ClockThứ Ba, 22/08/2017 06:01

Nhiều tuyến đê xuống cấp chờ đầu tư

TTH - Hơn 650km đê kè vùng biển, đầm phá, cửa sông và nội đồng trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư xây dựng hoặc đang xuống cấp, ảnh hưởng cuộc sống người dân, diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Kè chống sạt lở bờ biển xã Quảng Công, Quảng Điền đang gấp rút thi công

Đê “yếu” 

Nhiều năm nay, người dân thôn 4, xã Vinh Hải (Phú Lộc) phải sống chung với tình trạng biển xâm thực, đe dọa hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp. Đỉnh điểm là cuối năm 2016 đầu năm 2017, tình trạng xâm thực biển trở nên nghiêm trọng khi biển đã “lấn” vào vùng sản xuất, nước tràn ảnh hưởng Tỉnh lộ 21, đe dọa cuộc sống của 16 hộ dân vùng trực tiếp ảnh hưởng và hơn 300 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Hàng năm, xã Vinh Hải và huyện Phú Lộc đều phải bỏ kinh phí và huy động hàng nghìn ngày công để tiến hành đắp, gia cố đê tạm thời ở những điểm xâm thực mạnh. “Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã cấp 2,5 tỷ đồng để tiến hành chống sạt lở bờ biển ở những điểm trọng yếu bằng rọ đá. Về lâu dài, cần xây dựng kè quy mô lớn để bảo vệ đất; với tình trạng sạt lở, xâm thực sau mỗi mùa mưa bão như hiện nay, nguy cơ sẽ có hàng nghìn hộ dân, hàng trăm ha đất nông nghiệp không sản xuất được”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Vinh Hải, lo lắng.

Tuyến đê sông Bồ qua địa bàn xã Quảng An, Quảng Điền đang được đầu tư

Từ lâu, tình trạng xâm nhập mặn ở các xã Vinh Hà, Vinh Thái (Phú Vang) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa ở đây. Tại xã Vinh Hà, tuyến đê tây phá Cầu Hai đoạn từ cống Phường 6 đến cống Quan trên chiều dài khoảng 2,5km đã bị xuống cấp, đe dọa xâm nhập mặn gần 500 ha lúa một vụ của vùng Bàu Ô.

Ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh cho biết, hàng năm bằng nhiều nguồn vốn đơn vị đã duy tu sửa chữa đảm bảo nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt, bảo vệ diện tích lúa đang sản xuất. Hiện nay, tuyến đê này đã lập dự án, khảo sát trong chương trình nguồn vốn khắc phục bão lụt và sẽ có kế hoạch đầu tư trong năm 2017.

Trong năm 2016-2017, các tuyến đê bao nội đồng ở Phong Điền cũng nhiều lần vỡ do mưa lớn, triều cường làm hàng nghìn ha lúa bị ngập, phải chật vật đấu úng.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thông tin, hiện tại trên địa bàn huyện có tuyến đê phá Tam Giang (khoảng 6km) và các tuyến đê nội đồng, tập trung ở các xã Hòa Bình Chương và Ngũ Điền (khoảng 30km), đang xuống cấp nhiều đoạn.

Những năm qua, Phong Điền đã được UBND tỉnh đầu tư, nâng cấp một số tuyến đê nhằm đảm bảo sản xuất. Tuy nhiên, do kinh phí còn khó khăn nên việc nâng cấp chưa đồng bộ dẫn đến hiệu quả về lâu dài chưa cao.

Cần 4.000 tỷ đồng

Ông Phan Thanh Hùng cho biết, hiện đê kè ven biển, đầm phá toàn tỉnh có chiều dài 180km, đã nâng cấp, đầu tư được 60km; cụ thể như tuyến đê đông tây Ô Lâu (Phong Điền); Phú An- Phú Mỹ (Phú Vang); Quảng Thái- Quảng Lợi (Quảng Điền).

