ClockThứ Sáu, 26/07/2013 05:42

Nhớ đêm trở lại tìm xác đồng đội!

TTH - Hơn bốn thập kỷ đã trôi qua nhưng mỗi khi trở lại khu vực núi Thiên Thai ở phía Tây Nam thành phố Huế lòng người lính trẻ năm xưa vẫn không nguôi xúc động.Nhận lệnh của đơn vị, đêm ấy chàng lính trẻ vừa tròn 20 tuổi có tên là Nguyễn Việt Hùng từ chân núi động Hoàng cùng đồng đội đã trở lại vùng Tứ Tây thuộc địa bàn xã Thủy An với nhiệm vụ tìm lại xác và chôn cất đồng đội, đó là đồng chí Đỗ Đình Chữ - người đã gục chết trên vai anh sau một trận chiến.

Đỗ Đình Chữ, quê ở Phú Thọ, trước khi hy sinh là Đội trưởng Đội Biệt động của Thành đội Huế.

Nguyễn Việt Hùng (giữa) cùng con trai của Chính trị viên Hoàng Sơn (phải) và đồng đội cũ Nguyễn Thanh Hiếu (trái)

Tháng 4/1971, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trung Chính, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban An ninh thành phố Huế, các đơn vị đóng quân trên địa bàn Khu I Hương Thủy gồm: Đội Biệt động thành phố, Đội Biệt động huyện Hương Thủy, Đội Trinh sát vũ trang, tổ công tác chính trị của Hương Thủy và đội công tác của địa phương... dưới sự chỉ huy của Huyện đội trưởng Hương Thủy Đặng Trường Sơn (Hoàng Thức Báo, Đội trưởng Trinh sát vũ trang; Đỗ Đình Chữ, Đội trưởng Biệt động làm chỉ huy phó) xuất quân về thôn Tứ Tây, xã Thủy An (ta gọi là xã An Thủy) với nhiệm vụ tìm địch mà đánh.

Riêng đối với Nguyễn Việt Hùng và số anh em trong đội H1 thuộc Tiểu đoàn trinh sát vũ trang Huế xuất kích lần này còn là dịp để báo thù cho Đội trưởng Vũ Hùng Sơn (thường gọi là Sơn Ruby) và Chính trị viên Hoàng Sơn (thường gọi là Sơn Bắc) đã bị địch quật hầm đem phơi xác ở thôn Tứ Tây, xã Thủy An (nay thuộc phường An Tây-Huế), cách khu vực chùa Trà Am chừng nửa cây số.
 
Đêm ấy, từ chân núi động Hoàng, dưới sự chỉ huy của Huyện đội trưởng Đặng Trường Sơn các đơn vị lần lượt xuất kích. Điểm đến là khu vực chùa Trà Am hiện nay.
 
Sau khi tiếp cận mục tiêu phát hiện không có địch, Chỉ huy trưởng Đặng Trường Sơn cho triển khai phương án 2 là tiến hành làm công tác dân vận.
 
Khi Đội phó trinh sát vũ trang Nguyễn Đình Xướng vào một gia đình định mời dân dự họp thì bất ngờ gặp địch. Hai bên giao tranh. Chừng nửa tiếng sau, Nguyễn Việt Hùng phát hiện phía ta có người bị thương và anh cùng một chiến sĩ khác thay nhau dìu thương binh ấy ra ngoài. Người bị thương lúc ấy là Đỗ Đình Chữ.
 
Trên đường rút quân, họ thay nhau cõng. Áo Nguyễn Việt Hùng dính đầy máu. Đến khi hơi thở người bị thương yếu dần, Nguyễn Việt Hùng hỏi nhưng anh lại không nghe tiếng trả lời, sau đó tiếng rên cũng tắt lịm, người mềm nhũn. Người Đội trưởng biệt động Huế mà Nguyễn Việt Hùng mới quen biết khi cùng công tác ở địa bàn khu I Hương Thủy đã trút hơi thở cuối cùng trên đôi vai anh.Đường còn xa, biết Đội trưởng Đỗ Đình Chữ đã hy sinh nên Nguyễn Việt Hùng cùng với Lê Vệ, Tiểu đội trưởng trinh sát vũ trang và các chiến sĩ của Đội an ninh, Biệt động thay nhau cõng. Khi họ đến chân động núi Thiên Thai trời đã gần sáng. Đói và thấm mệt. Biết chắc chắn không thể đưa thi thể người Đội trưởng về kịp nơi trú ẩn, Tiểu đội trưởng Lê Vệ hội ý, cuối cùng họ đi đến quyết định phải tìm nơi thu giấu liệt sỹ trước khi trời sáng. Cả toán tìm thấy bên lạch nước có bãi tràm vọt khá rậm với thảm thực bì khá dày nên họ mặc thêm chiếc quần dài, quấn thêm tấm dù hoa và khiêng thi thể người Đội trưởng giấu vào đó. Sau khi làm lễ mặc niệm, cả toán lặng lẽ rút quân về căn cứ ở động Hoàng báo cáo lại tình hình.
 
