ClockThứ Bảy, 27/10/2018 06:15

Những “cuộc cách mạng” từ sự đồng thuận của người dân

TTH - Không thách cưới, không tổ chức các buổi lễ linh đình; không rải vàng mã khi đưa tang; cùng nhau hiến đất mở đường… là những kết quả đạt được từ phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn Thừa Thiên Huế nhờ sự đồng thuận của người dân.

Xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện và cấp cơ sởTiếp tục tuyên truyền và đẩy mạnh phong trào “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nướcTrao đổi kinh nghiệm về phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Những điển hình về phong trào "Dân vận khéo" được khen thưởng

Bỏ tập tục gây tốn kém

Chỉ mấy ngày nữa là ông Hồ Văn Đăm ở thôn A Gôn, xã Thượng Long (Nam Đông) tổ chức đám cưới cho người con trai đầu. Theo tục lệ trước đây, nhà trai phải có trâu, bò, dê và vài chục con lợn…, chưa kể đến những lễ vật có giá trị khác mà nhà gái thách cưới. Không chỉ tục thách cưới to với những đòi hỏi từ nhà gái, mà nhiều gia đình còn tổ chức cho cả làng, thôn, bản ăn uống linh đình mấy ngày liền trong lễ cưới, hỏi, ma chay hay xây nhà mồ để “nở mày, nở mặt” với bà con. Những ngày vui kết thúc cũng là lúc gia chủ lâm cảnh nợ nần chồng chất.

Trong cuộc trò chuyện lúc chiều muộn, ông Hồ Văn Đăm trò chuyện: “Lễ cưới ở đây thường được nhà gái “thách” 1 con bò, 1 con trâu, 1 con dê và 8 con lợn cùng bộ chiêng, cổ vật truyền thống trong gia đình như chum ché, mã não, bạc nén. Chừng đó cũng tốn cả trăm triệu đồng rồi. Nay thì khác xưa, chuyện thách cưới đã bỏ hẳn. Không còn chuyện mổ lợn cả chục con như trước mà chỉ làm từ 1 đến 2 con. Tuyệt nhiên, là không mổ trâu, bò, dê… ăn uống linh đình như trước".

Một trong những nghi lễ cưới tại vùng cao Nam Đông, A Lưới

Đem câu chuyện này trao đổi với Bí thư Đảng ủy xã Thượng Long Phạm Văn Cường, ông cho biết: “Thượng Long là xã đặc biệt khó khăn, có 97% người đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống. Người dân cần cù, chất phác, nhưng tục cưới hỏi, làm nhà mồ đã làm cho cuộc sống người dân càng khó khăn hơn. Vốn dĩ là tập tục, nhưng nó không còn phù hợp với xu thế hiện nay nên cần phải bỏ. Nhưng để người dân hiểu và từ bỏ dần là điều không dễ. Đây là vấn đề Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương trăn trở nhiều năm qua”.

Và phong trào “Dân vận khéo” thực sự là “cuộc cách mạng” để Thượng Long xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới hỏi, tang ma. Đó cũng là một trong những giải pháp để giảm nghèo của xã. Để thực hiện mục tiêu này, mỗi cán bộ, đảng viên của xã có trách nhiệm vừa tuyên truyền, vận động người dân, vừa theo dõi, thống kê kết quả thực hiện. Dưới sự lãnh, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy xã, Ban Chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang xã Thượng Long được thành lập.

“Giờ đây, bà con 8/8 thôn và 7/7 dòng họ ở xã khi tổ chức cưới chỉ tổ chức trong 1 ngày, với một bữa cơm thân mật. Việc tang và làm nhà mồ chỉ 2 ngày 1 đêm; người lớn tuổi, người có uy tín, già làng có thân nhân đông và ở xa để đám tang không quá 3 ngày, 2 đêm. Những người đến chia buồn không tổ chức ăn uống như trước”, Chủ tịch UBND xã Thượng Long Trần Văn Trĩ thông tin.

Chuyện từ đám tang bố vợ Chủ tịch xã

Phú Diên - vùng quê ven biển, đầm phá của huyện Phú Vang đã khá thành công khi vận động người dân mỗi khi nhà có đám tang, lúc di quan không rải vàng mã, nhất là trong khu dân cư. Đây là vấn đề tuy đơn giản, nhưng rất khó vận động vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân từ bao đời nay.

Sau nhiều lần bàn bạc, Đảng ủy xã Phú Diên đi đến thống nhất chủ trương, giao trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cụ thể hóa kế hoạch của Đảng ủy để tổ chức thực hiện. Đội ngũ cấp ủy viên, thành viên khối dân vận trực tiếp về tận thôn để cùng dự họp, lắng nghe cán bộ cốt cán thôn, tộc trưởng và các vị cao niên của các dòng họ nêu ý kiến. Từ đó, Đảng ủy nhận thấy, phải lấy cán bộ, đảng viên ra làm gương mới mong “lay chuyển” được nhận thức và hành động của người dân.

