ClockThứ Năm, 11/10/2018 06:00

Nhớ lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười

Vị Tổng Bí thư kiên định, sáng tạo trong sự nghiệp đổi mớiNguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: Nhà lãnh đạo luôn hết lòng vì dân

Trong khoảng thời gian 1988 - 1991, khi nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), với cương vị là một cán bộ chủ chốt của thành phố Huế tôi được mời tham dự Hội nghị toàn quốc về  ngành xây dựng nói chung và về công tác xây dựng, quản lý đô thị tổ chức tại hội trường của Bộ Xây dựng. Sau khi nghe đồng chí Bộ trưởng trình bày báo cáo chung và ý kiến phát biểu, tham luận của một số bộ, ngành, địa phương, hội nghị đã vinh dự được đón tiếp đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và nghe đồng chí phát biểu chỉ đạo.

Tổng Bí thư Đỗ Mười với các đại biểu dự Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 6/1991). Ảnh: TTXVN

Đây là lần đầu tiên tôi được gặp gỡ trực tiếp với một trong những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, người mà từ lâu tôi hết sức ngưỡng mộ. Sau này, tôi cũng được vài lần tham dự các cuộc họp do lãnh đạo tỉnh triệu tập đến dự đón tiếp đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư của Đảng về thăm tỉnh nhà.

Ấn tượng sâu đậm nhất của tôi trong lần đầu tiên gặp gỡ đồng chí Đỗ Mười là sự thân tình, tâm huyết và sức lôi cuốn với những phân tích sâu sắc, toàn diện trong bài phát biểu dài hơn hai tiếng, vượt quá 12 giờ trưa vẫn được mọi người chăm chú lắng nghe. Chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về những vấn đề có tính chiến lược nhưng hết sức thiết thực, cấp bách của ngành xây dựng, của công tác xây dựng và quản lý đô thị.

Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là đối với các đô thị, đảm bảo phát triển nhanh nhưng bền vững. Đối với công tác quy hoạch chung cần nghiên cứu kỹ lưỡng tiềm năng thế mạnh và cả những mặt yếu kém để xác định chiến lược phát triển dài hạn đúng đắn, khả thi, từng bước tạo ra những bước nhảy có tính bứt phá.

Một khi đã vận dụng đúng đắn đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng; khi đã huy động được trí tuệ của cán bộ và Nhân dân để xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; thì công việc hết sức quan trọng là phải đưa những ý đồ qui hoạch đi vào đời sống thực tiễn với các chính sách, giải pháp và bước đi thích hợp thông qua các kế hoạch trung hạn, ngắn hạn và bằng các công cụ quản lý gồm quy hoạch chi tiết về phát triển ngành, vùng lãnh thổ; về quản lý đầu tư - xây dựng; về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa...

Lần đầu tiên, tôi được nghe người đứng đầu Chính phủ nhắc đi nhắc lại nhiều lần về việc phải quản lý chặt chẽ về kiến trúc; giữ gìn “ngôn ngữ kiến trúc” truyền thống và chủ động tạo ra những giá trị văn hóa mới thông qua các kế hoạch phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.

Sau này khi còn công tác ở thành phố cũng như khi được điều động lên tỉnh, tôi đã thường xuyên làm việc với Viện Chiến lược phát triển của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, với Hội Kiến trúc sư và nhiều hội chuyên ngành khác nhau của ngành xây dựng và quản lý đô thị.

Lời căn dặn của đồng chí Đỗ Mười đã giúp chúng tôi có phương pháp luận để tìm hiểu sâu hơn các giá trị văn hóa lịch sử của quần thể di tích Cố đô, của phố cố Bao Vinh và Gia Hội, về công tác qui hoạch xây dựng và đặc điểm kiến trúc kinh thành; quy hoạch cảnh quan hai bờ sông Hương; quy hoạch và đặc trưng ngôn ngữ kiến trúc khu phố Tây ở phía Nam thành phố.

Các công trình kiến trúc kinh thành Huế, cũng như các nha sở lân cận từ triều Nguyễn đến các giai đoạn tiếp theo đã chắt lọc ngôn ngữ kiến trúc chủ đạo là sự tổng hợp hài hòa của ba yếu tố: vật kiến trúc - cây xanh - mặt nước.

Khu vực chuyển tiếp dọc hai bờ sông Hương đã được chăm chút cẩn thận về quy hoạch cảnh quan và xây dựng để giữ không gian xanh và vẻ đẹp tự nhiên mềm mại của dòng sông thơ mộng. Không phải ngẫu nhiên mà giới chuyên môn người Pháp cũng như người Việt chỉ dám thí điểm kè sông Hương một đoạn từ Câu lạc bộ thể thao đến chân cầu Trường Tiền thì phải dừng lại vì phản ứng của dư luận.

Và ở vùng phố Tây ở phía nam sông Hương, các công trình kiến trúc chủ yếu kể cả nhà dân và công sở đều được kiểm soát chặt chẽ về chiều cao, kiểu dáng kiến trúc và mật độ xây dựng; phổ biến không quá 4 tầng; mái ngói, có sân vườn bao quanh , trong đó có tỉ lệ lớn nhà dân theo dạng biệt thự. Các công trình đều khai thác tối đa cảnh quan và mặt nước của các sông Như Ý, An Cựu, Phát Lát ... Đồng chí Đỗ Mười đã bày tỏ sự ủng hộ tích cực, nhất quán  với tư cách cá nhân và tạo được sự đồng thuận trong Bộ Chính trị khóa  VIII về phương án chuyển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Là một nhà lý luận uyên thâm và một nhà hoạt động thực tiễn tài ba; sự ủng hộ của đồng chí Tổng Bí thư và của Bộ Chính trị thể hiện một tầm nhìn chiến lược; một quyết sách sáng suốt nhằm tạo thế, tạo lực cho Thừa Thiên Huế phát triển bền vững; vừa xây dựng kinh tế- xã hội theo đà phát triển, hội nhập chung; vừa làm tròn nhiệm vụ mà quốc gia giao phó về giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa - lịch sử của đất nước và của cả nhân loại.