Đêm hôm sau, nhóm cán bộ, chiến sĩ đêm trước được đồng chí Nguyễn Trung Chính cử quay trở lại tìm xác đồng đội, nếu còn thì tổ chức chôn cất tử tế.
 
Con đường từ chân núi động Hoàng đến núi Tam Thai dài chừng hơn 4 cây số đường chim bay nhưng họ cảm thấy dài cả mấy chục cây số. Bởi muốn đi nhanh cũng không được do vừa đi vừa trinh sát nhằm tránh lọt vào các ổ phục kích. Do quá căng thẳng nên cứ cách quãng, cả nhóm lại cử người thay nhau đi trước dò đường.
 
Dù không nói ra nhưng trong tâm tưởng của người lính trẻ Nguyễn Việt Hùng luôn dằn vặt bởi câu hỏi: liệu thi thể của Đội trưởng có còn nằm nguyên ở đó hay đã bị lộ, địch huy động lực lượng phục kích để đưa đối phương vào “rọ” hoặc cài mìn, lựu đạn trên người, dưới lưng, xung quanh liệt sỹ như chúng vẫn thường giăng bẫy đối với ta?.
 
Nguyễn Việt Hùng kể:
 
- Một giờ, hai giờ rồi ba giờ trôi qua. Đêm ấy trời không trăng sao, không gian yên lắng lạ thường và tối đen như mực. Thỉnh thoảng từ núi Tam Thai vọng về vài loạt đạn bắn vu vơ và chúng tôi tranh thủ di chuyển khi có ánh hỏa châu lập lòe soi đường trong đêm tối. Cách chỗ thu giấu liệt sĩ khoảng 300 mét, chúng tôi đi theo đội hình chữ V. Mở rộng khu vực quan sát thêm nửa cây số, phát hiện không có dấu hiệu khả nghi chúng tôi quay trở lại khu vực bãi tràm vọt. Theo phân công, các đ/c Nguyễn Thanh Hiếu, Lê Vệ, Võ Lô yểm trợ còn tôi tiếp cận thi hài đồng chí Đỗ Đình Chữ.
 
Một mình trong đêm tối, để đảm bảo an toàn, tôi nhẹ nhàng thực hiện từng động tác mò mẫm, từ ngoài vào trong rồi từ đầu xuống chân và cả dưới lưng liệt sĩ. Khi biết chắc chắn không có mìn, lựu đạn của địch cài bẫy, tôi mới báo cho đồng đội. Chúng tôi phân nhau, người cảnh giới kẻ đào huyệt.
 
Đất ở vùng núi Tam Thai chai lì bởi đang là mùa khô và đầy sỏi đá, trong khi chúng tôi chỉ có dao găm và một chiếc xẻng nhỏ. Vả lại, do ở gần đồn và tránh bị địch phát hiện nên không dám đào mạnh; do vậy một huyệt mộ cỏn con mà chúng tôi phải đào hơn hai tiếng đồng hồ mới xong.Sau khi tổ chức mai táng người Đội trưởng tử tế, chúng tôi không quên ngụy trang để phù hợp với cảnh vật xung quanh.
 
Ra về, lòng tôi nhẹ nhõm vì tự cho mình đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, một nhiệm vụ vô cùng lớn lao, trọng đại, một nghĩa cử thiêng liêng, cao đẹp đối với đồng chí, đồng đội của mình. Một nhiệm vụ khó mà có được trong đời lần thứ hai. Sau này mỗi khi nhớ lại cái đêm hôm ấy tôi vẫn cảm thấy rùng mình, ớn lạnh.
 
Nhờ tấm lòng và trách nhiệm với đồng chí đồng đội ngay trong những ngày dữ dội của chiến tranh nên đến khi đất nước thống nhất hài cốt của liệt sĩ Đỗ Đình Chữ đã được gia đình đưa về cải táng ở quê nhà, không lâm vào cảnh phiêu dạt như nhiều liệt sĩ khác.
Hữu Thu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top