ClockChủ Nhật, 10/07/2016 09:13

Nhịp cầu ký ức

TTH - Cây cầu gỗ có tay vịn bằng sắt, bắc ngang qua sông, ngang qua cả xóm vạn đò lúc nhúc trẻ con và người lớn ở ngay phía dưới. Mùa lụt đi học về muộn, nước đã tràn lên đường. Đứng trên cầu nhìn xuống lại thấy muôn vàn túi ni lông, cành cây, vỏ chuối, và đủ thứ có thể gọi tên là rác, dập dìu theo con nước chảy đục ngầu.

Trẻ con ham vui quên cả mẹ đang chờ, cứ vậy đứng ngây người nhìn người lớn cõng người bé, quần xắn lên đùi, đầu đội nón, tay xách mì tôm dầu ăn, miệng càu nhàu than vãn. Rồi đến khi giật mình vì tiếng la hét rộn ràng của mấy bác xích lô ba gác đậu xe ở dốc cầu, mới thoát khỏi giấc mơ được lội lụt như người ta, ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Cũng hay, vì nhà ở sát chân cầu, nên không cần phải ghe đò trong những ngày lụt. Chỉ cần đứng bên này, xắn quần lên cao, bậm miệng nhíu mày dùng hết sức của trẻ con mà rướn người đu lên, leo qua thành cầu, và phía bên kia đã có bàn tay của người lớn đón mình đáp xuống nhẹ nhàng. Thêm vài ba bước bì bõm trong nước, là đã tới  nhà, mắt ngoái nhìn quang cảnh ồn ào bên ngoài một cách tiếc nuối trước khi với tay khép cửa..

Cứ vậy, mỗi năm mấy đợt lụt to lụt nhỏ, thậm chí cả những đợt lụt tí hon nước lớn không đủ tràn bờ, cây cầu là nơi tị nạn của muôn vàn thể loại xe cộ - đa phần là xích lô và ba gác của người dân vạn đò, cũng là nơi làm ăn buôn bán tụ hội của biết bao người. Cái bàn gỗ của mẹ, kê thêm cái ghế đẩu lên trên trở thành căn cứ địa của hai anh em mình, để hai anh em ló mặt ra khỏi ô cửa lấy nắng nhìn lên thành cầu, xì xào chỉ trỏ vào khung cảnh và tưởng tượng ra một bến đỗ ngày thuyền đánh cá trở về như trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh:

Tưởng tượng ra một thế giới thật đẹp, thật hay, hoàn toàn đối lập với thực tại khó khăn và vất vả, có lẽ cũng là một khả năng đặc biệt của trẻ con mà người lớn không làm sao có được. Mặc cho mấy o chèo ghe cãi nhau giành khách, mặc cho tiếng người đi chợ kì kèo bớt từng đồng một cho chuyến ghe về nhà, suy nghĩ trẻ con thi vị hóa tất thảy, và cứ vậy hai anh em ngồi cười khanh khách trong câu chuyện của chính mình. Ngay cả tiếng rú ga xe máy cho nước ra khỏi ống bô kèm theo khói bay mù mịt cũng trở thành con rồng chiến đang nhả lửa, và những chiến trường với anh hùng mĩ nữ cứ vậy hiện dần ra, cho đến khi mùi khế chua kho ruốc bốc lên tận mũi mới chịu dừng lại theo tiếng rột rột của dạ dày.

Nhà ở sát chân cầu, nên tuổi thơ và cả tuổi lớn của mình, đều gắn liền với nó. Cây cầu có dốc cao thiệt cao, mỗi năm lại được thay gỗ một lần. Bạn tới chơi, không dám đi qua cầu vì sợ ngã. Buổi tối nằm ngủ, nghe được từng nhịp rung của cầu, tiếng lách cách của những chiếc xích lô chở hàng buổi sớm, tiếng nói chuyện của mấy ôn mấy mệ đi thể dục.

Tuổi trẻ có nhiều đặc quyền, một trong số đó là biết biến hóa rất nhiều cái khó ưa của người lớn thành những điều thi vị lãng mạn. Vậy nên, từng nhịp cầu rung lên rung xuống được mình tưởng tượng thành từng điệu nhạc ngân nga. Mỗi đêm nằm ngủ, nghe tiếng xe chạy trên cây cầu gỗ, mình lại thích thú tưởng tượng từng điệu nhạc khác nhau, rồi chìm vào trong muôn vàn giấc mơ kì lạ. Không phải là tiếng ồn ào người lớn hay nói về cây cầu, làm cho người già đêm hôm trở mình khó ngủ, mà tiếng nhạc – lúc rộn ràng lúc du dương, đưa mình vô thế giới của riêng một con nhóc mới lớn.

Thời gian cứ trôi, cuộc sống cứ đổi thay, con người ta cứ lớn. Lần đầu tiên xa nhà – đêm nằm một mình trên đất Mỹ, tự nhiên thèm nghe tiếng nhạc có một không hai của riêng mình. Mới chợt nhận ra, giá trị tuyệt vời của cuộc sống nằm ở những điều rất giản dị thân quen đã theo mình bao ngày. Vì lớn lên, vì có những giấc mơ mới, vì có những thứ hào nhoáng và choáng ngợp, mà đôi khi để tuột mất những bình yên kì diệu của cuộc đời.

Chiều nay, trở về nhà sau bao ngày xa xứ, cây cầu gỗ xưa đã được thay bằng cây cầu bê tông hiện đại, chắc chắn. Giữa dòng xe cộ tấp nập, đột nhiên chỉ muốn mình được dừng thời gian lại trong tích tắc ngắn ngủi, để đứng yên nơi đây, nghe tiếng nhạc phát ra từ cây cầu gỗ, và sống với những yên bình của ký ức ngày xưa…

NHÃ KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top