ClockThứ Bảy, 23/03/2019 07:00

Nhọc nhằn sinh viên làm thêm

TTH - Sinh viên làm thêm để cải thiện kỹ năng, có thêm chi phí trang trải cuộc sống, song không phải ai cũng kiếm được công việc đúng như mong muốn. Không ít trường hợp phải thốt lên: “Khổ như sinh viên đi làm thêm”.

Làm thêm, bớt… họcCho con làm thêm dịp hèSinh viên & chuyện làm thêmLàm thêm để trau dồi ngoại ngữ

 Lựa chọn công việc và địa điểm làm thêm phù hợp, các mục tiêu đặt ra của sinh viên mới dễ thực hiện (Ảnh minh họa)

Lương ít ỏi

Gia đình không mấy khá giả nên từ khi rời quê đến Huế học đại học (ĐH), N.T.H, sinh viên một trường ĐH thuộc ĐH Huế xác định phải làm thêm để trang trải cuộc sống sinh viên. H. kể: “Một ngày em làm 5 tiếng từ 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm, nhưng mỗi tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng. Lỡ không may làm đổ bể đồ, chủ quán la mắng rồi bắt đền và trừ vào lương”.

N.T.H không phải là trường hợp cá biệt. Khảo sát nhiều sinh viên làm thêm tại Huế, đa phần công việc được chọn là phục vụ các quán cà phê, quán nhậu, nhà hàng. Mỗi giờ làm được trả từ 8.000 - 12.000 đồng, bất kể vào ban đêm hoặc ngày lễ. Do thời gian học khá nhiều, phần đông chọn làm ca, mỗi ca từ 4 -5 giờ đồng hồ, mức lương cao nhất chỉ khoảng 1,5 triệu nếu làm đủ nguyên tháng và không phạm “nội quy” nơi làm thêm.

Theo nhiều sinh viên, thực tế ngoài lỗi làm bể đồ, các quán nhận sinh viên làm thêm có khá nhiều quy định trừ tiền như đi trễ, phục vụ chưa tốt cùng vô vàn lý do oái ăm khác, vì thế lương thực nhận của nhiều trường hợp có khi chưa tới 1 triệu đồng/tháng. “Chỗ em làm quy định, nếu thành viên trong nhóm phục vụ làm bể đồ, thì mỗi thành viên trong nhóm bị trừ chung một ít số tiền. Hầu như tháng nào trong nhóm cũng có người để bể đồ và bị trừ tiền”.

Anh Thư, sinh viên ĐH Huế làm thêm việc phục vụ quán cà phê tâm sự: “Những ngày lễ, giờ cao điểm khách rất đông và làm vất vả, nhưng thay vì nhận được thêm lương thưởng thì đôi khi còn bị chủ cằn nhằn do phục vụ không kịp. So với giai đoạn trước, lương 1 triệu đồng/tháng chỉ đủ trả tiền trọ, còn các khoản ăn uống, xăng xe phải xin thêm gia đình”.

Khó bảo vệ quyền lợi

Lương thấp hay tình trạng sinh viên bị chủ lợi dụng bắt làm thêm giờ, nhất là giai đoạn cuối ngày và không trả lương tương đối phổ biến. Khi rơi vào hoàn cảnh này, đa phần đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi hầu hết công việc bán thời gian chỉ là thoả thuận “miệng”, không có hợp đồng ràng buộc.

Vấn đề trên ngoài lý do xuất phát từ người thuê lao động thì ngay cả sinh viên không muốn những thủ tục rườm rà, chỉ cần thỏa thuận miệng về lương, thời gian làm việc nên quyền lợi của họ rất khó được đảm bảo.

Bà Lê Thị Hải Ngọc, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và đào tạo ngắn hạn Trường ĐH Luật, ĐH Huế phân tích, ngay cả các công việc ngắn hạn, thời vụ cũng nên làm hợp đồng lao động. Chuyện sinh viên đi làm thêm bị bóc lột không hề ít, nhưng không có cơ sở pháp lý, pháp luật cũng khó bảo vệ.

Theo TS. Hoàng Kim Toản, Trưởng ban Công tác học sinh sinh viên, lượng sinh viên làm thêm cũng chủ yếu là sinh viên ngoại trú, khó quản lý. Thông tin làm thêm của sinh viên khó khảo sát, khó nắm bắt vì thế dù rất trăn trở nhưng khó can thiệp, giúp đỡ sinh viên khi quyền lợi của họ bị ảnh hưởng.

Lựa chọn công việc hợp lý

Tại Huế, hiện nay có khoảng hơn 50.000 sinh viên chính quy của ĐH Huế và các trường ĐH, cao đẳng khác. Trong đó, nhu cầu làm thêm trang trải cuộc sống rất lớn và sinh viên chọn các công việc bán thời gian, mang tính thời vụ để “lấy ngắn nuôi dài”.

Sinh viên làm thêm là đáng khuyến khích bởi bên cạnh thu nhập, họ cải thiện được nhiều kỹ năng, nhất là giao tiếp. Vấn đề là, phải bố trí thời gian hợp lý, tránh ảnh hưởng việc học, đồng thời phải lựa chọn công việc phù hợp. Hiện nay có nhiều công việc làm thêm nhưng bổ trợ được việc học. Chẳng hạn, sinh viên báo chí có thể cộng tác các tờ báo, cơ quan truyền thông, sinh viên kinh tế có thể làm bộ phận thu ngân... Nhiều cơ quan, đơn vị cũng nhận sinh viên chưa ra trường để vừa làm, vừa đào tạo với nhiều chương trình tuyển dụng được thông báo sớm, đây là cơ sở để sinh viên lựa chọn. Theo các chuyên gia, sinh viên đừng nên bó hẹp trong tư tưởng về công việc làm thêm chỉ là bưng bê, phục vụ, gia sư (vì dễ tìm) mà nên chọn hướng để có thể tích lũy kinh nghiệm học tập và khả năng khởi nghiệp.

Các trường cũng cần có những hỗ trợ, giúp đỡ. Thông qua Đoàn – Hội, các mô hình câu lạc bộ đội nhóm, có thể tìm những địa chỉ việc làm thích hợp để giới thiệu cho sinh viên. ĐH Huế và các trường cũng có những trung tâm hỗ trợ sinh viên. Từ mô hình này, có thể phát huy tốt hơn việc hướng nghiệp, tư vấn việc làm ngắn hạn phù hợp, có thể thông qua các liên kết doanh nghiệp của các cơ sở đào tạo.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu năm, không lo thất nghiệp

Hơn 9.000 vị trí việc làm trong và ngoài nước cần tuyển dụng vào đầu năm 2024 là con số không hề nhỏ để đáp ứng cho những lao động đang cần tìm việc, chuyển đổi môi trường làm việc mới.

Đầu năm, không lo thất nghiệp
Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang dần phục hồi đơn hàng và mở rộng phát triển sản xuất nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động
Return to top