ClockThứ Năm, 10/05/2018 15:03

Những ngôi nhà “hòa hợp”

TTH - Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều địa phương ở miền Nam trong đó có Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã xuất hiện những ngôi nhà đặc biệt. Đó là nhà “Hòa hợp”- một hình thức đấu tranh chính trị, binh vận của chính quyền cách mạng.

Đi qua hai cuộc chiến“Tiếng hát át tiếng bom”

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris (hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam) được ký kết. Trước và sau thời điểm đó, quân đội chính quyền Sài Gòn tăng cường đánh chiếm vùng giải phóng, “lấn đất, cắm cờ” và quân ta đã phản công. Hai bên hình thành nên những vùng kiểm soát hình “da báo” với mốc giới tuyến là những lá cờ của mỗi bên. Dọc theo tuyến giáp ranh ấy là những điểm đóng quân, “những chốt” của lực lượng vũ trang mỗi bên. Bên ta là bộ đội, du kích; bên đối phương là binh lính chính quyền Sài Gòn.

Ngoài các “chốt” trên những tuyến giáp ranh ấy còn xuất hiện những ngôi nhà do bên ta dựng lên trên ranh giới hai bên. Gọi là nhà, nhưng có khi chỉ là những tấm vải bạt, những tấm tranh lợp lên khung tre gỗ đơn sơ. Lúc đầu, chiến sĩ ta đến đây để nghỉ ngơi, chuyện trò, trà lá, đánh cờ tướng, chơi bài, cắt tóc cho nhau, hát hò… Những người lính Sài Gòn sau một thời gian nghi ngại, thăm dò, dần dần cũng ghé sang ngôi nhà đặc biệt này sau những phiên gác, phiên trực mệt mỏi, căng thẳng. Rồi họ cũng trò chuyện, uống nước, hút thuốc với chiến sĩ ta. Chiến sĩ ta mời thuốc lá Điện Biên, trà Thái Nguyên, họ mời lại thuốc lá Salem, Rubi… Tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc từ đây cũng được nhen nhóm trong lòng nhiều người lính đối phương.

Vì vậy, những ngôi nhà như vậy gọi là nhà “Hòa hợp”. Một số nhà “Hòa hợp” còn có sân bóng chuyền, có loa, âm-li để tổ chức những hoạt động thể thao, văn nghệ. Có khi những trạm truyền thanh lưu động hoạt động gần nhà “Hòa hợp” truyền đi những bản tin, chương trình ca nhạc… càng làm cho không khí vùng giáp ranh bớt căng thẳng. Trong những lúc như vậy, những nữ cán bộ làm công tác binh vận của ta tiếp cận được binh sĩ đối phương để làm nhiệm vụ của mình. Những tiết mục “cây nhà lá vườn” cũng đã thu hút được khán giả cả hai phía. Một giọng hò cất lên:

Chung một quê hương mà đêm thương ngày nhớ

Chung lũy tre làng mà duyên nợ xa nhau.

Mỹ vào gây cảnh thương đau

Khiến chim khôn bỏ tổ, lựu với đào xa nhau…

Công tác binh vận có khi không đạt được kết quả. Nhiều lần tiếp xúc, một số đối tượng luôn tỏ vẻ hằn học, căm tức đối với cách mạng. Chị Liên, một cán bộ binh vận từng về báo lại với cấp trên: “Thật phí của mời mấy thằng cứng đầu cứng cổ thuốc lá Điện Biên!”.

Tuy nhiên, qua nhiều lần ghé sang nhà “Hòa hợp”, phần đông binh lính Sài Gòn bớt hung hăng, tìm thấy được chính nghĩa. Họ cùng với chiến sĩ ta chuyện trò, cùng chơi thể thao, cùng quây quần bên bàn cờ, ấm nước; khen “mấy o bộ đội hát hay”. Sắc phục quần áo rằn ri của người lính đối phương xen với quân phục màu xanh của quân giải phóng. Ở nhà “Hòa hợp” không hiếm bắt gặp những người lính hai bên bá cổ, bá vai nhau cùng xem ảnh gia đình, hút chung điếu thuốc, vui vẻ nhận nhau đồng hương, có khi nhận ra nhau là họ hàng… Rồi từ đó, những đề tài như quê hương bị giặc ngoại xâm, Hiệp định Paris được ký kết… đã đến với “người lính bên kia” một cách tự nhiên. Những ngày xuân, tết, lễ, các bà, các chị ở các thôn xóm trong vùng giải phóng đưa theo con cháu đến thăm nhà “Hòa hợp”. Những hình ảnh đó góp phần làm cho anh em binh sĩ Sài Gòn thêm nhớ quê hương, mong muốn hòa bình. Không khí ở nhà “Hòa hợp” thêm đầm ấm tình quê hương, nghĩa đồng bào.

Nhà “Hòa hợp” tồn tại từ mùa xuân 1973 đến mùa xuân 1975, trải qua ba cái Tết Nguyên đán đã góp phần cảm hóa, thức tỉnh nhiều binh lính Sài Gòn. Từ thái độ hằn thù ban đầu, dần dần họ đã cảm tình với cách mạng. Trong khoảng thời gian đó, ở hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã có hàng trăm binh lính đối phương bỏ “chốt”, vào vùng giải phóng. Vùng giải phóng mở rộng dần thì nhà “Hòa hợp” lại mọc lên ở tuyến giáp ranh khác để làm nhiệm vụ của mình. Cứ thế, từ mùa xuân 1973 đến mùa xuân 1975, đã có rất nhiều nhà “Hòa hợp” được xây dựng. Khi cuộc tấn công và nổi dậy xuân 1975 nổ ra, rất nhiều binh lính Sài Gòn ở tuyến giáp ranh đã không chống lại cách mạng, bỏ ngũ đầu hàng.

Đại thắng mùa xuân 1975 cũng là lúc nhà “Hòa hợp” kết thúc nhiệm vụ của mình. Những ngôi nhà đặc biệt ấy thể hiện sức mạnh của chính nghĩa, của tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc; một hình thức đấu tranh chính trị sáng tạo, độc đáo của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Minh Khiêm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tranh bích họa làm đẹp trường học

Ngày 24/3, Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Đoàn Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế và Đoàn xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) tổ chức chương trình vẽ tranh bích họa tại các điểm trường trên địa bàn xã Phong Xuân.

Tranh bích họa làm đẹp trường học

TIN MỚI

Return to top