ClockThứ Tư, 24/12/2014 05:59

Những điểm lợi và bất lợi cho thí sinh

Thí sinh dự thi vào Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014

Thí sinh được hưởng lợi nhiều

Nhìn nhận về cái lợi đối với thí sinh, TS.Tôn Thất Dụng, Trưởng Phòng đào tạo Đại học, Trường đại học Sư phạm - Đại học Huế cho rằng: “Những điểm mới trong dự thảo vì quyền lợi người học nhiều hơn. Việc tổ chức một đợt thi duy nhất vào tháng 7, thay vì một kỳ thi tốt nghiệp THPT và ba đợt thi tuyển sinh ĐH-CĐ riêng như mọi năm, rất thuận và tiết kiệm cho thí sinh và người nhà. Dự thảo kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2015 sẽ mở rộng từ thang điểm 10 sang 20, điều này sẽ giúp phân hoá thí sinh tốt hơn nhưng cũng sẽ gây “lích kích” trong khâu quản lý vì việc xét tốt nghiệp THPT sẽ căn cứ 50% kết quả điểm trung bình lớp 12 và 50% kết quả kỳ thi quốc gia. Trong khi điểm trung bình lớp 12 vẫn được tính trên thang điểm 10 thì kết quả kỳ thi quốc gia lại tính theo thang điểm 20, nên phải nhân lên, cộng lại rồi chia đôi. Tuy nhiên đây không phải là khó khăn lớn.” Cũng đồng tình với quan điểm này, ThS.Hoàng Tròn, giảng viên Khoa Toán, Trường đại học Sư phạm Huế nhìn nhận: “Thang điểm 20 rất tốt vì giúp phân hoá học sinh tốt hơn và có điều kiện để kiểm tra học sinh rộng hơn. Thang điểm càng rộng, đánh giá càng tốt và chính xác hơn. Đã có người đề xuất dùng thang điểm 100, theo tôi thang điểm này đối với trắc nghiệm là cần thiết vì đề thi trắc nghiệm có nhiều câu hỏi, nhưng nếu đề thi có mười mấy câu mà chấm theo thang điểm 100 thì quá mức cần thiết. Do vậy, cần phải xem xét chừng nào thì vừa mức.” Trả lời câu hỏi việc chấm theo thang điểm 20 có gây ra phức tạp gì cho người chấm, ThS.Hoàng Tròn cho rằng: “Điều này không có khó khăn gì cho công tác chấm vì trước năm 1975, chúng tôi đã làm việc với thang điểm 20 và thấy rất tốt”.

Thí sinh nộp bài tại điểm thi Trường đại học Sư phạm Huế trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014

Trước yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các trường phải duy trì chỉ tiêu xét tuyển dành cho các khối thi truyền thống là 75% và dành tối đa 25% chỉ tiêu cho khối thi mới, TS.Tôn Thất Dụng cho rằng, sự giới hạn này là hợp lý vì như vậy sẽ tạo nên sự ổn định các khối thi cũ và học sinh có thời gian chuẩn bị. “Tuyển sinh phải thay đổi từ từ, có lộ trình và cách làm này giúp người học nhiều hơn, TS.Dụng khẳng định. - Tuy nhiên, cái khó nhất là khâu chấm thi vì việc tổ chức thi theo cụm sẽ dẫn tới số lượng học sinh tập trung về Huế rất đông, trong số 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn và ngoại ngữ), có 2 môn tự luận nên quá trình chấm điểm sẽ kéo dài”.

Theo ThS.Hoàng Tròn, điểm mới của dự thảo - thi xong mới đăng ký xét tuyển vào các trường (thay vì đăng ký trước khi thi như mọi năm) sẽ gây phiền hà cho không chỉ cho các trường đại học mà cả thí sinh. “Bên cạnh đa số những cái lợi thì đây chính là điểm bất lợi duy nhất cho thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm tới, ThS Hoàng Tròn nói. - Với cách làm này, các đại học không làm được điểm chuẩn vì còn phải tuỳ vào số lượng thí sinh nộp đơn vào và số điểm của thí sinh. Các đại học phải công bố kịp thời số lượng và số điểm của thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển để các em chủ động thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc đăng ký xét tuyển vào trường khác”.

Trong khi đó, ở điểm mới của dự thảo là mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng tương ứng với đợt xét tuyển để đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường, như vậy tối đa trong 4 lần xét tuyển thí sinh sẽ có 16 nguyện vọng đăng ký xét tuyển, PGS.TS.Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm băn khoăn: “Điều này có thể dẫn đến con số ảo nhiều, mặc dù Bộ nói có phần mềm giảm ảo nhưng không biết thế nào?! 

Khó cho khâu tổ chức và xét tuyển?