Rất tiếc là nguyện vọng tạo bước chuyển có tính lịch sử về mô hình về tổ chức và quản lý hành chính này đã chưa đạt như  mong muốn; nhưng cũng giúp chúng ta rút ra một số bài học về công tác chuẩn bị về tranh thủ sự đồng thuận của cả nước trong áp dụng chính sách đặc thù với vùng đất Cố đô, nơi hội đủ các điều kiện để được xem như là một “đặc khu văn hóa” với 5 di sản vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận, là nơi tập trung nhiều công trình văn hóa tiêu biểu của Phật giáo, Thiên chúa giáo, đạo Mẫu; của nhiều dân tộc anh em. Đồng thời cũng là nơi có các hệ sinh thái tiêu biểu Bạch Mã, Lăng Cô, phá Tam Giang - Cầu Hai.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương qua các thời kỳ và của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phấn đấu thu được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội; về công tác xây dựng và quản lý đô thị; về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa lịch sử, nổi bật nhất là đưa di sản kiến trúc triều Nguyễn vượt qua giai đoạn hiểm nguy để phát triển ngày càng ổn định đi đôi với việc giữ gìn và khai thác tốt các di sản văn hóa khác. Bên cạnh đó, đã ban hành một số văn bản pháp qui về quản lý xây dựng và kiến trúc 4 phường nội thành với sự thỏa thuận của Bộ Văn hóa- Thông tin và Bộ Xây dựng; qui hoạch chi tiết 4 phường vùng lõi của khu vực nam Sông Hương; quy hoạch chung và từng bước triển khai xây dựng khu đô thị mới ở phía đông nam thành phố Huế…

Tuy vậy, trong quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị ở Thừa Thiên Huế cũng đã và đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập do chưa bố trí đủ nguồn vốn cần thiết cho công tác khảo sát địa hình; nghiên cứu thủy văn, địa chất công trình... phục vụ cho việc lập qui hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết từng khu vực dân cư và vùng lãnh thổ; thiếu kinh phí để lập quy hoạch chi tiết về xây dựng, về kiến trúc và cảnh quan của từng khu phố, từng trục đường theo định hướng ngôn ngữ kiến trúc phù hợp nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống và sáng tạo ra giá trị mới.

Tình trạng gia tăng mật độ xây dựng, tầng cao và thiếu kiểm soát ngôn ngữ kiến trúc đặt ra nhiều vấn nạn về quản lý xây dựng và kiến trúc đô thị trong phạm vi khu phố Tây, ở trung tâm thành phố gắn liền với sự biến mất, biến dạng của một tỉ lệ không nhỏ của 240 di tích kiểu Pháp đã được kiểm kê sơ bộ vào năm 2009. Trong lúc đó, định hướng ngôn ngữ kiến trúc của khu đô thị mới ở phía đông nam thành phố vẫn chưa được định hình  rõ ràng, cụ thể.

Vì vậy, theo chúng tôi, cần tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch thành phố Huế; tiến hành thiết kế đô thị  trên diện rộng, trước hết ở 4 phường vùng lõi phía Nam sông Hương để quản lý và đưa quy hoạch vào cuộc sống đô thị. Bên cạnh đó, nếu không khắc phục tốt một số lỏng lẻo trong quản lý đầu tư các công trình, dự án mới, rất có thể “một trận oanh tạc bằng bê tông” sẽ phát vỡ ngôn ngữ kiến trúc, cảnh quan mà Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh và thành phố Huế đã dày công gìn giữ.

Các chính sách về hóa giá nhà, chuyển nhượng nhà đất công... cần được rà soát lại đối với từng công trình, từng dự án để phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã đươc ban hành; góp phần tạo ra sự hài hòa và tôn vinh giá trị của một Cố đô; một thành phố festival quốc gia và quốc tế, thành phố văn hóa ASEAN.

Hơn lúc nào hết, yêu cầu đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh nhà và của thành phố Huế đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nghiên cứu và thực hiện tốt những lời căn dặn tâm huyết của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười về quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế xã hội; về xây  dựng và quản lý đô thị với tầm nhìn dài hạn và với các chính sách, giải pháp quản lý quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả.

Nguyễn Văn Mễ

(Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhớ lời căn dặn của Người

Quan điểm huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng và bộ máy chính quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên từ những giai đoạn cách mạng trước. Nhớ lại lời căn dặn của Người “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”, chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn hữu ích cho công việc hôm nay.

Nhớ lời căn dặn của Người
Những căn dặn của Người về giáo dục – đào tạo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Suốt đời dành tâm trí cho sự nghiệp giáo dục, trước lúc đi xa, Người còn ân cần dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết’’.

Những căn dặn của Người về giáo dục – đào tạo

TIN MỚI

Return to top