ClockThứ Ba, 18/09/2018 13:30

Nhiều hồ thủy lợi đến thời hạn kiểm định

TTH - Nhiều hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Các công trình có thời gian sử dụng lâu, ít được duy tu bão dưỡng, kiểm định chất lượng. Có những công trình đê đập bằng đất dễ vỡ khi nước lũ dâng cao, chảy xiết.

Rà soát mức độ an toàn các hồ chứa, thuỷ điện ở miền Trung

Hồ Truồi, các vị trí cũ của cửa đập chính thấm nhẹ

Xuống cấp

Với nhiệm vụ cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều địa phương thuộc các huyện Phú Lộc, Phú Vang, cấp nước sinh hoạt, chống nhiễm mặn cho các địa phương nói trên nhưng trong chuyến thực địa gần đây, chúng tôi lại ghi nhận một số dấu hiệu xuống cấp tại hồ Truồi khiến người dân lo lắng, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần, có thể ảnh hưởng đến khả năng tích nước.

 Theo quan sát, các vị trí tại cửa đập chính có hiện tượng thấm nhẹ giữa chân đập. Vị trí đập phụ tại cao trình +27m, giếng quan trắc bị hỏng 8 cái. Tràn xả lũ hai bên trụ ở vị trí khe phai rò rỉ nước; cống lấy nước bê tông tại khe phai bị phong hóa cục bộ.

Người dân sống ở khu vực hạ lưu khá đông đúc, lo ngại những dấu hiệu trên ảnh hưởng đến quá trình tích nước của hồ trong mùa mưa lũ, rất dễ xảy ra sự cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ở nhiều hồ khác, cũng có dấu hiệu hư hỏng, như hồ Khe Ngang, tại đỉnh đập, hệ thống thoát nước mặt bị tắc, mặt đập bị lồi lõm, mái đập hạ lưu, cửa tràn chính bị sụt lún cục bộ.

Ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) thông tin, đơn vị hiện đang quản lý 20 hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ. Trong đó, nhiều hồ bị hư hỏng nhẹ, dù không phát hiện sự cố lớn nhưng một số hạng mục phụ trợ đã xuống cấp, đập đất có hiện tượng trượt mái và thấm nhẹ, các thiết bị cơ khí xuống cấp, một số công trình đường quản lý và công trình trên kênh xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp. Trong đó các hồ Khe Ngang, Khe Bội, A Lá, Khe Nước…; đập ngăn mặn Thảo Long đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Các công trình hồ chứa do huyện, xã quản lý còn nghiêm trọng hơn. Nhiều công trình xây dựng cách nay hơn 30 năm đã xuống cấp và nằm gần khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như các hồ: Trằm Giàng, Trằm Nãi (Phong Điền); các hồ đập Bao, Đồng Bào, Thủy Lập (Quảng Điền).

Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi, trong đó 1 hồ chứa có dung tích trên 100 triệu m3, 2 hồ chứa có dung tích từ 10 đến 100 triệu m3; 5 hồ chứa có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3; 48 hồ chứa nước loại nhỏ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý hồ Tả Trạch; Công ty Thủy lợi quản lý 20 hồ vừa và nhỏ, các địa phương cấp huyện quản lý 35 hồ chứa nhỏ còn lại.

53/56 hồ đã đến thời hạn kiểm định

Sẽ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 9 hồ chứa

Hiện tỉnh đã triển khai dự án WB8 tiến hành tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập; đang tiến hành các thủ tục đầu tư sửa chữa nâng cấp 9 hồ gồm Phú Bài 2, Ka Tư, Tà Rinh, Nam Lăng, Cừa, Phụ Nữ, Khe Rưng, Cây Cơi, Ba Cửa; dự kiến khởi công cuối năm 2018. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nâng cấp sửa chữa hồ chứa nước Thọ Sơn…

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thông tin, hiện các hồ đều xây dựng phương án phòng chống lụt bão (PCLB) vùng hạ du lồng ghép với phương án PCLB của công trình hoặc của địa phương. Tuy nhiên mới chỉ có hồ Thủy Yên xây dựng được bản đồ ngập lụt cho vùng hạ du, còn các hồ khác chưa thực hiện. Các hồ như Tả Trạch, Truồi, Khe Ngang, Hòa Mỹ, Phú Bài 2… vùng hạ du tập trung đông dân cư rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố, chưa kể 53/56 hồ đã đến thời hạn kiểm định nhưng chưa thực hiện. Đến nay mới chỉ có hồ Truồi, hồ Hòa Mỹ tiến hành kiểm định giai đoạn 1, năm 2018 đang triển khai kiểm định hồ Khe Ngang.

Ông Đính lý giải, theo quy định các hồ có dung tích trên 10 triệu m3 sau 10 năm đi vào sử dụng phải kiểm định chất lượng công trình, riêng hồ có dung tích dưới 10 triệu m3 không quy định kiểm định nhưng yêu cầu sau 7 năm phải đánh giá lại tốc độ dòng chảy, kiểm tra trực quan chất lượng công trình. Việc kiểm định chất lượng công trình thủy lợi không hề đơn giản bởi trung bình để thực hiện kiểm định cần số tiền khoảng trên 1 tỷ đồng thuê tư vấn đánh giá khả năng ổn định thân đập, khả năng bồi lắng… Đó là chưa tính chi phí khắc phục những hư hỏng của công trình sau khi đánh giá.

“Kinh phí duy tu bảo trì công trình khắc phục sự cố, kiểm định quá lớn để đảm bảo an toàn công trình và công tác vận hành. Hiện công ty đang triển khai khắc phục tạm một số hạng mục trong phạm vi cho phép, phần sửa chữa lớn đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT hỗ trợ kinh phí để đầu tư nâng cấp”, ông Đính đề xuất.

Cùng với khắc phục các hư hỏng trước mùa mưa bão, Công ty Thủy lợi và chính quyền các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, phương tiện đảm bảo ứng phó khi có sự cố xảy ra. “Trong mùa mưa bão, công ty tổ chức quản lý vận hành, điều tiết nước đúng quy trình phê duyệt; phân công lực lượng thường xuyên theo dõi để có các phương án xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố nhằm đảm bảo an toàn các công trình”, ông Đính thông tin.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang

Ở huyện Quảng Điền hiện còn hơn 6,5km đê ven phá Tam Giang bán kiên cố, được đắp bằng đất tạm thời, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, gây khó khăn đối với sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.

Sớm kiên cố đê phá Tam Giang
Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp

Nhiều tuyến giao thông khu vực TP. Huế bị xuống cấp, hư hỏng vẫn chưa được khắc phục gây mất an toàn giao thông (ATGT) cũng như gây khó khăn đi lại của người dân.

Sau mưa lũ, nhiều tuyến giao thông xuống cấp
Nhiều hồ, đập xuống cấp: Cần giải pháp đảm bảo an toàn

Qua kiểm tra, một số hạng mục của hồ, đập trên địa bàn tỉnh đã hư hỏng, đập đất có hiện tượng sạt trượt mái và thấm, đường thoát lũ tại khu vực tràn và cửa van của các hồ chứa bị bồi lấp. Đặc biệt, công tác kiểm định an toàn hồ, đập thủy lợi đang còn bị bỏ ngỏ.

Nhiều hồ, đập xuống cấp Cần giải pháp đảm bảo an toàn

TIN MỚI

Return to top