Về khâu tổ chức, PGS.TS.Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Đại học Huế cho rằng: “Công tác tổ chức phức tạp hơn vì trước Đại học Huế tổ chức kỳ thi ĐH-CĐ cho khoảng gần 60.000 thí sinh nhưng chia làm 2 đợt, giờ với việc tổ chức thi theo cụm, lượng thí sinh của 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế dồn về Huế khoảng trên 40.000 thí sinh và thi trong một đợt nên địa điểm thi phải mở rộng, thí sinh sẽ phải đi thi ở những điểm xa trung tâm thành phố hơn, nhân lực cho kỳ thi phải tăng lên, công tác in sao đề thi cũng phức tạp hơn,...”

Theo TS.Võ Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học - Đại học Huế, về cơ bản các điểm mới của dự thảo có nhiều thuận lợi cho thí sinh nhưng khó cho các trường khi xét tuyển. Với 4 lần xét tuyển sẽ kéo dài thời gian xét tuyển hơn 2 tháng nên nhập học đợt đầu và đợt cuối sẽ cách nhau khá xa, ảnh hưởng công tác đào tạo. Trước, Bộ dự kiến tổ chức kỳ thi vào tháng 6, giờ lùi lại tháng 7 nên các Trường đại học phải thay đổi kế hoạch tuyển sinh. Bộ mới ban hành dự thảo chứ chưa có quyết định chính thức nên các trường chưa có ý kiến cụ thể và vẫn còn mông lung”, TS.Võ Thanh Tùng nói.

Quỳnh Nhi, lớp 12 Tin, Trường THPT chuyên Quốc Học:
 
Thang điểm 20 là phù hợp
 
Theo em, tổ chức thi vào tháng 7 thuận lợi hơn vì chúng em có thêm 1 tháng chuẩn bị tâm lý và hệ thống lại kiến thức, có thời gian thư giãn trước khi thi. Thang điểm 20 là phù hợp vì phân hoá học sinh nhiều hơn và học sinh có cơ hội chia ý trong câu nên dễ... kiếm điểm hơn. Việc thi xong mới nộp đơn đăng ký xét tuyển cũng giúp học sinh có thể lượng sức mình và tạo cơ hội cho các bạn vào trường vừa tầm với sức mình. Đã có bạn học giỏi nhưng chọn trường thấp vì sợ không đủ điểm, lúc thi xong, điểm cao lại tiếc vì đã không nộp đơn vào trường mình thích; cách làm mới trong dự thảo sẽ tránh được tình trạng đó.
 
Tuấn Kiệt, lớp 12A2, Trường THPT Hai Bà Trưng:
 
Miễn học tốt thì không việc gì
 
Theo em nên tổ chức kỳ thi vào tháng 6 thì tốt hơn vì lúc đó mới học xong thi liền đỡ quên chứ ôn nhiều quá, tâm lý sợ nên... khó hiệu quả. Về thang điểm 20 em nghĩ là mang lại lợi ích cho tụi em hơn vì chia nhỏ hơn. Việc thi xong mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển giúp học sinh chủ động hơn. Em không băn khoăn vì những thay đổi trong kỳ thi năm nay lắm vì chương trình học trên lớp thì vẫn vậy, miễn học tốt thì không ảnh hưởng gì.
 
Hồng Ngọc, lớp 12 Anh, Trường THPT chuyên Quốc Học:
 
Lo lắng về cấu trúc đề thi
 
Theo em, thang điểm 20 chia nhiều phần để chấm thì đòi hỏi học sinh sẽ phải trình bày chặt chẽ hơn, như vậy em sợ sẽ mất thời gian làm bài! Năm tới, Bộ thay đổi nhiều trong kỳ thi nên em cảm thấy lo lắng không biết đề thi cấu trúc như thế nào, số lượng câu có nhiều không. Em chỉ sợ đề thi khó hơn. Hiện tại Bộ chưa có quyết định chính thức đề thi như thế nào nên các thầy cô vẫn ôn cho tụi em như những năm trước.
 
Thanh Vân (thực hiện)

 

Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh

Điểm nổi bật trong tuyển sinh năm 2024 của Đại học Huế là các trường thành viên, khoa trực thuộc mở rộng sử dụng phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả đánh giá năng lực (ĐGNL), do Đại học Huế phối hợp với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Thừa Thiên Huế.

Thêm phương thức tuyển sinh, thêm cơ hội cho thí sinh
Gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có hơn 610.000 thí sinh đã trúng tuyển trong đợt 1 xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Con số này chiếm tỷ lệ gần 93% thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng năm 2023.

Gần 93 thí sinh đăng ký xét tuyển đã trúng tuyển đại học đợt 1

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top