ClockThứ Tư, 21/02/2018 16:08

Những người giữ đảo

TTH - Những người lính ở đảo Nam Du (tỉnh Kiên Giang) coi đảo là nhà và người dân như ruột thịt. Cũng với tình cảm đó, người dân một lòng tin tưởng, yêu mến, “chạy lên chạy xuống” trạm, lúc tặng con cá tươi mới bắt được ngoài biển, khi cùng ăn bữa cơm trong không khí gia đình.

Tết sớm nơi đảo xa

Thắm tình quân dân

Chúng tôi may mắn khi có mặt trên tàu 632 thuộc Hải đội 511, Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân để cùng với đoàn công tác gồm 100 cán bộ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ, phóng viên các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên toàn quốc, do Đại tá Nguyễn Đăng Tiến, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân làm trưởng đoàn đến với chiến sĩ và Nhân dân trên tuyến đảo Tây Nam, cập đảo Nam Du.

Đảo là nhà

Những người dân làm nghề chạy xe máy thồ đã có mặt ở khu vực cầu cảng cười tươi: “Các anh hải quân trên trạm (tức Trạm radar 600 thuộc Tiểu đoàn 511 Vùng 5 Hải quân) dặn chúng tôi chờ để đón khách quý”. Theo lời mời của “bác tài” lớn tuổi, chúng tôi mỗi người lên một “con ngựa sắt”, đội mũ bảo hiểm cẩn thận, ôm tài xế thật chặt để chuẩn bị vượt dốc. Con dốc vừa dài, vừa đứng rất nguy hiểm nên chỉ có dân địa phương mới có thể “chuyên trị”. Bác tài già cười bảo, hôm nay chở khách quý của trạm nên chẳng ai lấy tiền.

Đại úy Phong, Trưởng trạm radar 600 trên đảo Nam Du đón đoàn công tác từ đất liền

Dân trên đảo coi trạm như nhà mình, những người lính đảo là người thân. Đại úy Đinh Văn Phong, Trưởng trạm thì bộc bạch, từng người dân, từng lối đi, con đường, bãi biển thân thuộc nơi đây chính là động lực để các anh càng vững lòng, vững tay súng ở lại giữ đảo.

Cách đây 10 năm, vào năm 2007, Đại úy Phong từ Phú Quốc ra đảo Nam Du nhận nhiệm vụ. Lúc đó, đảo còn hoang sơ, chưa có con đường nhựa chạy xung quanh như bây giờ. Chỉ có đường đất độc đạo, đi lại rất khó khăn, bất tiện. Cuộc sống nhiều thiếu thốn. Thiếu gì, cần gì, dân thường chạy lên trạm, nhờ bộ đội hải quân, bởi bà con hiểu lúc nào các anh cũng sẵn sàng hết lòng giúp đỡ.

Đã 4 năm trôi qua, nhưng Đại úy Phong và đồng đội vẫn nhớ như in lần “chạy ngược chạy xuôi” để giành giật sự sống cho một đứa trẻ. Cô bé 9 tuổi đang học lớp 4, chập tối bỗng dưng bị ngất xỉu. Bé tỉnh lại sau khi được đưa đến trạm y tế của đảo cấp cứu. Nhưng không may, khi về nhà bệnh nhân lại lịm dần. Bố mẹ của em khóc lóc, hoảng loạn. Y sĩ quân y của Trạm radar được huy động để ứng cứu. Anh Phong gọi điện cho tất cả tàu bè, nhưng biển động, sóng to gió lớn quá, tàu không đi được. Chạy ngược chạy xuôi đến 2 rưỡi sáng thì các anh thuê được ghe của dân, chuyển cháu bé vào đất liền. Y sĩ quân y của trạm và một số cô giáo được cử đi theo ghe. Thế nhưng, vừa bước chân lên ghe, các cô giáo đã say, nôn mật xanh mật vàng. Lập tức anh Phong và các đồng đội phải đích thân đi cùng, 3 giờ sáng bắt đầu rời đảo Nam Du.

