ClockThứ Hai, 01/05/2017 05:51

Những người đào địa đạo trên dãy An Hô

TTH - Biết bao buồn, vui khi kể về những ngày tháng gian khổ cưa gỗ, đào đá xây dựng địa đạo trên dãy An Hô (thuộc xã Hương Nguyên, huyện A Lưới). Kể lại chuyện này, tôi muốn bắt đầu bằng những niềm vui... Đó là khi một lỗ thủng đã nối liền hai hướng của đường hầm. Chiến sĩ hai bên gặp nhau, niềm vui vỡ oà trong lòng núi...

Một cửa của địa đạo

Khi mà những kỷ niệm lớn dần lên, những người lính chúng tôi mới dẹp sang một bên bao vất vả khó khăn đời thường để tìm về nơi chúng tôi đã từng chiến đấu những năm đánh Mỹ. Một vài người đi tiền trạm đã tìm đến khu vực Tà Lương (huyện A Lưới) với hy vọng từ đây sẽ tìm thấy dãy An Hô, dãy núi đơn vị đã giành lại từ địch và chốt giữ từ tháng 4/1973 đến tháng 3/1974.

Năm 2010, chúng tôi lại tổ chức một chuyến đi như thế nhưng với quy mô lớn hơn, đông người hơn. Chúng tôi cũng đã đến bãi biển Phú Hải (huyện Phú Vang), nơi chúng tôi chiến đấu trận cuối cùng giải phóng Thừa Thiên Huế ngày 24 và 25/3/1975, nơi có những đồng đội của mình đã hy sinh ngay trước ngày toàn thắng, nằm lại mãi mãi trên bãi biển này.

Tìm về An Hô, lần này thì chúng tôi gặp may. Một người dân ở đây cho hay, ở một ngọn núi giáp sông Bồ có căn hầm lớn lắm. Chúng tôi nghĩ ngay đến căn địa đạo C17 công binh trực thuộc Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 cùng với chúng tôi, Tiểu đoàn 1 bộ binh đào ngày ấy. Chúng tôi hăm hở dưới sự dẫn đường của 2 công an viên xã Hương Nguyên hành quân lên An Hô. Khi đến một đỉnh núi, vài anh em nhận ngay ra đó là mỏm 8 và căn hầm của mình. Chúng tôi vô cùng sung sướng khi gặp lại “căn nhà” của mình sau mấy chục năm. Vẫn còn nguyên đó hàng trăm mét giao thông hào, những ụ súng, những căn hầm. Kỷ niệm ùa về khiến chúng tôi rưng rưng, cảm giác thật khó tả, không biết mình đang là một cựu binh về đây hay cậu lính trẻ mười chín đôi mươi của ngày ấy nữa.

Tìm về mỏm 1, nơi có căn địa đạo chúng tôi đã đào.

Đứng trước cửa căn địa đạo đã bị sụt lún nhiều, kỷ niệm của những ngày tháng gian khổ, vất vả, vác gỗ, nổ mìn lại hiện về, cựu chiến binh Trần Văn Hùng, nguyên Tiểu đội trưởng C2 kể: “Tháng 8/1973, đã bước sang tháng thứ hai mùa mưa ở rừng Thừa Thiên. Mưa suốt ngày đêm không ngớt. Tôi cùng anh em trong Đại đội 2 vẫn đi cưa gỗ chống địa đạo do C17 của trung đoàn đào tại sườn phía Tây mỏm 1 dãy An Hô. Định mức mỗi người một ngày phải nộp 10 khúc gỗ dài 2,2 mét với đường kính từ 10-15cm. Chúng tôi phải đi rất xa mới cưa được gỗ, dưới trời mưa, đường trơn trượt. Tìm cây đã khó, khi cắt được cây, cưa khúc đạt tiêu chuẩn và vác được về địa đạo cũng vô cùng vất vả. Ngày nào cũng thế, quần áo liên tục bị ướt, vai ai cũng trầy sưng đau nhức...”.

Sau chuyến về lại xã Hương Nguyên, tháng 3/2017 vừa qua, chúng tôi chia nhau đi tìm tài liệu liên quan đến căn địa đạo, giúp địa phương làm hồ sơ trình Huyện uỷ A Lưới để địa đạo này sớm được công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Chúng tôi may mắn gặp được chính tác giả của căn địa đạo này - anh Nguyễn Lễ, kỹ sư mỏ địa chất, nguyên trung đội phó C17 công binh cùng Trung đoàn 1 với chúng tôi. Anh Lễ kể: Thấm thoắt đã 42 năm từ ngày giải phóng Thừa Thiên Huế cũng như giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tôi không quên những năm gian khổ và ác liệt ấy. Hồi đó năm 1972, theo tinh thần chỉ đạo của cấp trên, C17 công binh trực thuộc Trung đoàn 1 nhận nhiệm vụ tạo dựng cơ sở vật chất cho chiến dịch, trong đó có việc xây dựng một địa đạo tại khu vực phòng tuyến An Hô.

