ClockThứ Năm, 03/10/2013 15:10

Nhiều thông số vượt tiêu chuẩn về môi trường tại Nhà máy tinh bột sắn Phong An

TTH - Ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân quanh khu vực Nhà máy tinh bột sắn Phong An, Phong Điền đã rõ. Vấn đề là việc khắc phục cần sớm được đơn vị triển khai để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, bởi đơn vị đã quá nhiều lần “lỗi hẹn”.

Vào tháng 8/2013, Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) đã tiến hành lấy 6 mẫu nước mặt dọc theo Khe Mây kéo dài từ điểm xả thải đến vị trí trồng sen của hộ ông Hồ Bòn, thuộc xã Phong An (Phong Điền), tiếp giáp với ruộng lúa. Tại thời điểm này, Nhà máy chưa đi vào hoạt động. Kết quả phân tích chất lượng các mẫu nước mặt cho thấy, dòng nước dẫn về hồ sen của hộ ông Hồ Bòn có lưu lượng không đáng kể, dung tích nhỏ; kết quả phân tích cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép tại cột B1 của QCVN 08:2008/BTNMT. Riêng chất lượng nước tại 2 vũng trong hồ sen của hộ ông Hồ Bòn có giá trị các thông số: nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD5) và nhu cầu ôxy hóa học (COD) cao hơn giới hạn cho phép của QCVN 08:2008/BTNMT; nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ.

Các hồ xử lý đã quá tải sau 9 năm hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng quanh khu vực

Ngày 20/8/2013, sau khi nhận được tin phản ánh hiện tượng cá chết tại khu vực Khe Mây, Chi cục BVMT đã phối hợp với UBND xã Phong An, đại diện Hợp tác xã nông nghiệp Phong An và ông Hồ Bòn tiến hành lấy mẫu tại khu vực thải nước thải của Nhà máy tinh bột sắn Phong An. Tại thời điểm lấy mẫu, nước thải có màu xanh theo cảm quan, kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy độ màu vượt 12,6 lần, tổng chất rắn hòa tan (TSS) vượt 5,37 lần, BOD5 vượt 2,87 lần, COD vượt 1,54 lần, tổng nitơ (N) vượt 2,13 lần, tổng phốtpho (P) vượt 1,84 lần, hàm lượng xyanua (CN-) vượt 3,94 lần, so với giá trị tối đa Cmax được tính toán.

Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền cũng như UBND xã Phong An, tại thời điểm có hiện tượng cá chết, trong các khu vực lân cận xã Phong An có nhiều địa phương cũng xảy ra hiện tượng cá chết và trong đó có không ít địa phương không phải là nơi tiếp nhận nguồn xả thải từ Nhà máy tinh bột sắn Phong An cũng có cá chết. Nguyên nhân cá chết là do nhiều lý do khác nhau, không hẳn chỉ do nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm.

Để xác định chất lượng nguồn nước mặt trong khu vực, Chi cục BVMT đã lấy mẫu nước mặt trong khu vực Khe Mây, xã Phong An không chịu tác động do nước thải từ Nhà máy tinh bột sắn Phong An. Kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước mặt cho thấy nguồn nước mặt trong khu vực Khe Mây, xã Phong An hiện bị ô nhiễm khá nặng. Tại thời điểm này, Nhà máy vừa bắt đầu vào sản xuất sau 5 tháng nghỉ hoạt động. Theo báo cáo của đại diện nhà máy, lượng nước thải ra vào ngày 20/8/2013 chủ yếu là nước tồn lưu lâu ngày trong các hồ, nguồn nước này có màu xanh lục do sự phát triển của tảo. Chi cục BVMT đã yêu cầu Nhà máy xem xét vệ sinh và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải.

Trước đó, Chi cục BVMT có nhiều đợt kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng nước thải tại nhà máy và các khu vực lân cận. Ngày 22/3/2012, Chi cục BVMT đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phong Điền tiến hành khảo sát và lấy mẫu nước ngầm tại một số hộ dân trong khu vực để phân tích. Kết quả cho thấy hầu hết các thông số chất lượng nước đều đạt so với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09-2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm, trừ hàm lượng amoni (NH4+) và chỉ tiêu coliforms cao hơn mức cho phép. Các mẫu nước ngầm trong khu vực đều không phát hiện thành phần của xyanua (CN-).

