ClockThứ Tư, 26/09/2018 06:15

Những khoảng trống trong tư vấn học đường

TTH - Tâm lý học đường ngày càng phức tạp, nếu không được quan tâm đúng mức sẽ để lại những hậu quả xấu về sức khỏe, tinh thần và nhân cách. Các em cần có một phòng tư vấn trong trường học để chia sẻ rắc rối và được hỗ trợ tâm lý.

Chất lượng tạo nên từ sự thay đổiTrường ngon, con không học cũng bỏ!Nơi kết nối các thế hệ học sinh giỏi văn

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Hai Bà Trưng (ảnh minh họa)

Cần người sẻ chia

Cô giáo trẻ ở một trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn TP. Huế vẫn còn thảng thốt khi kể lại câu chuyện xảy ra trong lớp cô làm chủ nhiệm. Có một nữ sinh học rất giỏi, nhưng lại không muốn chơi với ai, cứ ra chơi lại ngồi thẫn thờ ở ghế đá. Lịch học thêm của em dày đặc, thậm chí không có thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa với bạn. Khi nghe một em trong lớp mách, chiều nào bạn mình cũng ra sông Hương ngồi, cô giáo đã không thể bình tĩnh để nghe hết câu chuyện và đã đi tìm em. Cô bé khóc nức nở khi gặp cô mình và nhắc mãi câu hỏi “học nhiều làm gì hả cô, con chỉ muốn bỏ nhà đi đâu đó, hoặc nhảy xuống sông để khỏi áp lực ”. Hóa ra, em bị ức chế vì bố mẹ quá kỳ vọng vào kết quả học tập của con, khi điểm số không như ý muốn, họ lại chì chiết, la mắng. Khi cô giáo quyết định gặp mẹ của cô bé thì gia đình mới chấp nhận phương án cho em nghỉ học một năm để điều trị bệnh trầm cảm.

Học sinh ở bậc trung học cơ sở, THPT là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ con sang người lớn, các em dễ bị kích động, tổn thương. Quá trình này, nếu gia đình và nhà trường chưa phải là chỗ dựa về tinh thần cho các em thì trẻ sẽ tìm đến nguồn tư vấn từ bạn bè, mạng internet... Các nguồn thông tin không đảm bảo với nhiều nguy cơ như bị xâm hại tình dục, lôi kéo sa vào tệ nạn hay vi phạm pháp luật. Nhiều năm trở lại đây, tình trạng học sinh tự tử không còn là chuyện cá biệt nữa. Khi đã mắc triệu chứng của căn bệnh trầm cảm, các em thường tự giải quyết. Tuy nhiên, nhiều học sinh bị bệnh nặng nhưng không có nguồn hỗ trợ điều trị, trong khi, khi chính các em không còn niềm tin vào người thân.

Trường THPT Hai Bà Trưng có phòng tư vấn riêng để hỗ trợ trực tiếp khi các em muốn giãi bày tâm sự. Các em thường đến một mình đem theo nỗi âu lo của tuổi mới lớn về sức khỏe sinh sản vị thành niên, tình yêu tuổi học trò, xích mích với bạn bè... Mỗi em đến với phòng tư vấn là một câu chuyện, băn khoăn, ngây ngô và cả nước mắt khi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Cuộc sống hiện đại, bố mẹ mải mê làm ăn nên không có thời gian quan tâm đến con cái. Nhiều em sống trong đơn độc khi bố mẹ ly hôn và em suốt ngày ngập trong thế giới ảo, rơi vào tình trạng bế tắc, mất phương hướng, mất niềm tin và dễ có hành động tiêu cực.

Không chỉ tư vấn trực tiếp, các em có thể gửi email, điện thoại để được giải đáp những âu lo mà các em gặp phải. “Facebook tôi lúc nào cũng “sáng đèn”, điện thoại ít tắt nguồn dẫu quá khuya vì các em có thể gọi điện, nhắn tin bất cứ lúc nào. Những cuộc kết nối lúc 12 giờ đêm hoặc đã bắt đầu qua ngày mới bao giờ cũng làm cho chúng tôi lo âu. Thời điểm này các em thường không vượt qua nỗi áp lực của bản thân, các em có nhu cầu giãi bày những tâm sự giấu kín. Nhiều em viết thư cho tôi dài lắm như để giải tỏa nỗi ấm ức, dồn nén trong lòng. Lắng nghe, chia sẻ là cách mà chúng tôi làm được cho học trò của mình trong lúc các em đơn độc” - Hiệu phó Trường THPT Hai Bà Trưng Trần Thị Kim Oanh, tổ trường tổ tư vấn tâm lý của nhà trường lý giải.

Hoạt động ngoại khóa của Trường THPT Hai Bà Trưng (ảnh minh họa)

Giáo viên tham vấn còn thiếu và yếu

Bạo lực học đường, hiện tượng trầm cảm, thậm chí tự tử... có thể phòng ngừa nếu có một bộ phận giám sát làm công tác tham vấn học đường. Các em sẽ được hỗ trợ ban đầu và có thể giới thiệu chuyển tuyến cho những trường hợp cần chuyên gia hỗ trợ chuyên sâu hơn. Vai trò của giáo viên tư vấn học đường rất quan trọng và cần thiết trong nhà trường. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên chuyên trách lẫn không chuyên ở các trường học chưa được đào tạo bài bản, còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm. Vì chưa biết cách gợi mở, chuẩn đoán tâm lý, trị liệu phù hợp nên hiệu quả tư vấn, tham vấn chưa cao, học sinh chưa tin tưởng. Em Nguyễn Thị Vân, học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ cho rằng, cô giáo chủ nhiệm là người thường xuyên kết nối facebook với học sinh, nhưng em ngại thổ lộ chuyện riêng tư với cô vì sợ bí mật không được giữ.

Không có biên chế riêng cho cán bộ làm tư vấn học đường. Các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm dạy ở một số môn như giáo dục công dân, lịch sử, địa lý… Phần lớn các trường chưa có phòng tham vấn tâm lý một cách chuyên nghiệp mà chủ yếu tận dụng phòng y tế, phòng công tác Đoàn - Đội, trong khi nhiều học sinh lại muốn được chia sẻ các vấn đề mình gặp phải trong phòng kín đáo, không muốn ai biết.

Theo quy định mới nhất, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều  kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ ba đến bảy người. Tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý. Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết, sở đã chỉ đạo tất cả các trường rà soát, thành lập tổ tham vấn tâm lý và sớm đi vào hoạt động thực chất, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Thời gian đến, sở tiếp tục bồi dưỡng cán bộ giáo viên chuyên ngành tâm lý học đường đáp ứng nhu cầu tại chỗ ở các trường học; cũng nhưmời các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm thường xuyên về các trường để tư vấn cho học sinh, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng cho giáo viên.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo

Từ ngày 5/3 đến 15/3 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền, Phú Vang kiểm tra, giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các trường học có bán trú thuộc 25 xã nghèo.

​Giám sát, hỗ trợ công tác dinh dưỡng học đường tại các xã nghèo
Tăng cường phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề

Chiều 3/3, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức hội nghị về công tác tuyển sinh và định hướng phân luồng học sinh trung học cơ sở năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các sở ngành; lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và ban giám hiệu của 23 trường trung học cơ sở từ nhiều địa phương.

Tăng cường phối hợp tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề
Return to top