ClockChủ Nhật, 20/10/2019 12:47

Những lớp học sợ sệt?

TTH - “Nóng” không kém nhà hàng Paranoma trên đỉnh Mã Pí Lèng ở Hà Giang vào tuần qua là việc “có nên gắn camera trong các lớp học”? Tôi đặt cụm từ này trong ngoặc kép vì đã nhận ngay 3.860.000 kết quả trong 0,52 giây khi gõ cụm từ này trên Google.

Có lẽ, câu chuyện này sẽ không được quan tâm đến thế nếu nó không bắt đầu từ một clip được phụ huynh bí mật gắn trong lớp học, ghi lại cách hành xử của cô giáo đối với các cháu học sinh lớp 2 ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh). Cho dù là căn nguyên của việc làm này bắt đầu như thế nào, cũng không thể chối cãi là cô giáo dạy lớp học đó đã không bắt đầu dạy dỗ bằng tình thương yêu đối với các trò nhỏ, trước khi phải có một phương pháp sư phạm chuẩn mực. Xem clip, chỉ thấy cô thường xuyên nóng giận, bực bõ và trút những điều đó lên học trò bằng những cái gõ đầu, nhéo tai. Tâm thế như thế, chắc chắn không bao giờ dành cho người là “mẹ của em ở trường” được!

Tôi tin, cách hành xử của cô giáo ấy chỉ nằm ở số ít, rất hạn chế nhưng học trò trong lớp học đó (và có thể trong những lớp học trước đó của cô giáo ấy) chắc chắn sẽ là những học trò sợ sệt. Khái niệm đến trường, chắc là một ký ức không lấy gì làm đẹp, không lấy gì làm hay khi các cháu lớn lên…

Cô giáo phải dạy dỗ học trò bằng tình thương yêu  (Ảnh mang tính minh họa - Quang Thiều)

Tôi cũng tin, việc làm trên đã mang đến một tổn thương vô cùng lớn đối với đông đảo các thầy cô giáo đang lên bục giảng hàng ngày. Đời sống xã hội, với những tác động đa chiều của nó cũng đã làm thay đổi cái nhìn về nghề, về người. Thay đổi ngay trong tâm thế của mỗi giáo viên khi đứng lớp nếu họ không bắt đầu bằng trách nhiệm và sự yêu thương. Gần như, đó là những yếu tố chủ yếu hình thành nên những lớp học sợ sệt.

Không thoải mái, thậm chí ức chế là ý kiến của không ít nhà giáo khi bình luận, trao đổi hay trả lời trước những yêu cầu, tham vấn về việc đặt camera trong lớp học. Không đáng trách khi phụ huynh đòi hỏi được “giám sát” tình trạng của con em mình. Nhưng sẽ là quá đáng nếu điều này trở thành tiền lệ. Thay vì giám sát, tôi nghĩ, mọi người cần giao việc làm đó lại cho nhà trường trong việc quản lý giáo viên thế nào là tốt nhất. Đương nhiên, trước khi là nhà trường, phải là những tiêu chuẩn, quy định, quy chế… được xây dựng từ ngành chủ quản đối với con người, ngành nghề. Quan trọng hơn, phải tấm lòng của mỗi giáo viên đối với nghề, với trò.

Câu hỏi đặt ra ở đây là những điều này đều đã có, tại sao sự việc như vậy hay tương tự như vậy vẫn diễn ra ở nơi này, nơi kia? Diễn ra không chỉ ở bậc tiểu học mà cả ở những bậc học cao hơn. Có phải điều này chỉ xuất phát từ tính tình, tâm trạng của những giáo viên nào đó, hay họ bị chi phối bởi những áp lực về thành tích, về xếp loại? Có phải những điều đó đã làm giáo viên cảm thấy căng thẳng, và những áp lực đó đã tác động trở lại đối với học sinh, tạo nên những giờ học, buổi học, lớp học căng thẳng và những bầu không khí sợ sệt giữa trò và thầy?

Một không khí cởi mở, thân thiện, ở đó thầy và trò được lắng nghe và trao đổi có vẻ chỉ là hiện tượng ở nơi này, nơi kia trong môi trường giáo dục. Đương nhiên, đó cũng là điều cần được nhân rộng, nhưng tốt hơn thì “hiện tượng” phải là những điều không hay, những hành vi phản giáo dục…Chắc chắn, với không khí học đường thân thiện, ở đó học trò được lắng nghe, trình bày, thậm chí là thảo luận lại thì sẽ triệt tiêu được những áp lực xấu.

Khi niềm tin được xây dựng, thì không ai phải nhọc lòng để phải có cơ chế giám sát kiểu như yêu cầu lắp camera trong lớp học. Cho dù là ở đâu, cơ quan nào và cấp độ ra sao đi chăng nữa!

KHANG NHIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin

Ngày 16/3, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Thanh niên tỉnh phối hợp với Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức chương trình Hành trình trải nghiệm ước mơ năm 2024 dành cho học sinh lớp 9 ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh.

Định hướng đúng - Tiến bước tự tin
Return to top