ClockThứ Sáu, 11/10/2019 06:41

Nhiều băn khoăn việc thi THPT quốc gia trên máy tính

TTH.VN - Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) báo cáo các phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, cao đẳng sau năm 2020, nhiều giáo viên, học sinh các trường tại Huế tỏ ra băn khoăn về phương án thi THPT Quốc gia trên máy tính.

Thi THPT quốc gia sau 2020: Sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPTHỗ trợ hiệu quả nhiều mặt cho thí sinhĐổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, xây dựng trường học hạnh phúc

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trường Tộ hướng dẫn học sinh phương pháp làm bài

Nhiều mối lo

Ông Phạm Văn Tiển, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hương Giang (huyện Nam Đông) bày tỏ, so với nhiều trường ở vùng đồng bằng, các trường vùng cao gặp nhiều nỗi lo hơn khi áp dụng phương án thi THPT quốc gia trên máy tính. Trước tiên là nỗi lo cơ sở vật chất, bởi quá trình tổ chức thi khả năng sẽ có điểm thi tại các huyện vùng cao.

“Tốc độ đường truyền và các vấn đề kỹ thuật là đáng lo nhất. Để tổ chức thi thử và thi chính thức, đây là vấn đề cần phải quan tâm”, ông Tiển nhấn mạnh.

Đại diện Trường THPT Hương Giang phân tích, nỗi lo lớn hơn dành cho thí sinh. Đối với các thí sinh là con em của các đồng bào dân tộc thiểu số, không ít em chưa quen các thao tác sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) nên trong quá trình làm bài chắc chắn sẽ gặp khó khăn, nhất là việc xử lý các sự cố kỹ thuật.

Trên thực tế, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng sẽ gặp khó khăn. Một giáo viên tại huyện A Lưới cho rằng, nhiều trường hợp giáo viên hạn chế về kỹ năng CNTT là có thật và điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng quá trình làm nhiệm vụ thi. Dù trước khi thi sẽ có tập huấn, song thời gian tập huấn ngắn và một số trường hợp khó mà làm tốt.

Học sinh giải bài tập sau giờ kiểm tra trên giấy

Không chỉ các trường vùng cao, giáo viên và học sinh các trường tại TP. Huế cũng băn khoăn về phương án thi trên máy tính.

Đặng Văn Phong, học sinh lớp 11 của một trường THPT tại TP. Huế lo lắng: “Nếu tính theo lộ trình mà Bộ GD&ĐT thông tin là từ năm 2021 có thể tổ chức phương án thi này thì khóa của tụi em sẽ bắt đầu thi. Cách làm bài, giải đề trên giấy đã quen, hơn nữa tụi em chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia ngay từ khi lớp 10, việc thay đổi này sẽ rất mới lạ và em cùng nhiều bạn thấy lúng túng. Trong khi đó, do chưa chốt phương án nên hiện tại nhà trường cũng chưa chuẩn bị phương án ôn luyện theo hình thức thi trên máy”.

Ông Nguyễn Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho rằng, cơ sở vật chất để đảm bảo việc tổ chức thi bằng máy tính cũng cần được xem xét, bởi vấn đề đầu tư không phải dễ. Thực tế, nhiều trường đang gặp phải tình trạng cơ sở hạ tầng không đủ để đáp ứng hình thức này. Ngoài ra, vấn đề bảo mật đề thi trên máy tính cũng đáng băn khoăn, nếu không bảo mật tốt, nguy cơ lộ đề có thể xảy ra.

Cần lộ trình dài và thử nghiệm trước

Theo đại diện các trường THPT tại Huế, trên thực tế xu hướng thi THPT trên máy tính là nên áp dụng. Hình thức thi lâu nay bộc lộ một số hạn chế, bằng chứng là từng xảy ra trường hợp có sự can thiệp của “bàn tay” con người nên tổ chức thi trên máy tính có điều kiện để đảm bảo tính công bằng. Hơn thế, đối với sự phát triển hiện nay về CNTT, việc tổ chức thi trên máy để đánh giá xếp loại người học là hợp lý. Song, để làm được cần nghiên cứu kỹ và xây dựng một lộ trình phù hợp.

Nhiều giáo viên và học sinh giải thích, vấn đề thi cử gần như liên tục đổi mới qua các năm, khiến cho học sinh khó bắt nhịp. Vì vậy, phải xác định một lộ trình dài để đủ điều kiện chuẩn bị tốt nhất. Đặc biệt, cần nghiên cứu kỹ để chốt một phương án ổn định lâu dài, hạn chế sự thay đổi.

“Chủ trương của Bộ GD&ĐT đang áp dụng chương trình giáo dục THPT mới, đến năm học 2024 - 2025 có một lứa học sinh theo chương trình THPT mới nên có thể áp dụng thi THPT bằng hình thức thi trên máy tính từ khóa này sẽ phù hợp hơn”, ông Hướng nói thêm.

Thí sinh làm bài thi THPT Quốc gia 2019 trên giấy

Để áp dụng cần có lộ trình phù hợp, có thể áp dụng thí điểm với một số trường đủ điều kiện, nhất là về cơ sở vật chất trước khi áp dụng đại trà. Mỗi tỉnh có thể chọn một số trường đủ điều kiện để làm. Quá trình thí điểm phải đánh giá sát thực tiễn để lựa chọn phương án triển khai phù hợp. Song song quá trình thử nghiệm, cần đầu tư cơ sở vật chất tại các trường, đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, tổ chức thi thử nhiều lần cho học sinh làm quen.

Theo lãnh đạo các trường, đối với ngành giáo dục, cần có phương án nghiên cứu ngân hàng đề thi sớm vì nhiệm vụ này không đơn giản, đòi hỏi sự đầu tư về mặt thời gian và công sức. Đồng thời, phải có phương án đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối về đề thi, dự phòng các trường hợp bất ngờ xảy ra, về cả cơ sở vật chất và yếu tố con người trong quá trình tổ chức thi.

Một giáo viên có nhiều năm làm nhiệm vụ thi tại Huế cho rằng, điều cần quan tâm khi tổ chức thi THPT Quốc gia trên máy tính là phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy trên lý thuyết khi thi trên máy tính, việc áp dụng công nghệ vào thi, xử lý kết quả sẽ hạn chế tác động của con người, hạn chế được tiêu cực nhưng vì công nghệ do con người làm ra và vận hành nên nếu không giám sát tốt, con người vẫn có thể can thiệp và tình trạng gian lận có thể tinh vi hơn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top