Ngày 3/4/1973, C2 bộ binh cùng với C4 hoả lực của Trung đoàn nổ súng chiếm lại mỏm 1 An Hô và giải phóng toàn bộ 8 mỏm của dãy núi này sau gần 2 tuần giằng co với địch từng mét hào, từng căn hầm. Trong khi C2 triển khai củng cố công sự, chốt giữ thì chúng tôi bắt đầu khảo sát thực địa, lúc đó khoảng tháng 4/1973. Đến tháng 6/1973, khi đã hội đủ các yếu tố về địa hình, địa vật, cấu tạo địa chất cộng với các yếu tố về thời tiết trong khu vực, chúng tôi bắt tay vào thi công.

Địa đạo được đào từ hai cửa, theo hình chữ U và sẽ gặp nhau trong lòng núi. Do khối lượng công việc rất lớn, nếu chỉ mỗi C17 sẽ không thể hoàn thành được nên Trung đoàn đã cho các đơn vị của K1 và K2 bộ binh phối thuộc với chúng tôi. Bộ phận thì đào, bộ phận thì vào rừng lấy gỗ chống. C17 giữ vai trò chỉ huy công việc, đục lỗ nổ mìn và thường xuyên đo vẽ từng mét một để đào sao cho đúng kích thước, đúng hướng như trong thiết kế. Chúng tôi luôn quán triệt với các lực lượng tham gia là phải vừa đảm bảo đầy đủ phương tiện, dụng cụ tại chỗ, vừa phải đảm bảo bí mật, không để địch phát hiện. Bộ phận rèn của đại đội phải đảm bảo đủ các loại đinh đỉa chữ U cho việc chống hầm, tránh đất đá rơi để đảm bảo an toàn cho chiến sĩ.

Tôi còn nhớ những câu chuyện rất cảm động trong quá trình thi công, đó là khi 2 hướng đường hầm gặp nhau trong lòng núi. Rất khó khăn bởi trang thiết bị thi công thiếu thốn, nhất là các thiết bị kỹ thuật. Tôi chỉ lo anh thì đào đi lên, anh thì đi xuống sẽ không gặp được nhau thì uổng công chiến sĩ. Rất may là đến giai đoạn cuối, đo đạc ở bản đồ và trên thực địa khá khớp nhau. Vui biết bao khi bên này đã nghe thấy tiếng búa chòong, cuốc xẻng từ hướng bên kia. Cuối cùng thì một lỗ thủng đã nối liền hai hướng của đường hầm, chiến sĩ hai bên gặp nhau, niềm vui vỡ oà trong lòng núi. Chúng tôi ôm lấy nhau như lâu ngày được gặp, mặt mũi anh nào cũng lấm lem nhưng rạng ngời, áo quần còn ướt đẫm mồ hôi, “thơm” mùi đồng đội sau một ca làm việc.

Cũng phải đến đầu năm 1974, địa đạo được hoàn thành và đã đón những tấn vũ khí đầu tiên, những tấn gạo và nhu yếu phẩm vào đây để phục vụ chiến đấu, đời sống chiến sĩ của trung đoàn. Được tin chúng tôi vừa hoàn thành một địa đạo trên An Hô, sư đoàn cũng như quân khu cùng các anh Ngô Văn Thu, Trần Quang Sách trong phòng công binh đã xuống thị sát và vô cùng phấn khởi trước thành công này. Địa đạo có chiều rộng 2m, chiều cao 2m và chiều dài gần 100m hình chữ U, 2 cửa. Địa đạo này đã giúp cho bộ chỉ huy của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 trú quân để chỉ huy các trận đánh và các chiến dịch. Đồng thời dự trữ vũ khí đạn dược, lương thực, quân nhu cho phòng tuyến An Hô, góp phần giữ vững vùng giải phóng, tạo đà cho chiến dịch giải phóng TP. Huế và chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân 1975...

Chúng tôi - những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống nơi đây để có cho con cháu một di tích An Hô, căn địa đạo bề thế trên dãy núi này như chứng tích của một thời hào hùng những năm đánh Mỹ. Rất mong trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng và hệ thống các địa đạo trong bản đồ du lịch của Thừa Thiên Huế có tên của địa đạo An Hô.

Ngụy Hoàng Sơn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tu bổ, tôn tạo địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế

Sau gần 2 năm thi công, công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế (hay còn gọi là địa đạo Khe Trái ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) gần hoàn thành. Sau khi tôn tạo, nơi đây sẽ thành địa điểm tham quan giáo dục về nguồn kết hợp du lịch sinh thái.

Tu bổ, tôn tạo địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế
Chuyện địch vận ở đồi Mắt Cáo

Tổ địch vận có 4 người, gồm tôi (Ngụy Hoàng Sơn), Trần Văn Khiêm, Nguyễn Tấn Liên và Đinh Gia Vượng. Còn Mắt Cáo là quả đồi nằm đối diện dãy An Hô, nơi có di tích lịch sử Địa đạo An Hô thuộc xã Hương Nguyên, huyện A Lưới ngày nay.

Chuyện địch vận ở đồi Mắt Cáo
Return to top