Theo tính toán, 120km còn lại và 135 cống các loại trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục xây mới, nâng cấp với nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 30-40km cần phải khắc phục, nâng cấp khẩn cấp như vùng ven biển qua khu vực Điền Hải (Phong Điền), Hải Dương (Hương Trà), Vinh Hà (Phú Vang), Quảng An, Quảng Thành (Quảng Điền).

Một số điểm đang đầu tư như kè chống sạt lở bờ biển xã Quảng Công (Quảng Điền), khởi công xây dựng từ năm 2016, dự kiến năm 2019 hoàn tất. Công trình trên chiều dài gần 2,7km được chia làm hai giai đoạn với tổng vốn đầu tư trên 278 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT (thuộc UBND tỉnh) làm chủ đầu tư.

Hiện nay, giai đoạn 1 đang đầu tư chống sạt lở cấp bách gồm 4 đoạn, trên chiều dài gần 1,5km của tuyến kè. Thời điểm hiện tại công trình đã đạt 60% khối lượng công việc trong giai đoạn 1, đơn vị thi công đã huy động hết nguồn nhân, vật lực để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, trước mùa mưa bão năm nay sẽ thực hiện cao trình để tránh thiệt hại.

Theo BCH PCTT&TKCN tỉnh, toàn tỉnh có hàng chục điểm sạt lở biển, sông trên chiều dài khoảng 70km, xâm thực vào đất sản xuất nông nghiệp, với khoảng 1.000 hộ dân nằm trong vùng xung yếu, nguy hiểm phải di dời.

Ông Võ Đông Thi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Công cho biết, công trình kè chống sạt lở bờ biển xã Quảng Công được đầu tư sẽ góp phần chống sạt lở bờ biển nhằm đảm bảo an toàn khu dân cư với tổng số gần 500 hộ dân của các thôn Hải Thành, Tân Thành và An Lộc.

“Hiện nay, nguồn kinh phí khó khăn, trong xu hướng đang cắt giảm đầu tư công nên toàn tỉnh mới làm được 30% tuyến đê biển. Tỉnh tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm và lồng ghép vào nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia. Địa phương cũng vận dụng nguồn vốn khắc phục bão lụt hàng năm để tập trung sữa chữa các đoạn xung yếu”, ông Hùng khẳng định.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay hệ thống đê sông một số dự án đang triển khai từ nguồn vốn ADB và các nguồn khác như nâng cấp hệ thống đê kết hợp giao thông nội đồng đông- tây Hói Tôm trên chiều dài 7km; đê Đại Giang trên chiều dài 13km; đê Nho Lâm- Nghĩa Lộ trên chiều dài 4,5km. Song vẫn còn nhiều tuyến cần phải tiếp tục đầu tư, nâng cấp. Cụ thể như đê Hói Hà, Hói Nậy (Phong Điền), đê Thiệu Hóa (Phú Vang) trên tổng chiều dài khoảng 13km, hàng năm đều xảy ra tình trạng xói lở, vỡ đê do triều cường, mưa lớn ảnh hưởng đến sản xuất.

Riêng tuyến đê nội đồng trên địa bàn tỉnh đang còn khoảng 500km xuống cấp và cần được đầu tư. Nhiều địa phương ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền hàng năm xảy ra tình trạng vỡ đê, sạt lở.

Theo tính toán, toàn tỉnh cần khoảng 4.000 tỷ đồng để đâu tư mới, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đê biển, sông đầm phá và nội đồng.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Dấu ấn khuyến nông

Dù có những lúc thăng trầm, nhưng đến thời điểm này ngành nông nghiệp tỉnh đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Trong sự chuyển biến chung đó phải kể đến dấu ấn quan trọng của hoạt động khuyến nông.

Dấu ấn khuyến nông
Thị trường carbon: Chìa khóa chuyển đổi xanh

Thị trường carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” của Việt Nam.

Thị trường carbon Chìa khóa chuyển đổi xanh
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Return to top