ClockThứ Ba, 09/01/2018 08:24

Nhiều nhiệm vụ đặt ra với ngành tài nguyên môi trường

TTH.VN - Ngày 8/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) do Bộ TN&MT tổ chức.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt NamNhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Tổng cục Địa chất và Khoáng sản

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT nói chung, Bộ TN&MT nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thời kỳ 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.

“Chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nhưng đồng thời phải giải quyết được tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ môi trường”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Để đạt được những mục tiêu tổng quát nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh những yêu cầu ngành TN&MT phải tập trung thực hiện trong năm 2018 và thời gian tới.

Trước hết, phải tập trung quản lý có hiệu quả tài nguyên đất đai, chống lãng phí, thất thoát, nâng cao hiệu quả tài nguyên đất đai; quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản, vừa chống thất thoát, lãng phí, vừa bảo đảm môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển, chế biển; kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, đô thị lớn, làng nghề…; kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường; quản lý chặt chẽ, đi đôi với khai thác hiệu quả tài nguyên nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành TN&MT phải có các giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, tài nguyên biển; các giải pháp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, từ đó giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân. 

“Nhiệm vụ đầu tiên, quan trọng nhất là phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về TN&MT để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Từ hoàn thiện thể chế sẽ giúp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Theo đó, Bộ TN&MT phải tập trung sửa đổi, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; chuẩn bị sửa đổi Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khí tượng thuỷ văn, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng, hoàn thiện các văn bản dưới luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

“Ngành cũng phải thực hiện tốt công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đặc biệt là phải thay đổi tư duy từ quản lý thuần túy sang phục vụ, giải thích, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ TN&MT tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực. Theo đó, cần rà soát lại tất cả các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực TN&MT để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới cho phù hợp với thực tiễn phát triển, đặc biệt là các Quy hoạch quản lý, khai thác tài nguyên (đất, nước, khoáng sản, biển). Từ các quy hoạch đó, xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chỉ rõ nguồn lực và thứ tự ưu tiên triển khai thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch treo.

Yêu cầu thứ ba được Phó Thủ tướng nhấn mạnh với ngành TN&MT là phải có các giải pháp tạo đột phá trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất.

“Phải quản lý chặt chẽ đất đai từ quy hoạch, kế hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng, sử dụng bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả tối đa. Cùng với đó, tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng Chính phủ điện tử; tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với đất có nguồn gốc của các nông, lâm trường quốc doanh.

Trước thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất do gia tăng ô nhiễm nguồn nước và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước dưới tác động của biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT nhanh chóng đưa ra được các giải pháp trước mắt và lâu dài bảo đảm an ninh nguồn nước.

“Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác điều tra, đánh giá đầy đủ tài nguyên nước, nâng cao ý thức của cộng đồng trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước; thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy chế vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Đặc biệt, Bộ TN&MT chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ để đàm phán thiết lập cơ chế chia sẻ nguồn nước liên quốc gia”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phải tăng cường quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường.

Đối với nhiệm vụ kiểm soát, bảo vệ môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ngành tổ chức điều tra, rà soát, phân loại, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm nhất là các nguồn thải ra sông, ra biển; cải tạo, phục hồi các khu vực ô nhiễm; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường; tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; triển khai mạnh các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông, bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, làng nghề.

Diễn biến các đợt thiên tai, bão lũ vừa qua cho thấy, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Khí tượng thủy văn phải tăng cường hơn nữa chất lượng công tác dự báo khí tượng, thủy văn, cảnh báo thiên tai để góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành TNMT phải huy động nguồn lực quốc tế, nguồn lực xã hội triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh 2016-2020, đặc biệt xây dựng lộ trình hành động cụ thể đối với Kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về khí hậu tại Việt Nam, làm cơ sở để triển khai thực hiện các hoạt động.

“Bộ TN&MT phải là trung tâm để phối hợp với các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và nghiên cứu các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các vùng chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.

Để thực hiện được những nhiệm vụ hết sức nặng nề nêu trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục sắp xếp lại bộ máy bảo đảm tinh gọn, phù hợp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh, xây dựng tinh thần phục vụ doanh nghiệp và người dân trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo VPCP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào

Qua quan sát, diện chưa rộng lắm nhưng tôi đã “lờ mờ” nhận ra xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường (thường được gọi là xu hướng tiêu dùng xanh) đang dần hiện hữu và được coi trọng, nó không ở chỗ này thì ở chỗ kia. Xu hướng này chỉ có được khi đi cùng với nhận thức và những lĩnh vực tiêu dùng văn minh.

Sẽ có, nhưng chưa biết… ngày nào
Nữ công an xã vùng biên gương mẫu

Gương mẫu, tận tụy và đầy trách nhiệm trong công việc, Thiếu tá Hồ Thị Kim Anh (sinh năm 1986, Phó Trưởng Công an xã Hồng Kim, huyện A Lưới) luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Nhiều năm liền, Thiếu tá Kim Anh đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nữ công an xã vùng biên gương mẫu
Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

Chiều 17/3, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh phát động chiến dịch “Hãy làm sạch biển” và đồng loạt ra quân hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh - Hãy làm sạch biển năm 2024 tại bãi tắm thôn Tân Bội, xã Điền Lộc (huyện Phong Điền).

Ra quân làm sạch môi trường tại Phong Điền, A Lưới

TIN MỚI

Return to top