ClockThứ Năm, 22/03/2018 06:00

Những kỷ niệm khó quên về anh Sáu Khải

TTH - Cách đây mấy hôm, Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam có điện thoại cho tôi đề nghị có buổi phỏng vấn để ghi lại những kỷ niệm trong quá trình làm việc với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Rất tiếc do thông tin đến chậm, cuộc hẹn đã không sắp xếp được. Tuy vậy, từ khi nghe anh bị lâm trọng bệnh đến khi nhận được tin buồn anh đã ra đi mãi mãi, lòng tôi hết sức bồi hồi.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Nhà ngoại giao tài baLãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá ông Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo xuất sắcĐại sứ Mỹ chia buồn với gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn KhảiCố Thủ tướng Phan Văn Khải đóng góp rất nhiều vào mối quan hệ Việt Nam-Singapore

Thủ tướng Phan Văn Khải tại Lễ khánh thành cầu Tư Hiền vào ngày 19/8/2003

Lần đầu tiên tôi gặp anh Sáu là vào năm 1989, khi tôi cùng đoàn đại biểu của TP. Huế vào thăm TP. Hồ Chí Minh để thường xuyên giữ  mối quan hệ kết nghĩa truyền thống Huế - Sài Gòn - Hà Nội. Là Chủ tịch UBND một thành phố lớn nhất nước, tuy bận nhiều công việc nhưng anh vẫn nhắc anh em văn phòng sắp xếp chương trình làm việc của chúng tôi hết sức chu đáo và bố trí mời cơm thân mật toàn đoàn một cách chân tình, trọng thị. Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy rõ tình cảm và sự quan tâm đặc biệt của anh đối với Cố đô. Khi chuyển về công tác tại UBND tỉnh, tôi càng có nhiều lần tiếp xúc, làm việc với anh khi anh giữ cương vị Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ. Anh là một người lãnh đạo có đức, có tài; hết sức tận tụy trong công việc; luôn quan tâm đến người dân và đồng chí đồng đội.

Vào ngày 1/11/1999, Thừa Thiên Huế xảy ra trận lũ lịch sử. Tôi điện thoại cho anh Đoàn Mạnh Giao, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhờ báo cáo gấp với Thủ tướng Chính phủ về tình hình nguy cấp đang đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân trong tỉnh trên diện rộng. Anh Sáu Khải và Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo việc ứng cứu, cử ngay đồng chí Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào miền Trung, trọng điểm là Huế để trực tiếp chỉ đạo; đồng thời, huy động lực lượng quân đội, cả không quân và công binh đi từ Hà Nội vào; từ khu 5 ra; kể cả qua nước bạn Lào xuống theo đường 9.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1073/ QĐ-TTg ngày 17/11/1999 về khắc phục hậu quả lũ lụt các tỉnh, thành phố miền Trung, trong đó dành cho Thừa Thiên Huế  hơn 50% trong tổng số 33.000 tấn lương thực quy gạo và gần 35%  trong 100 tỉ đồng để mua sắm một số phương tiện chuyên dùng, giúp tỉnh có điều kiện xử lý những công việc khẩn cấp. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của đồng bào toàn quốc và sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ đã giúp tỉnh nhà vượt qua tổn thất nghiêm trọng về người và của; từng bước khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; xây dựng lại cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa trong tỉnh.

Dấu ấn của Thủ tướng Phan Văn Khải đối với Thừa Thiên Huế còn thể hiện ở một số quyết sách quan trọng có liên quan đến sự phát triển bền vững của tỉnh nhà. Đó là việc quyết định đưa dự án Hồ Tả trạch vào danh mục đầu tư trọng điểm của Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng từ lâu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Chính cụm công trình Tả Trạch- Thảo Long đã giúp Thừa Thiên Huế chủ động hơn trong phòng, chống thiên tai; phát triển nông ngư nghiệp và đảm bảo nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ còn ưu ái chọn Thừa Thiên Huế là nơi đăng cai tổ chức Hội nghị giữa kỳ các nhà tài trợ quốc tế vào năm 1997 tại thành phố Huế. Thông thường, Hội nghị này chỉ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh nên sự kiện này thực sự là một vinh dự lớn lao, là “cú hích “ để nâng tầm đối ngoại của tỉnh và thành phố.

