ClockThứ Tư, 25/08/2010 15:34

Nhiều vướng mắc trong thực thi

TTH - Nghị định 88 của Chính phủ quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là GCN) có hiệu lực và được triển khai thực hiện từ hơn 8 tháng nay. Qua thực tiễn, công tác cấp GCN đã phát sinh một số vướng mắc, khó khăn cho không chỉ đối với đơn vị thực thi mà còn ảnh hưởng đến thời gian, chi phí của người dân có nhu cầu xin cấp giấy.

Thiếu nhân lực, hạn chế về nghiệp vụ 

Qua tìm hiểu, khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng chịu trách nhiệm thụ lý hồ sơ còn ít, trong khi khối lượng công việc tăng lên rất nhiều so với trước. Phần lớn đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm trong việc đo vẽ, xác định hiện trạng nhà ở để thể hiện chính xác trong GCN. Điều này dẫn đến một thực tế là phần lớn các huyện, thị xã, khi cấp GCN lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, trên GCN chỉ xác định quyền sử dụng đất chứ chưa thể xác nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất. Phần khác do người dân chưa có nhu cầu cấp quyền sở hữu về nhà ở; hoặc do vi phạm xây dựng, chưa đóng thuế xây dựng... nên họ lãng tránh nhu cầu cấp quyền sở hữu về nhà ở. 
 
Anh Trần Hùng Nam, Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP Huế cho biết, ngoài những khó khăn về nhân sự, chuyên môn nghiệp vụ, quy trình cấp GCN theo Nghị định 88 đã có thay đổi trong việc tiếp nhận thụ lý hồ sơ. Trước đây, người có nhu cầu xin cấp GCN phải nộp hồ sơ tại xã, phường, thị trấn để được xác nhận, đo đạc, sau đó chuyển lên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐKQSDĐ). Nhưng nay, toàn bộ hồ sơ của người có nhu cầu xin cấp GCN được chuyển trực tiếp đến văn phòng ĐKQSDĐ thụ lý, thẩm tra, thẩm định. Người dân không phải luôn khai đúng, khai đủ về diện tích cũng như thời gian sử dụng. Cán bộ văn phòng thụ lý hồ sơ do không nắm rõ địa bàn, nguồn gốc về nhà, đất nên khi chuyển hồ sơ cho chính quyền địa phương xác minh thì có thể gặp trở ngại. Người dân buộc phải đi lại nhiều lần để bổ sung các thủ tục cần thiết, vừa gây bị động về thời gian; đồng thời tạo sự hiểu nhầm, cho rằng đơn vị đang “hành dân”. 
 
Thêm một vấn đề nảy sinh khiến cơ quan chức năng quan tâm và đau đầu trong việc cấp quyền sở hữu nhà ở là đối với những trường hợp nhà ở vi phạm xây dựng thì đòi hỏi phải có sự phối hợp song song và liên hoàn trong từng trình tự cấp giấy giữa các cơ quan liên quan. Đó là, đơn vị cấp giấy không chỉ phối hợp ở cấp sở, ngành để tìm hướng xử lý các vi phạm, mà còn phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý về nhà ở, công trình xây dựng, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp huyện, thị xã, thành phố... khi kiểm tra, xử lý và xác minh cấp GCN.
 

Người dân đang được hướng dẫn làm hồ sơ xin cấp GCN tại văn phòng ĐKQSDĐ thành phố Huế

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ cấp GCN, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch cụ thể thực hiện đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ cán bộ chuyên môn về quản lý đất đai. Tiến hành rà soát các văn bản do UBND các huyện, thị xã Hương Thủy và TP Huế ban hành liên quan đến việc cấp sổ đỏ, sửa đổi cho phù hợp với Nghị định 88, Thông tư 17 của Bộ TNMT và văn bản quy phạm pháp luật về cấp GCN do UBND tỉnh ban hành. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc cải cách thủ tục theo hướng “một cửa”, không được yêu cầu người sử dụng đất nộp thêm các loại giấy tờ của hồ sơ xin cấp giấy ngoài quy định, không giải quyết thủ tục trái thẩm quyền, bảo đảm thời gian giải quyết thủ tục cấp GCN tối đa không vượt quá quy định.
 