“Trong lúc đang phát động phong trào thì xảy ra đám tang bố vợ của Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Đích thân Bí thư Đảng ủy, các thành viên trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã, Ban Chấp hành Đảng bộ xã trực tiếp về chia buồn với gia đình, nhưng mặt khác là để nhắc nhở, vận động gia đình thực hiện nghiêm túc mô hình “Các hộ gia đình có đám tang, khi di quan không rải vàng mã trong khu dân cư”. Lúc đầu, một số người trong dòng họ, nhất là những người lớn tuổi không đồng tình. Họ cho rằng, lâu nay như thế nào, thì nay cũng phải làm như thế ấy. Biết là vấn đề khó, nhưng vì trách nhiệm, vì cái chung, nên bằng cách thuyết phục, vận động gắn vai trò “người con rể” là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã ra làm gương, nên gia đình đã suy nghĩ và vui vẻ đồng ý thực hiện. Đây là trường hợp đầu tiên của xã nghiêm túc thực hiện mô hình này. Việc nghiêm túc thực hiện trước đông đảo người dân, trước các vị tộc trưởng, các vị cao niên của các họ tộc đã có tác dụng rất lớn, làm thay đổi  nhận thức và hành động của họ. Từ đó, Nhân dân trong toàn xã cũng học tập và thực hiện nghiêm túc”, Bí thư Đảng ủy xã Phú Diên Nguyễn Bá Tán chia sẻ.

Từ tháng 6/2017 đến nay, 7 thôn trên địa bàn xã Phú Diên có 119 đám tang, nhưng tất cả các đám khi đưa tang đều không rải vàng mã trong khu dân cư. Trong đó, 5 đám tang không đốt vàng mã ở nghĩa địa.

“Sức bật” phong trào hiến đất mở đường  

Hai năm trở lại đây, vùng quê ven biển Điền Lộc (Phong Điền) có sự đổi thay đáng kể. Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể của địa phương, còn phải kể đến vai trò của người dân.

Một công trình công cộng được xây dựng ở xã Thượng Long từ sự đồng thuận của người dân

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông thoáng đẹp, ông Nguyễn Khoa, một người dân của xã kể: “Vùng ven biển của xã có chiều dài chừng 1,8km và vùng đồng bằng chiếm diện tích lớn, chạy dọc hạ lưu sông Ô Lâu nối liền các xã vùng Ngũ Điền, nên vấn đề giao thông hết sức quan trọng. Đây là một trong những tiêu chí cần và đủ để xã xây dựng nông thôn mới. Ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương, xã đã vận động và người dân đã tự nguyện hiến hơn 13.000 m2 đất để mở rộng nhiều tuyến đường liên thôn, trục xóm với quy hoạch đường rộng từ 4 đến 6 mét, hai bên có hệ thống thoát nước; tạo cảnh quan thông thoáng, khang trang, đẹp; đảm bảo việc đi lại của bà con được thuận tiện hơn”.

Từ Điền Lộc, phong trào hiến đất mở đường lan tỏa đến các xã Phong Hòa, Phong Xuân, Phong Chương, Điền Hương, Điền Môn… Chỉ riêng xã Phong Hòa, người dân đã hiến gần 77.000m2 đất để xây dựng hơn 15km đường giao thông và tự nguyện chặt bỏ cây cối, tháo dỡ hàng rào, công trình phụ có giá trị gần 2 tỷ đồng, đóng góp gần 32.000 ngày công xây dựng đường giao thông theo cơ chế đặc thù.

Với phương châm “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, thuyết phục, đến nay, người dân toàn huyện Phong Điền đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công, hàng chục nghìn mét vuông đất và công trình, cây cối để xây dựng các công trình phúc lợi. Phong trào hiến đất mở đường không chỉ có sức lan tỏa đến các địa phương trong tỉnh, mà trở thành “cuộc cách mạng” mới trong xây dựng nông thôn mới. Ở A Lưới, người dân đã tự nguyện hiến gần 40.000m2 đất; Hương Thủy hiến gần 22.000m2 đất; Nam Đông hiến gần 34.000m2 đất… để xây dựng các công trình phúc lợi.

“Giai đoạn từ năm 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh xây dựng được 360 mô hình “Dân vận khéo” cấp huyện; 2.852 mô hình cấp cơ sở. Hai năm 2017- 2018, toàn tỉnh có 207 tổ chức cơ sở Đảng đăng ký 738 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Có được những kết quả như vậy là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; sự ủng hộ, đồng thuận của người dân là nhân tố có tính quyết định đến sự thành công của phong trào thi đua “Dân vận khéo””, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn khẳng định.  

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”

Trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH), các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc triển khai các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK). Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã triển khai các mô hình “Dân vận khéo” phù hợp, lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện phong trào thi đua “DVK”...

Lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”
“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân

Tích cực, toàn diện, đồng bộ với nhiều nội dung, hình thức phong phú và đa dạng là mục tiêu mà công tác dân vận của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã, đang hướng đến.

“Cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân
Hiệu quả từ hội thi “Dân vận khéo”

“Hội thi “Dân vận khéo” là đợt sinh hoạt chính trị bổ ích, ý nghĩa; là dịp để cán bộ, chiến sĩ biên phòng trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, vận động tham gia xử lý những tình huống, vụ việc phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở địa phương” - Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chia sẻ.

Hiệu quả từ hội thi “Dân vận khéo”
Bộ đội Biên phòng tỉnh khai mạc hội thi “Dân vận khéo”

Ngày 19/9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh khai mạc hội thi “Dân vận khéo” năm 2023. Tham dự có ông Nguyễn Chí Tài, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Đại tá Phạm Tùng Lâm, TUV, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh và 90 thành viên đơn vị cơ sở thuộc 11 đội thi.

Bộ đội Biên phòng tỉnh khai mạc hội thi “Dân vận khéo”
Dân vận để dân đồng lòng, đồng thuận

Nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay của đội ngũ làm công tác dân vận của Đảng trong toàn tỉnh là bám, nắm cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững và giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai các dự án (DA) lớn; góp phần đưa cả tỉnh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Dân vận để dân đồng lòng, đồng thuận
Return to top