ClockThứ Năm, 15/11/2012 11:38

Những mảng tối giao thông đô thị

TTH - Những năm qua, mạng lưới giao thông trong thành phố Huế không ngừng được đầu tư nâng cấp, xây mới. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tuyến đường chính bị xuống cấp, nhỏ hẹp, gây khó khăn cho việc đi lại và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Đường Lâm Hoằng ngang qua KQH Nam Vĩ Dạ, nối giữa đường Phạm Văn Đồng với Nguyễn Sinh Cung. Mới được hình thành từ hơn 10 năm nay nhưng 2 bên đường đã hình thành nhiều cơ quan, trường học lớn, như: Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Huế, Khoa du lịch Đại học Huế, Trường THCS Phạm Văn Đồng, UBND phường Vĩ Dạ, Công an phường Vĩ Dạ và nhiều nhà ở, nhà hàng sang trọng khác. Vào mùa mưa lụt, đường Lâm Hoằng còn là tuyến tránh chính khi Đập Đá tràn không lưu thông được. Song, tuyến đường chỉ có chừng 300m từ đường Phạm Văn Đồng nối đến UBND phường Vĩ Dạ, mặt đường tương đối rộng, đoạn còn lại chừng 1km chỉ nhỏ như đường kiệt; nên thường bị ách tắc giao thông kéo dài. Anh Lê Hùng Vĩ ở Cồn Hến cho hay: “Mỗi lần Đập Đá tràn thì phải qua đường Lâm Hoằng, có khi mất cả tiếng đồng hồ...”. Ngay cả vào mùa nắng, tuyến đường này thỉnh thoảng cũng bị tắc vào các giờ tan học.

Thực trạng đường dẫn lên cầu Chợ Dinh

 Chúng tôi đến phía nam đường dẫn lên cầu Chợ Dinh. Đây là cây cầu đường bộ thứ tư được xây dựng với quy mô vĩnh cửu, bắc qua sông Hương. Từ khi đưa vào sử dụng, cầu Chợ Dinh cùng với QL49A, đường Nguyễn Gia Thiều hình thành một tuyến đường vành đai nối Thuận An với KCN Hương Sơ, QL1A. Do lưu lượng phương tiện lưu thông quá lớn, cộng với thời gian dài không được nâng cấp, sửa chữa nên đoạn đường dẫn này bị hư hỏng nghiêm trọng. Mặt đường hình thành những ụ đất, vũng sâu rất nguy hiểm. Anh Nguyễn Quốc Hùng ở thôn Nam Thượng, gần đường dẫn lên cầu cho hay: “Tại nạn xảy ra đối với người và phương tiện khi qua đoạn đường này là thường xuyên. Báo chí phản ảnh về thực trạng đoạn đường này rất nhiều; người dân cũng viết đơn tập thể gửi đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn không được giải quyết. Cách đây một tháng, chúng tôi đã quyên góp mỗi nhà 50 ngàn đồng mua 10 xe dãi hạ đổ xuống cho sạch sẽ nhưng chỉ được vài bữa rồi đâu lại vào đấy”.

Đường Thích Tịnh Khiết nối đường Điện Biên Phủ với KQH Cồn Bàn, chùa Tường Vân, KV5 phường Thủy Xuân cũng rất nhiều bất cập. Trong lúc vào bên trong, đoạn qua KQH Cồn Bàn và hệ thống đường trong KQH được xây dựng khang trang, rộng rãi thì đoạn đầu sát với đường Điện Biên Phủ dài chỉ chừng 200m thì rất nhỏ hẹp và nhếch nhác, ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân do còn hơn 10 lăng mộ chưa được cất bốc, cùng với 6 phần trước của 6 ngôi nhà chưa được giải tỏa. Theo ghi nhận của chúng tôi, việc giải tỏa một phần 6 ngôi nhà này không phức tạp, vì không phải bố trí tái định cư, bởi đất của các hộ này còn dài sâu vào bên trong. Nếu lùi lại để có mặt tiền khang trang thì người dân sẽ rất phấn khởi, ủng hộ. Từ đường Bùi Thị Xuân dẫn vào KQH Bàu Vá ở phường Đúc cũng trong tình trạng “đầu chuột... đuôi voi”. Trước đàn Nam Giao, có một tam giác rộng chừng 300m2, được tạo bởi 3 cạnh giữa đường Phan Bội Châu, Tam Thai và Ngự Bình, nổi lên như một cù lao giữa đô thị. Đã từ lâu, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giải tỏa những công trình kiến trúc, cây cối hỗn tạp ở cù lao này để xây dựng đây thành công viên xanh, sạch, đẹp nhằm đảm bảo tầm nhìn giao thông, tạo mỹ quan cho đô thị; tăng cường vẻ đẹp cho di tích đàn Nam Giao... nhưng đến nay, cù lao này vẫn “án binh bất động”. Đường Tam Thai, Thiên Thai và đường Nguyễn Khoa Chiêm nối trung tâm thành phố Huế với đường Thủy Dương - Tự Đức; các danh lam thắng cảnh phía tây nam thành phố cũng đang xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Bá Bình, Giám đốc Ban Đầu tư Xây dựng giao thông Sở GTVT nói: Hiện nay, một số tuyến đường xuống cấp, chật hẹp trong đô thị đã được đưa vào kế hoạch để nâng cấp, sửa chữa. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên phải làm từng bước...

Thời gian qua, đặc biệt trong năm đô thị này, nhiều dự án giao thông được triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố Huế, tạo cho Huế một diện mạo mới. Hiện tại, một số dự án lớn, như: Mở rộng, nâng cấp đường Đống Đa, đường Điện Biên Phủ, đường 12B và một số tuyến khác đang được triển khai xây dựng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần có sự rà soát, ưu tiên thi công những dự án có tính cấp thiết, để đảm bảo lưu thông và góp phần tạo mỹ quan đô thị.

Đặng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Mặt bằng thi công Dự án (DA) đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chưa giải phóng hoàn toàn, mới chỉ đủ để triển khai phần cầu. Chủ đầu tư yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nhằm đáp ứng tiến độ thi công DA.

Tháo gỡ mặt bằng đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top