Kết quả cấp GCN từ khi áp dụng Nghị định 88 của Chính phủ đến cuối tháng 7/2010, đối với tổ chức và cơ sở tôn giáo đã cấp được 270 giấy; trong đó tổ chức kinh tế 237 giấy, đơn vị sự nghiệp 31 giấy, cơ sở tôn giáo 2 giấy. Đối với hộ gia đình, cá nhân, đã cấp được 3.551 giấy. Trong đó, huyện Hương Trà đạt cao với 1.335 giấy, thành phố Huế 1.210 giấy, thị xã Hương Thủy 329 giấy...
 
Cải tiến nhưng vẫn gian truân
 
Trước đây, phần lớn các hộ gia đình, cá nhân chỉ quan tâm xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mà không màng đến việc xin cấp quyền sở hữu về nhà ở hay tài sản gắn liền trên đất (còn gọi sổ hồng). Qua nhiều năm thả lỏng, nên khi áp dụng quy định mới về việc cấp chung một loại giấy chứng nhận các quyền sở hữu trên, người dân phải chạy đôn, chạy đáo hoàn tất các thủ tục để được hợp thức hóa quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền trên đất.
 
Từ khi áp dụng quy định mới về cấp GCN, nhiều trường hợp gặp không ít phiền phức khi đăng ký hồ sơ xin cấp giấy lần đầu hay chuyển nhượng quyền sở hữu, nhất là những trường hợp xác nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất. Trường hợp anh H., một người dân ở TP Huế có nhu cầu xin sang tên quyền sở hữu đối với lô đất C2 tại Khu quy hoạch Vỹ Dạ, TP Huế là một ví dụ. Nộp hồ sơ từ cách đây hơn 2 tháng, đến nay, anh vẫn chưa thể nhận được GCN. Dù lô đất đã được cấp quyền sử dụng đất, song, vì trong giấy cũ không thể hiện tài sản trên đất, nên khi làm hồ sơ xin chuyển nhượng, đơn vị thụ lý hồ sơ yêu cầu bổ sung các giấy tờ liên quan xác minh tài sản trên đất là hợp pháp để tiến hành cấp giấy. Trải qua 2 lần đổi chủ, anh H. là người thứ 3 mua lại lô đất có nhà nói trên. Để đảm bảo tính hợp pháp tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu của mình, không có sự tranh chấp, vi phạm, anh phải quay lại tìm gặp trực tiếp 2 người chủ trước để được xác minh bằng giấy cam đoan, bổ sung vào hồ sơ xin cấp GCN để được hợp thức hóa quyền sở hữu tài sản trên đất.
 
Tuy là một trong những trường hợp phức tạp, nhưng anh H. vẫn có thể xoay xở để tháo gỡ dù rất tốn công, tốn của. Lấy ví dụ một trường hợp khác oái oăm hơn. Sau khi mua lại nhà đất từ chủ C, vì muốn sang tên quyền sở hữu nhà, đất, ông D. tiến hành các thủ tục cần thiết. Do không có giấy tờ liên quan để xác minh quyền sở hữu nhà ở từ người chủ trước, theo yêu cầu, ông D. tìm gặp các chủ sở hữu trước để xác minh. Ngặt nỗi, có chủ thì đang sống ở xa, không thể liên hệ trực tiếp; có chủ đã mất. Trong trường hợp này, nếu đơn vị cấp giấy cứ “làm việc” theo đúng quy định mà không “linh động” thì e rằng chưa biết bao giờ ông D. cầm được trong tay GCN thuộc quyền sở hữu của mình.
 
Theo quy định, bản vẽ sơ đồ nhà đất trên GCN do tổ chức có chức năng về đo vẽ thực hiện phải thể hiện được số tờ, số thửa, kích thước các cạnh, diện tích thửa đất và ranh quy hoạch lộ giới (nếu xác định chính xác ranh quy hoạch). Trên bản vẽ cũng phải thể hiện hình dáng, kích thước diện tích, mặt bằng, các tầng nhà ở, vị trí nhà ở trên khuôn viên đất, tường chung, tường riêng. Đối với căn hộ chung cư phải thể hiện vị trí ngôi nhà, hình dáng, kích thước mặt bằng tầng có căn hộ và vị trí, hình dáng, kích thước diện tích của căn hộ đề nghị cấp GCN.

