ClockThứ Tư, 03/11/2010 20:29

Những khoảng trống khảo cổ học

TTH - Mới đây, khi tìm tư liệu cho loạt phóng sự về ký ức vùng Huế, người viết mới giật mình khi bản đồ khảo cổ học Thừa Thiên Huế hiện nay còn có nhiều khoảng trống chưa thể lấp đầy.

Ngoài triều Nguyễn, Thừa Thiên Huế có các di tích thuộc thời kỳ đá mới đã được phát hiện và dày đặc các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh; rất nhiều dấu tích văn hóa Đông Sơn, dấu tích văn hóa Champa… nhưng lại rất ít thông tin cụ thể, chi tiết do chưa được nghiên cứu kỹ, đặc biệt là khai quật, thám sát khảo cổ học. Nguyên nhân, theo TS Trần Đức Anh Sơn, trước hết là do chúng ta thiếu chuyên gia, thiếu kinh phí và thiếu sự quan tâm của chính quyền. Người làm khảo cổ học ở Huế hiện chỉ đếm được trên đầu ngón tay; người học khảo cổ cũng rất hiếm hoi do ngành này khó học, ra trường khó xin việc làm. Vì thế, việc thiếu nhân lực chuyên môn và chuyên gia trong lĩnh vực này là điều tất yếu.

“Trước đây, tôi có tư vấn cho ông Phan Tiến Dũng khi ông ấy mới lên làm Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh rằng cần phải thành lập bộ phận thăm dò khảo cổ học trong Phòng Nghiên cứu Di sản Văn hóa trực thuộc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế. Bộ phận này có nhiệm vụ tiến hành việc thăm dò, khai quật khảo cổ học, lập bản đồ di tích và công bố định kỳ để tư vấn cho chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch, định hướng phát triển đô thị; cho các nhà đầu tư tham khảo trước khi quyết định đầu tư xây dựng một công trình nào đó trên địa bàn thành phố Huế ”, TS Trần Đức Anh Sơn cho biết.
Nhưng để có thể thành lập bộ phận thăm dò khảo cổ học, Thừa Thiên Huế cần phải có chính sách tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực. Ví dụ lựa chọn những sinh viên mới tốt nghiệp đại học, gửi đi đào tạo các lĩnh vực: quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý di sản văn hóa, khảo cổ học… ở trong và ngoài nước, với các ưu đãi về học phí và học bổng, cùng các điều kiện buộc họ phải trở về làm việc cho Huế sau khi học xong.
Việc thành lập bộ phận thăm dò khảo cổ học và sản phẩm là bản đồ khảo cổ học là một nhu cầu bức thiết của cuộc sống hiện nay. Nó không những sẽ lấp đầy các “vùng trống” về văn hóa, lịch sử của một vùng đất, mà còn thể hiện tầm nhìn và trách nhiệm cụ thể của nhà cầm quyền đối với di sản của cha ông. Bản đồ khảo cổ học sẽ giúp cho các nhà đầu tư khi đến Huế đầu tư vào một dự án, người ta sẽ biết vùng nào là vùng có di tích, vùng nào là vùng chưa được khám phá…để (và bắt buộc phải) khai quật khảo cổ học trước khi xây dựng công trình.
 
Theo TS Trần Đức Anh Sơn, nếu làm tốt việc này, chúng ta sẽ tránh được những vụ rắc rối kiểu “Life Resort” ở chân đồi Vọng Cảnh hay “Dã Viên Resort” ở cồn Dã Viên thời gian qua.
 
Tường Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top