ClockThứ Sáu, 06/05/2011 05:15

Những gì nhìn thấy & cảm thấy

TTH - Thoạt tiên, những tác phẩm chưa thật sự thành hình, nhiều tác phẩm hãy còn trong quá trình hoàn chỉnh làm tôi tò mò. Đơn giản vì những hình ảnh có cái hãy còn thấp thoáng hầu như tôi đều đã bắt gặp khi bước chân vào ngôi nhà ở làng Lại Thế. Bụi cây, mặt nước, bông hoa, chiếc ghế, cái áo, ánh sáng, những gương mặt… Khi ấy, trong xưởng sơn mài còn ngổn ngang công việc và chất liệu, tôi biết rằng, thể nào mình cũng quay trở lại với một ấn tượng còn nhiều hơn cả sự tò mò.

Với tôi, để cho công bằng, cho đến tận cùng, thì mỗi người đều là nghệ sĩ, mỗi tạo vật đều là tác phẩm nghệ thuật. Cho đến tận cùng, thì không còn sự xấu xí, nhưng phải là cho đến tận cùng. Trước khi đi đến tận cùng thì chúng ta chỉ chưa là những nghệ sĩ trọn vẹn và mọi tạo vật vẫn chưa hiện nguyên hình vẻ đẹp hoàn hảo mà thôi.
Nguyễn Minh Thành

Cho đến lúc này, tôi cũng không biết là Nguyễn Minh Thành, người hoạ sĩ nói giọng Bắc và đến Huế từ Đà Lạt – đã có thể nói về sự hoàn chỉnh ở các tác phẩm của mình hay chưa… Chỉ một điều khá rõ ràng, tôi bắt đầu nhìn mọi thứ ở đây, nhìn chính tôi và cuộc sống xung quanh bằng cái nhìn khác. Bạn không thể nói là tôi cực đoan khi ngày thường đã được đánh thức bằng sự run rẩy mơ hồ của những chiếc lá, cái xao động của gió, sự lặng im không hờ hững của nước, cái bừng sáng của những vật dụng hàng ngày mà ta hầu như chả hề để ý, như một chậu cảnh, một chiếc thuyền độc mộc, một chiếc áo ấm chờ khô trên cây… Một cách trực giác, ai đó có thể cười khi trông thấy chiếc laptop, điện thoại di động xuất hiện tại triển lãm với dáng vẻ gần như không hề được cách điệu. Nhưng tôi tin chắc, khi ngoái nhìn hay ngẫm nghĩ lại, sẽ có không ít câu hỏi tại sao và vì sao hoạ sĩ lại thực hiện và đặt chúng ở đó. Lúc đó, thay vì những ý nghĩ minh hoạ, nhiều người sẽ tìm thấy ý nghĩa thực của những vật dụng trong đời sống hàng ngày. Về sự lệ thuộc và bắt đầu không lệ thuộc. Đó có thể chưa hẳn là một sự thức tỉnh nhưng ít nhất, cũng là một sự nhận ra.


Tôi lợi dụng nghệ thuật để bênh vực cho những sản phẩm do chính con người làm ra mà chúng đang chịu nỗi oan khiên khi con người không tôn trọng chúng đúng mức, khi con người vì bị vây bủa trong lãng quên mà bội bạc mặt đất này.
 
Nguyễn Minh Thành
 
Ngay cách đặt vấn đề về sự tương phản, Nguyễn Minh Thành cũng mang đến một đề nghị khác. Ấy là khi Thành tôn vinh những vật dụng mà có lẽ, chẳng ai để ý làm gì như bộ bàn ghế nhựa cũ kỹ, chiếc đèn dầu, những chiếc đóm tận dụng từ giấy cũ ở sân ga, cái ống điếu hay những chiếc giá kê vóc, kê tranh với đầy đủ những phong trần còn lại; chân dung của hoa lá cỏ cây và cả những hình ảnh mà nếu tinh ý, sẽ nhận ra chúng là những góc nhìn, điểm xê dịch của các bức tranh lớn… trong 4 khung tranh khổ lớn, trang trí bằng mô típ áng mây mà người xưa để lại trên những cột đình làng. Những mô tip lưu lại trong file nhớ của Thành khi lần đầu chạm ngõ làng Lại Thế.    

Triển lãm Áng mây xưa của hoạ sĩ Nguyễn Minh Thành sẽ khai mạc vào lúc 16h30 ngày 7/5/2011 đến 7/6/2011 tại tầng 2 Làng nghề Huế - Trung tâm Văn hoá Phương Nam - 15 Lê Lợi Huế.

Nước là phần ngỡ ngàng mà Thành mang lại trong tác phẩm sắp đặt ở Áng mây xưa. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, cái gì mới là âm hưởng chủ đạo trong sự kết hợp ngôn ngữ của sơn mài và hội hoạ giá vẽ mà Thành muốn đem lại ở triển lãm này? Câu trả lời, té ra chẳng hề to tát. Thành bảo, tôi đến đây và bắt đầu với những gì đã có sẵn. Xưởng. Những người thợ. Khung cảnh, nhịp điệu của những ngày rất đỗi bình thường. Những điều bình thường mà người ta hình như đã quên, ngay cả khi nó đang diễn ra.
Và cuộc sống tiếp tục với những phức hợp đơn giản trong sự đa dạng và tinh tế khác từ Áng mây xưa…
 
Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top