                        Hoài Thương 

Ông Lê Văn Đức

Ông Lê Văn Đức, Chi cục Phó Chi cục Quản lý đất đai- Sở Tài nguyên và Môi trường: Tuy còn gặp vướng mắc, song Nghị định 88 được xem là hoàn thiện

Trước khi thực hiện Nghị định 88 và Thông tư 17 của Bộ TNMT về việc cấp GCN, Sở TNMT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các phòng TNMT, Văn phòng ĐKQSDĐ; Sở đã dự thảo Quyết định ban hành Quy định cấp GCN gửi Sở Tư pháp thẩm định, hiện đang trình UBND tỉnh ban hành để thay thế quy định cấp giấy cũ. Dù có sự chuẩn bị, song, vì đang trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện việc cấp GCN, nhiều quy định, văn bản quy phạm pháp luật còn khá mới mẽ nên việc vấp phải vướng mắc, khó khăn trong thực thi là lẽ đương nhiên. Nhưng, sự ra đời của Nghị định 88 thuộc lộ trình đơn giản thủ tục hành chính trên lĩnh vực công nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản gắn liền trên đất.
 
Theo mẫu mới, khi các tổ chức, cá nhân xin cấp GCN sẽ được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất. Nếu diện tích đất đề nghị được cấp quyền sử dụng nhưng chưa có nhà ở thì thủ tục xin cấp quyền sử dụng không có gì thay đổi so với trước. Còn nếu đất xin cấp quyền sử dụng đã có nhà, tài sản trên đất thì hồ sơ xin được cấp quyền sử dụng phải kèm theo biên bản xác nhận hoàn công công trình của Sở Xây dựng.
 
Măng Đô (thực hiện)   
        
 
Chị Nguyễn Thị Thu Hà
Chị Nguyễn Thị Thu Hà, TP Huế: Cần giải quyết linh hoạt để dân đỡ vất vả
 
Với các quyền được ghi rõ tại GCN mới, người dân không chỉ thực hiện được quyền sở hữu về đất ở đơn thuần như trước đây khi nếu chỉ có sổ đỏ, mà nay, quyền sở hữu về nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất được thể hiện ngay trên GCN càng làm tăng giá trị, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện được nhiều quyền hơn khi có nhu cầu mua bán, cầm cố, chuyển nhượng, thế chấp... Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký cấp GCN, phía người dân cũng rất mong cơ quan chức năng cải cách thủ tục hành chính để dân đỡ vất vã. Nếu có trường hợp vướng mắc, nhưng không được nêu cụ thể trong các quy định có liên quan nếu không vi phạm quy định... thì đơn vị xét cấp giấy cần linh hoạt đề xuất cấp có thẩm quyền để sớm tìm hướng giải quyết cho người dân.
 
T.Hoài (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”

Ngày 21/4, tại tổ dân phố 4, Khối Dân vận phường Phường Đúc (TP. Huế) tổ chức khánh thành “Điểm xanh văn hóa”, trị giá hơn 50 triệu đồng.

Khánh thành “Điểm xanh văn hóa”
Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp

Gần đây, nhiều gia đình ưa chuộng xu hướng thiết kế nội thất với hệ thống chiếu sáng đa lớp. Ý tưởng này giúp không gian nội thất được bao trùm bởi nhiều mức độ ánh sáng khác nhau, không giới hạn thời gian.

Xu hướng thiết kế nội thất chiếu sáng đa lớp
Về biển “săn” cua đá

Lặn ngụp ngay chân kè biển tại xã Giang Hải (Phú Lộc), canh đúng thời điểm những con sóng chưa kịp tiến tới, anh Hùng quờ tay vào từng hang hốc, chỉ thoáng chốc, anh đã cầm chắc trong tay chú cua đá với hai càng ngoe nguẩy.

Về biển “săn” cua đá
Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

Ngạc nhiên khi Nguyễn Thị Nhi, sinh năm 1991, nghĩa là chỉ mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm làm từ thiện. Chị đã được Hội LHPN tỉnh tuyên dương là 1 trong 10 phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng năm 2023.

Làm việc thiện, lan tỏa yêu thương

TIN MỚI

Return to top