Vào tháng 5-2012, Chi cục BVMT thực hiện công tác kiểm tra, lấy mẫu tại Nhà máy tinh bột sắn Phong An (tại thời điểm này, nước thải của Nhà máy vẫn xả thải về hướng ruộng lúa đội 1 và đội 2, thôn Đồng Lâm, xã Phong An) và gửi đi phân tích. Kết quả, độ màu vượt 29,76 lần, tổng chất rắn hòa tan (TSS) vượt 4,86 lần, nhu cầu ôxy sinh hóa (BOD5) vượt 6,82 lần, nhu cầu ôxy hóa học (COD) vượt 3,79 lần so với giá trị C quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT cột B. Chi cục BVMT đã yêu cầu Nhà máy phải có phương án trước mắt cũng như kế hoạch đầu tư nâng cấp để nâng cao hiệu quả của hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải ra đạt quy định của Quy chuẩn Việt Nam.

Vào tháng 4/2013, để giải quyết kiến nghị của hộ ông Hồ Bòn, Chi cục BVMT đã tiến hành lấy mẫu nước thải tại mương bê tông trước khi thải vào Khe Mây và gửi đi phân tích. Tại thời điểm này nhà máy ngừng sản xuất, hầu hết các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn tối đa cho phép tại QCVN 40:2011/BTNMT. Chi cục BVMT cũng tiến hành lấy mẫu nước tại hồ trồng sen của hộ ông Hồ Bòn, xã Phong An, kết quả phân tích chất lượng nước có giá trị nhu cầu ôxy hóa học (COD) cao hơn 2 lần giới hạn cho phép tại cột B1 của QCVN 08:2008/BTNMT; nước trong hồ có dấu hiệu bị ô nhiễm hữu cơ.

Sau kết quả phân tích mới đây và các lần trước đó, theo đánh giá của Chi cục BVMT, nguồn nước mặt trong khu vực Khe Mây, xã Phong An hiện đang ô nhiễm khá lớn, đặc biệt là ô nhiễm về chất hữu cơ. Nhà máy tinh bột sắn Phong An cần có phương án để chọn điểm xả thải hợp lý nhằm tránh hiện tượng ô nhiễm cộng hưởng có thể xảy ra trong vùng. Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy sau 9 năm hoạt động đã xuống cấp, hiệu suất xử lý thấp, nước thải ra không đạt yêu cầu và tại nhiều thời điểm đã có hiện tượng quá tải. Nhà máy phải có phương án cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải trong thời gian sớm nhất để đảm bảo nước thải ra đạt yêu cầu theo QCVN. Công suất của hệ thống xử lý nước thải dự kiến đầu tư nâng cấp phải xử lý hoàn toàn lượng nước thải phát sinh ở thời kỳ cao điểm trong quá trình sản xuất.

Tìm hiểu giải pháp khắc phục, được biết Nhà máy tinh bột sắn Phong An đã thuê tư vấn đo vẽ bản đồ, lập đề án để trình hồ sơ thuê đất tại khu vực Khe Mây (khu vực hoang hóa gồm tràm và cây bụi) để đầu tư thêm diện tích xử lý nước thải của Nhà máy. Hiện Nhà máy đã khảo nghiệm trồng cỏ vetiver trên tuyến Khe Mây để tăng cường xử lý nước thải. UBND huyện Phong Điền cũng đã thống nhất chủ trương để Nhà máy triển khai các thủ tục thuê đất theo quy định. Ngoài ra, Nhà máy đã tiến hành lập dự án xây dựng hệ thống xử lý Biogas để xử lý nước thải với diện tích hồ 20.000m2, dung tích chứa 100.000m3 nước thải, tổng chi phí dự kiến đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Hiện tại, Nhà máy đã tiến hành công tác khảo sát địa tầng, thổ nhưỡng và chuẩn bị mặt bằng để triển khai xây dựng hệ thống xử lý.

Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024

Sáng 14/4, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tổ chức lễ khai mạc triển lãm và chấm thi Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh lần thứ XVII, năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cùng giáo viên, học sinh các đơn vị dự thi.

163 đề tài tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh năm 2024
Nâng hạng chỉ số DTI

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn nằm trong tốp đầu về chỉ số chuyển đổi số. Song năm 2023, qua rà soát, trong Bộ chỉ số chuyển đổi số có nhiều nhóm tiêu chí không đạt bền vững, do vậy cần những giải pháp căn cơ để chuyển đổi số trở thành chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng hạng chỉ số DTI
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

TIN MỚI

Return to top