Sóng to gió lớn nên đến 10 giờ ngày hôm sau, chiếc ghe mới đến được Rạch Giá. Bệnh nhân được chuyển ngay đến Bệnh viện Kiên Giang và sau đó là TP. Hồ Chí Minh, được cứu chữa, trở lại bình phục. Một lần khác, bà cụ lớn tuổi bị tai biến. Y sĩ quân y của trạm liền theo ghe vượt biển vào đất liền, chăm sóc bệnh nhân trên đường đi. Nhưng thật đáng tiếc, ghe chạy được 17 hải lý, chừng 1/3 quãng đường thì bà cụ qua đời. Các anh lại chung tay lo hậu sự cho người đã khuất.

Kề vai giữ đảo

Sự sống của cháu bé 9 tuổi được hồi sinh là hạnh phúc không chỉ riêng với gia đình em, mà còn là niềm vui không đong đếm của bộ đội hải quân đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo.

Mỗi năm, đến dịp tết nguyên đán, bà con tập trung trước khoảng sân rộng của trạm, cùng bộ đội gói bánh chưng, bánh tét, cùng quây quần, rôm rả bên bếp lửa hồng. “Nhiệm vụ của chúng tôi là giữ biển, giữ đảo, giữ bình yên cho những vùng đất xa xôi của Tổ quốc. Dù rất nhiều khó khăn nhưng thiêng liêng và vinh dự. Không biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội của chúng tôi đã cống hiến tuổi thanh xuân cho những đảo ngọc ngày càng xinh đẹp, trù phú, là mảnh đất lành cho người dân tìm đến, ở lại gắn bó. Cuộc sống nơi đây ngày càng phát triển” - Đại úy Tôn Văn Tuấn, người đã 25 năm gắn bó với Nam Du chia sẻ. Cũng như Đại úy Tuấn, Đại úy Hoài, Đại úy Ba và nhiều người lính khác đã gắn bó với Trạm radar 600, với đảo 24-25 năm, từ khi những lối đi từ ấp này đến ấp khác còn lầy lội. Lính đảo và người dân đã cùng nhau đổ bê tông, làm đường nhỏ để có thể chạy được xe máy..., cùng nhau chia sẻ mọi điều và cùng lắng nghe tiếng thở của sóng để biết biển buồn, vui…

Bây giờ, Nam Du có hơn 4 nghìn hộ dân với hơn 10 nghìn nhân khẩu. Mỗi chuyến ra khơi và trở về của ngư dân đều chở theo sự bình yên, sinh sôi của cuộc sống. “Họ chính là những người giữ đảo, kề vai cùng lực lượng hải quân giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”- mắt Đại úy Phong ánh lên cảm xúc tự hào và ấm áp.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử

Chủ quyền biển đảo là một bộ phận của chủ quyền lãnh thổ gắn với chủ quyền dân tộc và lợi ích quốc gia nên được các chính quyền, trong đó có chính quyền thời quân chủ Việt Nam rất quan tâm. Cuốn sách “Chủ quyền biển đảo của Nhà nước quân chủ Việt Nam trong lịch sử (từ chúa Nguyễn thế kỷ XVI đến năm 1945)” của PGS.TS. Đỗ Bang là công trình đáp ứng yêu cầu đó.

Chủ quyền biển đảo Việt Nam trong lịch sử
Hành trình “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với biển, đảo quê hương”

Ngày 8 và 9/9, tại Đà Nẵng, Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân tổ chức hành trình “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với biển, đảo quê hương” năm 2023. Tham dự chương trình có Đại tá Lưu Thanh Chương, Phó Chủ nhiệm chính trị Vùng 3 Hải quân và ông Nguyễn Thanh Hoài, Bí thư Tỉnh đoàn.

Hành trình “Tuổi trẻ Thừa Thiên Huế với biển, đảo quê hương”
Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo

Chiều 29/6, Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp UBND thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) tổ chức tuyên truyền hoạt động khai thác thủy sản đúng vùng được cấp phép; phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo
Return to top