ClockThứ Bảy, 25/02/2017 10:46

Nhớ bác sĩ Thân Trọng Phước

TTH - “Đốc” Phước là anh con bác ruột tôi. Bác tôi làm Tri phủ phủ Hòa Đa, tỉnh Bình Thuận. Vợ anh Phước là cô giáo Hoàng Thị Vệ, người Hà Tĩnh, học Đồng Khánh Huế, ra trường được giữ lại làm giáo viên tiểu học vào năm 1925. Hai người trở thành vợ chồng tại Vinh năm 1927 và sinh con gái đầu lòng cuối năm ấy, đặt tên là Thúy Hồng.

Bác sĩ Thân Trọng Phước và vợ

BS. Phước sinh năm 1902, học Trường Quốc Học, đỗ thành chung, rồi ra Hà Nội học Trường Albert Sarraut. Sau đó, thi đỗ vào Trường Y khoa do Pháp mở từ 1919. Học xong nghề thầy thuốc, ông được cử vào làm việc tại Bệnh viện TP.Vinh năm 1925. Tại đây, ông gặp một số nhân sĩ trí thức của đảng Tân Việt, như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Tạ Quang Bửu. Thấy ông trẻ, trí thức, con nhà danh gia vọng tộc, họ mời ông dự một số buổi sinh hoạt học thuật ban đầu, rồi sau đó đi vào lĩnh vực xã hội - chính trị. Ông là công chức nên bọn mật thám chú ý, theo dõi.

Còn cô giáo Hoàng Thị Vệ, do những hoạt động chính trị tại Trường Đồng Khánh cùng với cô giáo Trần Thị Như Mân (sau này là phu nhân nhà bác học Đào Duy Anh) nên bị kỷ luật, đổi ra dạy học ở Vinh. Cô cũng tham gia các buổi sinh hoạt của các vị trong đảng Tân Việt. Hai người đều gia nhập Đảng, yêu nhau và trở thành vợ chồng.

Năm 1929, sau khi “bể ổ” ở Vinh, ông Phước bị Tây đày lên Buôn Ma Thuột, nơi có nhiều muỗi sốt rét rừng. Ông Phước xin thôi việc. Phải nhờ uy tín và quyền lực của các chú ruột làm quan to can thiệp ông mới được trở về Huế, nơi chôn rau cắt rốn vào năm 1930. Vợ ông cũng được trở lại dạy học ở Trường Đồng Khánh. Lần này, bà lên dạy cấp trung học 4 năm. Năm 1931, một cậu con trai khôi ngô ra đời, đặt tên là Huế.

Ông vay tiền bà con, lúc đầu thuê, sau mua ngôi nhà lầu số 161 ở Ngã Giữa (Phan Đăng Lưu ngày nay) để mở phòng khám bệnh tư. Về sau, ông mở thêm nhà hộ sinh ở đối diện phòng khám, giao cho một bà nữ hộ sinh có bằng cấp (cô Lành) phụ  trách. Do khám và chữa bệnh “mát tay’, đỡ đẻ “mẹ tròn con vuông”, ông được tín nhiệm và tin tưởng, tiếng thơm lan rộng. Bệnh nhân thượng lưu hay nghèo khó, ông đều hết lòng. Có người ở nhà quê lên, không đủ tiền trả tiền thuốc hoặc tiền để đi về, ông vui lòng giúp đỡ.

Do bệnh nhân ngày càng đông, ông bà và gia đình phải lên Nguyệt Biều, xóm Vạn, xây một ngôi nhà nhỏ nằm giữa một vườn thanh trà bên bờ phải sông Hương, nhìn sang bên kia là đền Văn Thánh. Ông sắm một chiếc xe hơi hiệu “Whippet” tự lái để lên về.  Có khi theo yêu cầu thiết tha của người nhà, ông lái xe về nhà bệnh nhân ở xa để khám và cho thuốc. Các vị trong Hoàng gia coi ông như là ngự y. Cụ Phạm Quỳnh xem ông là thầy thuốc gia đình.

