ClockThứ Bảy, 02/03/2019 07:15

Những hy sinh thầm lặng

TTH - Mỗi khi nhìn lên non xanh của dãy Trường Sơn hay đến các cửa khẩu, thấy cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc về những ngày cùng đồng đội trèo đèo, lội suối để hoàn thành nhiệm vụ phân giới cắm mốc đường biên giới Quốc gia.

Củng cố quốc phòng, an ninh khu vực biên giớiViệt-Trung giải quyết những vướng mắc về phân giới cắm mốc

Tuần tra, bảo vệ biên cương

Sau khi thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhiệm vụ đặt ra cho đất nước ta là phân giới cắm mốc đường biên giới Quốc gia với các nước tiếp giáp. Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước Việt - Lào được ký kết vào năm 1977 đã đánh dấu chặng đường mới trong liên minh chiến đấu, quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai dân tộc. Nhận thức rõ vai trò nòng cốt, chuyên trách trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) trực tiếp tham gia trên thực địa không quản ngại vất vả, khó khăn và có cả sự hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Mở đầu phân giới cắm mốc biên giới Việt - Lào đoạn thí điểm từ cầu Xà Ợt tại cửa khẩu đường 9 - Lao Bảo (Quảng Trị) ra phía bắc đến động Tà Púc (cao điểm 1.020), đường biên giới phân thủy, chạy theo đỉnh dãy núi (nước mưa chia đều hai mái Đông - Tây). Từ đỉnh Tà Púc đến đỉnh Cloc (cao điểm 1082), biên giới thẳng hình học theo đường chim bay, cắt qua nhiều sông, suối, núi cao nên khảo sát thực địa rất khó khăn. Công việc tiến hành trên đỉnh dãy Trường Sơn nhiều vất vả,  hiểm nguy, không chỉ địa hình hiểm trở mà còn đầy bom mìn do chiến tranh để lại và thú dữ, khí hậu khắc nghiệt..

Ngày 11/8/1978, trời mưa to, nước sông suối lên cao chảy cuồn cuộn. Đồn Biên phòng Sen Bụt (tỉnh Quảng Trị) nhận lệnh đưa đoàn khảo sát song phương của hai Chính phủ lên phúc tra tọa độ mốc chuyển hướng đường biên giới trên đỉnh Ta Púc để kịp thời phục vụ hội đàm đánh giá kết quả đoạn phân giới thí điểm. Đồn trưởng Hồ Mường lấy tinh thần xung phong trước khó khăn, thử thách trong cán bộ, chiến sĩ. Sáu đoàn viên ưu tú được chọn lên đường làm nhiệm vụ. Ngay gần đồn, con suối nhỏ nước chảy xiết, đồn phải huy động lực lượng chọn khúc hẹp, chặt cây đổ qua để vượt lũ, kịp đến nơi đoàn Trung ương vừa mới tập kết. Tranh thủ lúc trời tạnh mưa, đoàn đã lên được điểm cao đo góc phương vị, tìm dấu tam giác đạc, đối chiếu bản đồ. Thực địa xong đoàn liền xuống núi thì trời bắt đầu tối và mưa to. Cả đoàn dừng lại che lán ngủ qua đêm ở bình độ lưng chừng động Tà Púc. Nửa đêm, núi sạt lở, đất, đá chặn khe núi khiến nước mưa ứ dâng cao đổ ập xuống làm trôi cả lán. Năm đồng chí bị đất, đá vùi lấp, trôi về sông Sen đổ qua Lào...

Sáng ra, cảnh tượng tan hoang như bãi bom chiến tranh. Đoàn gọi khẩn cấp về tỉnh điều động ngay Tiểu đoàn 2 - Công an vũ trang đóng quân ở Khe Sanh và Đồn biên phòng Sen Bụt vào tìm kiếm cứu nạn. Lực lượng đào bới tìm được thi thể 3 đồng chí là Thượng sĩ Hồ Văn Trường (Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Sen Bụt), Trung sĩ Châu Văn Dung (nhân viên Tỉnh đội Bình Trị Thiên), kỹ sư Lê Doãn Trường (cán bộ Cục đo đạc Bản đồ Trung ương). Còn Đại úy Võ Cán (Cục Tham mưu - Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang) và Đại úy Nguyễn Xuân Tăng (Trưởng đồn Biên phòng Lao Bảo) mặc dù đồng đội cất công tìm kiếm cả tháng trời nhưng các anh đã nằm lại mãi mãi với núi rừng biên cương.

Khi đưa thi hài các đồng chí hy sinh ra xe ô tô, bà con các bản ở xã Hướng Phùng chạy theo cáng khóc nức nở. Ngày 15/8/1978, tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), lễ truy điệu và an táng các liệt sĩ đã hy sinh trong quá trình khảo sát, phân giới cắm mốc đường biên giới Quốc gia đã được tổ chức trong niềm thương xót của mọi người.

Cũng thời gian đó, tình hình biên giới Tây Nam và phía Bắc đất nước ta hết sức căng thẳng. Nhiều đồng đội phải chia tay nhiệm vụ khảo sát biên giới để đi chi viện tham gia chiến đấu. Không ít người đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Các đội khảo sát phân giới, xây dựng cột mốc quân số mỏng nên phải huy động thêm dân công ở các bản vùng biên giới. Bà con hết sức nhiệt tình, cùi cõng, phát đường giúp đỡ lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Quá trình khảo sát thực địa, phục vụ phân giới cắm mốc đường biên giới Quốc gia còn có biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, đã cống hiến thầm lặng cả sức trẻ, tuổi xuân giữa núi cao, vực thẳm suốt chiều dài của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Nhiều đồng chí khi hoàn thành nhiệm vụ khảo sát phân giới, cắm mốc thì da tái xanh, môi thâm, mắt vàng do bệnh sốt rét hành hạ, bị thương tật, nhưng các anh luôn ánh lên niềm vui vì đã được thực hiện sứ mệnh lịch sử là đi tìm hình Tổ quốc. Họ đã có danh trong các hồ cột mốc quốc giới được lưu trữ vào Nghị định thư của hai Chính phủ Việt Nam- Lào.

ĐẠI TÁ NGUYỄN VĂN LƯU

(Nguyên Chính ủy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Việt-Trung giải quyết những vướng mắc về phân giới cắm mốc

Hội nghị tổng kết song phương 5 năm triển khai Nghị định thư về phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam-Trung Quốc (gọi tắt là ba văn kiện pháp lý về biên giới) vừa diễn ra tại thành phố Nam Ninh, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).

Việt-Trung giải quyết những vướng mắc về phân giới cắm mốc
Return to top