ClockThứ Bảy, 05/11/2016 05:51

Những chuyến đi để khơi nguồn sáng tạo

TTH - Với văn nghệ sĩ, trại sáng tác là cơ hội để tiếp xúc với văn hóa của từng vùng đất. Đây cũng là nơi khơi nguồn sáng tạo cho nhiều tác phẩm giá trị, phản ánh được hơi thở của cuộc sống.

Biểu diễn tác phẩm âm nhạc mới sau khi kết thúc một trại sáng tác của Hội Âm nhạc tỉnh

Khơi nguồn

Nhà thơ Lê Vĩnh Thái (Tạp chí Sông Hương) vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm thú vị khi anh tham gia trại sáng tác về “Biển đảo quê hương” được tổ chức vào tháng 7 năm nay ở đảo Sơn Chà, Phú Lộc. Anh nói: “Cuộc sống xa nhà mỗi người mỗi cảnh. Mỗi năm chỉ mươi ngày phép, các chiến sĩ được về nhà thăm gia đình rồi lại lên đường làm nhiệm vụ. Mọi việc ở hậu phương đều phó thác cho vợ... Cảm nhận về đời sống của lính đảo là chất xúc tác để tôi có cảm xúc sáng tác bài thơ “Ở đảo” tặng các chiến sĩ”. “Mùa biển động đất liền càng xa hải đảo / Đại dương mù khơi chẳng rõ bến bờ / Mỗi con tàu qua thắp bao hy vọng / Biển bình yên... lòng lại ngóng khơi xa / Con đầy tháng... nay đã tròn sáu tuổi / Khuôn mặt giống cha - lính đảo Sơn Chà / Mỗi năm, lần về chưa nhìn kỹ mặt / Bóng con thuyền đã xuôi bến đảo xa...”.

“Biển đảo quê hương” là chuyến thâm nhập thực tế sáng tác do Liên hiệp các Hội VHNT tổ chức với sự tham gia của 15 văn nghệ sĩ. Họ đã cùng ăn, cùng ở với bà con ngư dân xã Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô, với các chiến sĩ đảo Sơn Chà đang ngày đêm gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là niềm cảm hứng giúp văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm phản ánh chân thực về đời sống, văn hóa, con người và vùng đất Phú Lộc qua những góc nhìn mới.

Nhạc sĩ Lê Phùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT trải lòng: “Những bài viết, nốt nhạc, nét chấm phá trên những gam màu, khoảnh khắc bấm máy về những người lính; niềm vui, nỗi buồn và tâm tư của bà con ngư dân cùng những cơn sóng lòng trong ngày biển động... là tất cả những gì các văn nghệ sĩ gửi vào tác phẩm trong đợt thâm nhập thực tế sáng tác này. Chắc chắn, hình ảnh các chiến sĩ cùng bà con ngư dân vùng ven biển đang từng ngày bám biển, chống chọi với thiên tai bão tố sẽ là chất liệu quý để các văn nghệ sĩ hình thành nhiều tác phẩm hay hơn, dài hơi hơn trong tương lai”.

Không chỉ là cuộc chơi

Mỗi năm, Liên hiệp các Hội VHNT và các hội chuyên ngành đều tổ chức trên dưới 10 trại sáng tác và thâm nhập thực tế cho hội viên. Đây là cơ hội để văn nghệ sĩ được cọ xát, tiếp cận với hơi thở đời sống, đi vào những góc khuất của đời sống tinh thần người dân. Việc cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân địa phương là những trải nghiệm quý, tạo cho văn nghệ sĩ những cảm xúc mới trong sáng tạo. Thế nên, tác phẩm của họ phản ánh được hiện thực, gần hơn với cuộc sống sôi động. Không ít tác phẩm chất lượng, có giá trị nghệ thuật ra đời từ các trại sáng tác này. Nhạc sĩ Lê Phùng cho biết, trong số các tác phẩm đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật Cố đô giai đoạn 2008 - 2013, nhiều tác phẩm âm nhạc, nhiếp ảnh và văn học ra đời từ các trại sáng tác, đáp ứng yêu cầu của đời sống hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, từ trong tâm thức của mỗi văn nghệ sĩ, sáng tạo là công việc thường xuyên, không cần phải tham gia trại sáng tác. Điều đó đúng, ở nhà, nghệ sĩ vẫn có thể sáng tác, thậm chí có những tác phẩm xuất thần. Tuy vậy, không thể phủ nhận tác động tích cực của hoạt động này. Khi cùng nhập cuộc, văn nghệ sĩ cùng trao đổi, cảm xúc được bồi đắp và thăng hoa hơn. Nhà thơ Lê Vĩnh Thái bộc bạch: “Trải nghiệm qua những lần tham gia trại sáng tác chính là chất xúc tác tạo ra nhiều cảm xúc mới cho văn nghệ sĩ. Muốn có tác phẩm gần với cuộc sống, phải thực sự sống, “lăn lộn” với đời sống của người dân”. 

Dù ít nhưng có một số trường hợp văn nghệ sĩ xem trại sáng tác như một chuyến... dã ngoại, nghỉ dưỡng. Kết thúc trại, họ sáng tác tác phẩm mang tính chất đối phó nên tác phẩm khó có chất lượng. Có người còn mang theo tác phẩm “nguội” đã viết từ trước để nộp. Để tránh tình trạng này, cách làm của Hội Nhà văn tỉnh là ưu tiên chọn những người thực sự có năng lực, tâm huyết tham gia trại, chọn ít nghệ sĩ nhưng tinh túy và đảm bảo có tác phẩm xứng đáng.

Theo nhà thơ Lê Tấn Quỳnh, Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội VHNT, để nâng cao chất lượng trại sáng tác, cái chính vẫn phụ thuộc vào ý thức, tài năng của mỗi trại viên. Được ở lại dài ngày, trại viên được đi sâu vào đời sống người dân thì tác phẩm sẽ phản ánh được hơi thở đời sống hơn là những chuyến đi thâm nhập thực tế chỉ 1-2 ngày.

TRANG HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

TIN MỚI

Return to top