ClockThứ Sáu, 25/01/2019 13:15

Những bản sắc văn hóa độc đáo

TTH - Qua phát triển loại hình du lịch văn hóa ở A Lưới, các lễ hội, tập tục sinh hoạt trong đời sống cổ xưa của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được khôi phục và phát huy.

Dệt Zèng cuốn hút bạn trẻChiếc gùi của người Pa CôNgười đàn ông múa ở Pe Đụt

Sản vật tại phiên chợ vùng cao

1. Du khách thật sự bất ngờ khi đặt chân đến điểm diễn ra “Phiên chợ vùng cao” của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới. Phiên chợ được tái hiện mang đậm sắc màu văn hóa của vùng cao biên giới, nơi mua bán, trao đổi hàng hoá và là nơi gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hoá với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hoá tộc người; nơi giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống của dân tộc Pa Cô, Tà Ôi… được lưu giữ từ bao đời nay.

Không gian điểm nhấn là các nghệ nhân điêu khắc thủ công truyền thống với tiếng gõ đục lách cách; tiếng đập búa lên các sản phẩm rèn của các nghệ nhân lấp loáng trong ánh lửa ngày se lạnh. Bên cạnh là sự dịu dàng, khéo léo, tài nghệ từ bàn tay những người phụ nữ Tà Ôi thoăn thoắt bên những khung dệt thổ cẩm truyền thống (Zeèng). Khách tham quan còn được thưởng ngoạn các gian hàng nông sản đặc sản, một không gian nghi ngút khói xôi nếp than nhiều màu sắc, trình diễn giã bánh A Quát, A Dư, các món ẩn thực độc đáo do bà con chế biến... Không khí phiên chợ càng rộn ràng, vui tươi, phấn khởi với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian.

Nghệ nhân Hồ Văn Thành, tổ nghề điêu khắc thủ công truyền thống xã Hồng Trung, bày tỏ: “Nét độc đáo riêng biệt của sản phẩm chính là bằng thủ công, là sự sáng tạo kết tinh vẻ đẹp của thiên nhiên và con người, thể hiện ở những họa tiết độc đáo, đặc trưng bởi những bàn tay tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân. Đó là niềm tự hào của người dân chúng tôi”.

Tục đi Sim của người Pa Cô xưa lần đầu tiên được tái hiện nguyên bản

Bên cạnh sản phẩm “phiên chợ vùng cao”, trong danh sách các sản phẩm du lịch của A Lưới, lần đầu tiên được tái hiện lại hoạt động tắm suối và các sinh hoạt dưới nước của đồng bào Pa Cô tại điểm du lịch suối A Nôr, xã Hồng Kim. Cùng đó, các hoạt động tắm suối, gội đầu bằng lá cây rừng của các cô sơn nữ được tái hiện sinh động… Chị Arel Linh, diễn viên sơn nữ tắm suối, chia sẻ: “Qua đây, chúng tôi như được sống lại với đời sống sinh hoạt xưa cổ của đồng bào mình từ xa xưa. Các nét văn hóa riêng có này nếu được phát huy, tái hiện một cách bài bản sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, góp phần quảng bá về hình ảnh con người và vùng đất A Lưới đến với du khách”.

2. Từng căn chòi được dựng lên bên bờ suối Pâr Le đúng nguyên bản với tục lệ đi Sim ngày trước của đồng bào dân tộc thiểu số thời xa xưa. Từng chàng trai trong trang phục truyền thống đang trình diễn hết tài năng của mình để chinh phục các cô gái ở trên các chòi cao. Đi Sim là một tập tục có từ lâu đời của người Pa Cô (còn được gọi là Pôộc xu) lần đầu tiên được đồng bào ở A Lưới tái hiện nguyên bản, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Từ bao đời, tục lệ đi Sim đã trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Pa Cô ở A Lưới.

Đi Sim để tìm bạn tình. Các chàng trai cô gái đã đến tuổi trăng tròn sau ngày lên nương lên rẫy, đêm đêm vào mùa trăng sáng lại nô nức cùng nhau đi Sim. Nơi đi Sim cách làng khoảng một dặm đường, ở đó có phong cảnh hữu tình, có hoa cỏ rực rỡ ngát hương, có cây cao rợp bóng, có con suối trong xanh chảy qua róc rách. Và, giữa phong cảnh tuyệt diệu ấy được cha mẹ các cô gái dựng lên từng cái chòi nhỏ, cao cao, được người Pa Cô dành cho cái tên riêng biệt: Chòi A Tiêng.

Chòi A Tiêng vừa để tránh thú dữ, vừa để lời tâm tình của đôi lứa chỉ đủ cho hai người mà thôi. Đi Sim, thường các cô gái đi trước, họ mang theo chiếc Tựp đầy cơm nế, thịt gà, cá nướng làm vật nhận lời. Các chàng trai theo sau mang theo chuỗi cườm, hạt mạ não hay vòng bạc làm vật ngỏ lời. Khi các chàng trai đến nơi, các cô gái trên chòi giả vờ đã ngủ. Các chàng trai đứng dưới chân cầu thang hát gọi ngọt ngào bằng giai điệu Cha chấp, Xiềng, Ba bói, Phi ku moor. Có chàng thì sử dụng bằng tiếng đàn abeel – âng krao, tireel, tâm preh…

Khi đã được lên chòi, chàng ngồi bên này, nàng ngồi bên kia, chính giữa là bếp lửa hồng vừa đủ soi mặt người, họ ngồi trò chuyện với nhau trong e thẹn đến nửa đêm, cô gái mới mời chàng trai các món ăn mà nàng mang theo nếu nàng đồng ý hẹn hò. Ngược lại, đến quá giờ này mà cô gái không chịu trao món quà tình yêu thì đồng nghĩa với câu nói từ chối lời cầu hôn của chàng. Qua bao lần thuyết phục mà trái tim cô gái vẫn như sương lạnh, chàng trai đó đành bỏ cuộc, lại đi Sim tìm bạn tình mới.

Riêng các chàng được các cô gái trao cho chiếc Tựp từ đêm đầu tiên thì hạnh phúc vô bờ. Từ khi biết nhau, tháng qua tháng, mùa tiếp mùa đi Sim vẫn đều đặn. Cái hay, cái đẹp và độc đáo trong tục đi Sim của người Pa Cô xa xưa ở chỗ, từng đôi trai gái mới lớn lên, nhựa tình yêu tràn trề, họ sống bên nhau, cùng ăn, cùng ở, cùng đắp tấm zèng qua đêm trong cái chòi hoàn toàn cách biệt bên ngoài như vậy, nhưng họ chỉ trao nhau nụ hôn nồng cháy, vòng tay êm ấm, không bao giờ được phạm chuyện “chăn gối”. Người Pa Cô quan niệm rằng, khi yêu nhau mà phạm chuyện “chăn gối” là điều hết sức kiêng kỵ. Yàng sẽ trừng phạt bằng cách gây ra đau ốm, chết chóc cho gia đình, bản làng. Già làng biết được, gia đình, họ tộc sẽ bị trừng phạt rất nặng, thậm chí gom hết tài sản của cả họ tộc vẫn không đủ nộp phạt. Vì thế, người Pa Cô xưa khi đến tuổi đều qua tục đi Sim nhưng tuyệt nhiên không phạm tục. Những nét đẹp thơ mộng, lãng mạn và đầy trong sáng ấy sẽ là một ký ức đọng mãi cho những ai đã từng đi qua cuộc hành trình đi tìm bạn tình với tục đi Sim tuyệt đẹp của người Pa Cô xưa cũ.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top