Là một người nhiều lần tham gia các hội nghị do anh Sáu Khải chủ trì, tôi thầm cảm phục sự am hiểu sâu sắc của anh trên nhiều lĩnh vực; đặc biệt là về quản lý kinh tế vĩ mô như đã được nêu khá chi tiết trong các bài viết của các nhà nghiên cứu Lê Đăng Doanh, Trương Trọng Nghĩa ... trên báo chí gần đây. Anh cũng là người biết lắng nghe ý kiến tham gia đề xuất của cán bộ, nhân dân về các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; hết sức nhạy bén trong phát hiện những vấn đề có tầm chính sách do cán bộ địa phương và cơ sở đề xuất.

Tôi còn nhớ một lần, trong hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc để triển khai nhiệm vụ công tác của năm kế hoach; phần phát biểu của tôi có nêu bật kiến nghị một số chính sách, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đối với con em đồng bào các dân tộc. Tôi cho rằng, lý do chủ yếu làm cho các cháu gặp nhiều khó khăn trong học tập là chưa được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng về tiếng phổ thông, nên phần lớn không tiếp thu được một cách đầy đủ các kiến thức mới mẻ của các môn học văn hóa. Đối với các em, tiếng phổ thông (tiếng Việt ) thực sự là một ngoại ngữ ngoài tiếng mẹ đẻ. Do vậy, chìa khóa để giải quyết vấn đề chất lượng học tập là phải tạo điều kiện cho các cháu hiểu và sử dụng tương đối thành thạo tiếng phổ thông trước khi bắt đầu học văn hóa bằng các hình thức, giải pháp phù hợp.

Anh Sáu Khải đã dừng lại một khoảng thời gian để trao đổi với tôi về vấn đề này và yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm nghiên cứu để có chính sách, giải pháp giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả. Anh Sáu Khải rất nghiêm khắc và chỉnh chu trong công việc nhưng cũng hết sức thân tình, cởi mở với đồng chí, đồng đội; gần gũi với nhân dân. Trong tất cả những lần đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, anh đều sắp xếp thời gian đến thăm Cố Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Bá Diễn và anh Phan Văn Chữ , cán bộ hưu trí về nghỉ chính sách tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc. Họ thường ôm chầm lấy nhau và vui vẻ hàn huyên, nhắc lại những kỷ niệm của thời kỳ cùng nhau học tập ở Trường Bổ túc công nông tại Hà Nội

Ngày 19/8/2003, khi anh vào thăm và làm việc với tỉnh; chúng tôi đã mời anh về tham dự và cắt băng khánh thành cầu Trường Hà, vượt phá Tam Giang. Đông đảo cán bộ và nhân dân có mặt hôm đó rất vui mừng đón chào anh Sáu Khải, vị Thủ tướng mà họ luôn ngưỡng mộ. Họ tìm cách ùa tới để được tiếp cận người đứng đầu Chính phủ nhưng các đồng chí công an làm nhiệm vụ bảo vệ cố gắng ngăn lại để ổn định trật tự trước lúc tiến hành buổi lễ. Nhìn thấy cảnh đó, anh Sáu Khải nghiêm sắc mặt và nói như ra lệnh: "Để cho bà con vào gặp Thủ tướng". Thái độ ân cần, vui vẻ, tay bắt mặt mừng của anh Sáu Khải với Nhân dân đã rút ngắn mọi khoảng cách và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người có mặt trong sự kiện đáng nhớ này.

Năm tháng trôi qua, nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ về anh Sáu Khải vẫn sống mãi trong lòng tôi; luôn sống động hình ảnh mộ người lãnh đạo tài ba, một đồng chí thân thương; một người luôn đồng hành với nhân dân trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Nguyễn Văn Mễ

(nguyên Chủ tịch UBND tỉnh)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải qua những hồi ức

Chân dung cố Thủ tướng Phan Văn Khải hiện lên qua góc nhìn của đồng nghiệp, những người thân cận, báo chí, các bài trả lời phỏng vấn của ông, và qua những người dân mà ông tiếp xúc. Tất cả được tóm gọn, xúc tích như một nén “tâm nhang” mà những người làm nên cuốn sách “Phan Văn Khải - Nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới và nhân hậu” để tưởng nhớ người đã khuất.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải qua những hồi ức
Tưởng nhớ anh Sáu Khải, nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới, tận tụy vì nước, vì dân

Đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Để tưởng nhớ đồng chí Phan Văn Khải, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc có bài viết “Tưởng nhớ anh Sáu Khải, nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới, tận tụy vì nước, vì dân”.

Tưởng nhớ anh Sáu Khải, nhà lãnh đạo kỹ trị, đổi mới, tận tụy vì nước, vì dân
Return to top