ClockThứ Hai, 01/04/2019 07:00

Nhớ Trịnh

TTH - Sau 18 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về với cát bụi, người Huế vẫn vẹn nguyên một tình yêu sâu lắng, da diết với âm nhạc của ông.

Vẽ tranh nhớ Trịnh

“Nhớ Trịnh Công Sơn” là chương trình âm nhạc tưởng niệm do Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Huế tổ chức vào chiều 31/3 tại Nhà Kèn, Công viên 3/2. Hòa quyện cùng thiên nhiên sông nước hữu tình bên dòng Hương thơ mộng, những tình khúc quen thuộc, bất hủ của Trịnh lại vang lên qua giọng ca Phan Thu, Hữu Quang, Kim Nhung, Bảo Thành… Mấy tuần nay, các ca sĩ, nhạc công tích cực tập luyện để cống hiến cho người hâm mộ một chương trình nhạc Trịnh đặc sắc.

Một chương trình nhạc Trịnh do gia đình nhạc sĩ tổ chức ở Huế

Nhạc sĩ Trầm Tích, Ủy viên BCH Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế cho hay, để mang đến hơi thở mới cho chương trình, các ca khúc sẽ không hát riêng lẻ mà kết nối thành liên ca khúc, nhạc cụ cũng được chơi theo phong cách acoustic gần gũi với nhạc Trịnh. Anh chia sẻ: “Nhạc Trịnh luôn có sức hút với công chúng, vì thế, Hội Âm nhạc muốn mang đến cho mọi người không gian âm nhạc đậm chất hoài niệm, như một cuộc hò hẹn để tâm tình, nhớ nhung về một con người luôn tràn đầy khát vọng về hòa bình, để nghe những ca khúc da diết về thân phận, tình yêu…”.

Huế có quá nhiều người yêu nhạc Trịnh như một tình yêu chung thủy. Năm nào cũng vậy, đến 1/4, ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đâu đó ở Huế cũng có nhiều không gian tưởng niệm, trong những khu vườn khuya hay trên những hè phố tĩnh lặng. Họ hát nhạc Trịnh bằng một tình yêu bình dị. Không chỉ để tưởng nhớ, gửi gắm lòng yêu mến đến nhạc sĩ, mà còn để lắng lòng, đồng cảm, được sẻ chia qua những lời ca thấm đầy ý nghĩa nhân sinh. Với nhạc Trịnh, bất cứ không gian nào, thời gian nào, cảm xúc nào, đối tượng nào cũng đều tìm được bản nhạc phù hợp.

Với đêm nhạc “Như cánh vạc bay” tại Phòng trà Hoàn Kiếm (70 Phạm Văn Đồng, TP. Huế) vào tối 1/4, hẳn nhiều người yêu mến Trịnh sẽ đến, lặng lẽ thắp nến tưởng niệm và nghe lại những ca khúc về thân phận, tình yêu... Cũng vì tình yêu với nhạc Trịnh, từ khi thành lập phòng trà đến nay, Phùng Mỹ Hạnh, cô chủ phòng trà Hoàn Kiếm, luôn tạo ra những không gian âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa. Cô gái Huế chia sẻ: “Tôi yêu nhạc Trịnh từ khi còn nhỏ, chỉ bởi đơn giản mình là người Huế. Nhạc Trịnh cũng giúp tôi xoa dịu, vượt qua những nỗi đau trong cuộc đời. Nhạc Trịnh là đam mê nên dù tổ chức nhiều đêm nhạc rồi, tôi và nhiều khán giả cũng chưa bao giờ thấy đủ”.

Không chỉ hát, người Huế còn tưởng niệm người nhạc sĩ tài hoa của quê hương bằng hội họa. Từ ý tưởng đưa nhạc Trịnh lên tranh vẽ, các tác giả đến từ Hà Nội, Huế và Cần Thơ: Lê Anh Hoài, Nguyễn Quốc Khánh, Lê Huỳnh Lâm… cùng triển lãm tranh tại Gác Trịnh vào chiều 31/3. Sử dụng màu sắc để đưa âm nhạc của Trịnh lên tranh, các tác phẩm đều được lấy cảm hứng từ các bài hát và ý nhạc của Trịnh Công Sơn. Mỗi bản nhạc của Trịnh là một bức tranh phong cảnh, vẻ đẹp của người thiếu nữ hay hàm chứa những triết lý sâu xa, bàng bạc chất thiền... Vì thế, 20 tác phẩm trong phòng tranh “Để gió cuốn đi” đều được đặt tên theo ca từ trong âm nhạc của Trịnh, như: Từ khi em là nguyệt, Một đời về không, Sỏi đá cũng cần có nhau, Vết chim di, Môi nào hãy còn thơm…

Ca sĩ Cẩm Vân hát nhạc Trịnh

Đây không phải là lần đầu tiên các họa sĩ vẽ nhạc Trịnh. Còn nhớ, dịp kỷ niệm 14 năm ngày mất thiên tài họ Trịnh, họa sĩ Đặng Mậu Triết từng vẽ hàng chục bức tranh trên nền nhạc Trịnh Công Sơn và tổ chức phòng triển lãm “Dấu chân ngựa về”. Kỷ niệm 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, anh em họa sĩ Huế đã rủ nhau vẽ Trịnh, rồi cùng nhau triển lãm “Niệm” để nhớ người nhạc sĩ tài danh. Đó là cái tình của các họa sĩ dành cho nhạc sĩ họ Trịnh.

Đáp lại tình yêu ấy, nhiều năm liền, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cố gắng tổ chức chuỗi chương trình âm nhạc cộng đồng để mang âm nhạc của Trịnh đến với mọi người. Miễn phí nhưng chương trình luôn chất lượng với những giọng ca hát nhạc Trịnh hàng đầu Việt Nam. Đây là nỗ lực lớn của gia đình để thực hiện ước nguyện của nhạc sĩ: đưa âm nhạc đến với người nghèo - những người không có điều kiện mua vé nghe nhạc.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chia sẻ, thật khó khăn để huy động tài trợ khi chúng tôi không muốn thương mại hóa chương trình, không có bất kỳ dòng chữ quảng cáo nào trên sân khấu. Những khó khăn đôi khi khiến chúng tôi nản chí, nhưng tình cảm nồng nhiệt của khán giả, hình ảnh người Huế đội mưa nghe nhạc lại tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để đưa chương trình về Huế. Năm nay, chương trình âm nhạc tưởng niệm 18 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không được tổ chức ở Huế, bởi gia đình muốn dành thời gian để thực hiện dự án dài hơi hơn, trong đó có phim về Trịnh Công Sơn với những tập phim tái hiện hình ảnh Trịnh Công Sơn ở Huế. Hiện, những bước khảo sát, nghiên cứu cảnh quay ở Huế đang được đoàn làm phim tiến hành, để kịp công chiếu vào đúng dịp kỷ niệm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào năm 2021.

Bài ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”

Chiều 17/3, tại Công viên 3/2, Hội Âm nhạc Thừa Thiên Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức đêm nhạc không thu phí “Nhớ Trịnh Công Sơn”.

Đêm nhạc “Nhớ Trịnh Công Sơn”
Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn

Thế là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thỏa nỗi ước mong trở về với Huế quê hương, khởi đầu là bức tượng được dựng trong công viên ở ngã ba sông Hương và sông hộ thành Đông Ba...

Sân khấu nổi trước công viên Trịnh Công Sơn
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
Return to top