Năm 1943, khi nước Pháp bị Đức quốc xã đánh bại, Đông Dương biến thành “Liên bang Đông Dương”, Pháp thành lập một “Hội đồng Liên  bang” chung cho cả Đông Dương. Hội đồng ở Trung kỳ gồm có 14 vị. Ngoài BS Thân Trọng Phước, còn có GS. Nguyễn Huy Bảo (Trường Khải Định), Tôn Thất Viễn Đệ (Viện bào chế dầu Khuynh Diệp), Bùi Huy Tín (Nhà in Đắc Lập), doanh nhân Hồ Diễn... đại biểu Pháp quen thuộc là cha Lefas, linh mục GS Trường Providence (Thiên Hựu).

Năm 1945, Nhật đảo chính, ông Phước bị trưng dụng, phụ trách Bệnh viện Trung tâm Huế. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông ở lại làm việc tiếp, phụ trách Khoa Phẫu thuật. Ông còn làm nhiệm vụ chở cán bộ cách mạng lên về chiến khu, thường lái xe vào chạng vạng tối đi hướng Nguyệt Biều. Ông sống có lý tưởng, hoài bão chính trị của một công dân, kèm theo lương tâm nghề nghiệp, y đức của một thầy thuốc nên không quản ngại khó khăn, gian khổ khi bệnh viện thiếu thốn trăm bề.

Sau năm 1954, ông bà được khuyến khích ở lại trong vùng tạm chiếm, tiếp tục quản lý phòng khám và nhà hộ sinh. Ông gây lại uy tín trong giao lưu với trí thức mới, từ chối tham gia mọi công việc, chỉ tập trung giúp đỡ bà con chữa bệnh, đỡ đẻ và liên lạc kín đáo với cán bộ kháng chiến, như các ông Nguyễn Đình Bảy, Hoàng Lanh, Vũ Xuân Chiêm… chữa bệnh cho bộ đội, tiếp tế lương thực, vũ khí nhỏ, cung cấp thông tin về địch và có lúc khẩn cấp, ông che giấu họ trong phòng khám, có khi ở phòng  riêng.

Năm 1960, do làm việc quá sức, đảm nhiệm nhiều công tác riêng tư và cách mạng, ông lâm bệnh. Thế nhưng, ông còn quan tâm tới việc vận động quỹ xây hai nhà trẻ, một ở Kim Long, một ở Bãi Dâu để giúp dân nghèo có nơi gửi con miễn phí trước khi đi làm. Do ở Huế thiếu thuốc men và phương tiện, gia đình đưa ông vào Nhà thương GRALL ở Sài Gòn đầu tháng 6. Có BS Mazaut tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh quá nặng, ông trở lại Huế ngày 16/6. Về tới Nguyệt Biều, lúc 19h30, ông “đi”. Đám tang ông rất đông người đưa tiễn.

Sau lễ 50 ngày, vợ ông vào Sài Gòn, phòng khám với cái bảng bằng cẩm thạch có ghi tên ông tạm thời đóng cửa, nhưng nhà hộ sinh vẫn hoạt động. Ngôi nhà và vườn ở Nguyệt Biều, TP. Huế bàn giao lại cho các cháu của ông bà nay đã khuất núi. Một con đường ở gần nhà cũ của ông mang tên “Thân Trọng Phước”. Tên ông bà được ghi nhiều trong “Lịch sử Đảng”, phần liên quan đến Huế .

Mỗi lần có việc đi ngang qua ngôi nhà 161 đường Phan Đăng Lưu, vẫn còn thấy cái biển tên anh, lòng tôi bồi hồi nhớ thương hai nhà cách mạng trí thức, trung thành, người Thầy thuốc nhân dân giàu y đức.

NGƯT THÂN TRỌNG NINH

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế

“Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân là đầu tư cho phát triển...”. Thực hiện quan điểm ấy của Đảng, những năm qua, ngành y tế Thừa Thiên Huế luôn quan tâm đến yếu tố con người, chú trọng việc phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế nói chung, nguồn nhân lực bác sĩ nói riêng, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Thu hút nguồn nhân lực bác sĩ ở Thừa Thiên Huế
Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

Sau kỳ nghỉ tết dài ngày, lượng người dân đến khám chữa bệnh ngày đầu năm tăng hơn thường lệ. Các bệnh viện đã chủ động xây dựng kế hoạch, bổ sung nhân lực hỗ trợ nhằm tránh tình trạng chờ đợi; thậm chí có nơi khám xuyên trưa cho bệnh nhân ngoại tỉnh…

Tăng kíp, phân luồng phục vụ khám bệnh sau tết

TIN MỚI

Return to top