều 2 của quy định về chăn nuôi gia súc trên địa bàn thị trấn, cụ thể là đã thả rông gia súc nơi công cộng. Do đó, công an thị trấn ra quyết định xử phạt hành chính 200 nghìn đồng. Đồng thời, yêu cầu anh Dân nộp 1,8 triệu đồng trả công cho 9 người đi dắt bò và 1 triệu đồng trả 5 công chăm sóc đàn bò trong 1 ngày bị nhốt, thì mới được mang bò về.

Theo anh Dân, Công an thị trấn Phú Lộc xử phạt như thế là vô lý, bởi khu vực bò ăn cỏ là đồng trống, không phá hoại hoa màu của ai, khu vực chăn thả cũng không có biển cấm thả gia súc. “Tôi không vi phạm quy định nào cả, mà nếu có sai thì đáng lẽ công an thị trấn nhắc nhở lần đầu. rõ ràng tham gia dắt bò của tôi chỉ có 3 người, nhưng sau đó, phía công an lại liệt kê đến 9 người”, anh Dân bức xúc.

Ông Hoàng Như Toàn, Phó Trưởng Công an thị trấn Phú Lộc, người trực tiếp tham gia dắt bò anh Dân lại khẳng định, mới đầu chỉ 3 người tham gia, nhưng quá trình chăn dắt quá khó khăn, đàn bò không chịu “hợp tác” nên đã điều động thêm 6 người nữa đến mới dắt được đàn bò.

Cũng theo Công an thị trấn Phú Lộc, ngoài 200 nghìn đồng xử phạt hành chính, 2,8 triệu đồng thu thêm có trong quy định chăn nuôi gia súc của thị trấn. Cụ thể, những trường hợp vi phạm phải chịu thêm chi phí cho tổ quản lý bảo vệ thực hiện nhiệm vụ với mức 200 ngàn đồng/người/ngày; chi trả công chăm, giữ gia súc, nếu trên 5 con là 500 đến 1 triệu đồng/ngày.

Nhiều vấn đề khó hiểu

Sau khi làm việc từ hai phía, chúng tôi thấy khu vực chăn thả bò không có biển báo cấm thả gia súc. Áp dụng khu vực này là nơi công cộng cũng chưa chính xác vì ít người và phương tiện qua lại. Về việc thu thêm 2,8 triệu đồng càng khó hiểu, bởi đàn bò của anh Dân có 10 con, dù khó như thế nào chăng nữa, cần đến 9 người chăn dắt là thiếu khách quan. Cũng với 10 con bò, liệu có cần đến 5 người để chăm giữ bởi bò đã bị nhốt. Mặt khác, với 1,8 triệu đồng thu của anh Dân, hoàn toàn không có biên lai (chỉ có biên lai phạt 200 nghìn đồng)… Tại khu vực nhốt tập trung gia súc không có chuồng trại, chỉ có một số tán cây thấp, việc nhốt ở đây không đảm bảo sức khỏe của gia súc.

Ngoài ra, ngay việc áp dụng mức phí 2,8 triệu đồng trên cũng thiếu chính xác. Thời gian tính công là nguyên 1 ngày; trong khi đó, thời gian để dắt bò anh Dân là khoảng 1,5 giờ đồng hồ.

Ông Nguyễn Chí Hòa, Trưởng Công an thị trấn Phú Lộc cho rằng việc thu tiền mà không có biên lai là do hôm đó đã quá giờ làm việc nên không kịp viết. Hơn nữa 1,8 triệu đồng này chỉ thu tạm mà thôi.

Một điều khó hiểu khác là tại hiện trường, anh Dân đã thừa nhận đàn bò đó là của mình. Đáng lẽ Công an thị trấn lập biên bản ngay tại hiện trường, còn trường hợp dắt bò đi là khi không có chủ nhân đến nhận. Trong các quy định của UBND thị trấn Phú Lộc về chăn nuôi gia súc cũng không có quy định việc xử lý phải đưa về khu nhốt tập trung. Chính quá trình đưa bò về khu nhốt mới phát sinh 2,8 triệu đồng trên.

Rõ ràng việc xử phạt trường hợp anh Võ Tiến Dân đang tồn tại nhiều bất cập cần được làm rõ.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc cho biết, trước tình trạng người dân thị trấn nuôi gia súc không chuồng trại, phóng uế và phá hoa màu nên thị trấn ban hành quy định về chăn nuôi gia súc vào tháng 1/2017. Trước khi thực hiện đã xin ý kiến của Đảng ủy; tiến hành họp 10 tổ dân phố trên địa bàn để lấy ý kiến dự thảo, sau đó mới ban hành quy định.

Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế

Chiều 15/3, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế theo Quyết định số 147 ngày 05/2/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); đồng thời, công bố và trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Công bố quyết định thành lập Trường Cao đẳng Huế
“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh

Trong năm qua, nhiều hoạt động của HĐND tỉnh đã tạo cơ sở, nền tảng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đặc biệt, HĐND tỉnh đã ban hành hơn 150 nghị quyết (NQ), đó là những nội dung xuất phát từ nhu cầu thực tiễn.

Quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh
Return to top