ClockThứ Sáu, 17/11/2017 16:10

Những người thầy trên sân tập

TTH - Ở các đội tuyển thể thao, huấn luyện viên (HLV) không chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện, mà còn “sắm vai” phụ huynh cho các học trò.

Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh Lê Văn Lộc trực tiếp sửa từng kỹ thuật cho học trò

Huấn luyện viên “kiêm” phụ huynh

Đến Trường trung cấp Thể dục Thể thao tỉnh một ngày sau khi nước lũ rút (đợt lũ đầu tháng 11), chuyện chúng tôi nghe nhiều nhất là sự chăm lo của cán bộ, HLV cho học trò. HLV Đặng Nhĩ Hà, Trưởng bộ môn Cầu lông tỉnh kể, lũ lên nhanh khiến các tuyến đường ngập nặng, nhân viên cấp dưỡng không thể đến trường. Để đảm bảo bữa ăn cho vận động viên (VĐV) ở nội trú, các cán bộ, HLV đã trực tiếp đi chợ và vào bếp nấu cho VĐV. “Cũng có những đồ ăn sẵn như mì tôm hay đồ hộp nhưng vì thương và muốn VĐV ăn uống đủ chất, nên các cán bộ, HLV mới tính chuyện cùng nhau vào bếp”, anh Hà nói.

Ngoài lo bữa ăn cho VĐV, các HLV cũng thay phiên nhau trực để đảm bảo an toàn cho VĐV. Anh Hà kể, nước lũ lên vào thời điểm cuối tuần nên nhiều VĐV đã về nhà, khu nội trú chỉ có 6 VĐV, trong khi lịch trực của nhà trường linh hoạt, song hầu hết HLV các bộ môn đều sắp xếp chuyện nhà để có mặt. Ban ngày, các HLV đến để giữ không cho VĐV lội lũ nhằm đảm bảo sức khỏe, đêm thì kiểm tra tình hình ngủ nghỉ của VĐV. Ngoài việc chăm lo cho các VĐV ở trường, các HLV còn nhiều lần điện thoại về gia đình các VĐV khác để nắm tình hình học trò của mình.

Chuyện vừa kể chỉ là một trong rất nhiều “thước phim” về tình cảm của người thầy dành cho học trò. Anh Lê Văn Lộc, Trưởng bộ môn Karatedo tỉnh kể, đa phần nguồn tuyển VĐV ở nhiều bộ môn từ các vùng nông thôn, xa trung tâm thành phố nên khi cho con theo nghiệp thể thao, phụ huynh cũng nhắn gửi người thầy thay họ chăm lo cho con.

Điểm chung của các VĐV vào tuyển năng khiếu thường trong độ tuổi rất nhỏ (hơn 10 tuổi), đây là giai đoạn các em còn học văn hóa ở trường và thường xảy ra đau ốm nên trách nhiệm của các HLV khá lớn. Với những VĐV có nhà xa, ở nội trú thì bộ môn phân công các HLV họp phụ huynh và theo dõi tình hình học văn hóa ở trường cho các em, giải quyết những vấn đề phát sinh (trong khả năng có thể) để cha mẹ các em khỏi bận lòng; trường hợp VĐV đau ốm, các HLV cũng thay phụ huynh ở bệnh viện trực và chăm sóc. “Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là chăm một VĐV bị sốt rất nặng, nằm viện. Cơn sốt kéo dài từ ngày đến đêm nên tôi và các HLV trong ban huấn luyện quên cả ăn để túc trực bên cạnh em, mọi việc ở nhà đều phải điện thoại nhờ người thân làm giúp”, HLV Lê Văn Lộc kể.

Ông Lê Minh Kiệm, bố của VĐV Lê Minh Thuận (VĐV giành HCV SEA Games 29) thừa nhận, chính các thầy ở bộ môn Karatedo san sẻ giúp ông một phần gánh nặng. “Vợ tôi mất đã 14 năm, nhà lại có đến 7 đứa con. Ngoài Thuận, tôi còn cho Lê Minh Quý (anh trai Thuận) và Lê Thị Hồng Bích (em gái Thuận) theo đội tuyển Karatedo đến 5 – 6 năm. Nhà khó khăn, lại ở xa trung tâm thành phố (Lộc Điền - Phú Lộc) nên con đau ốm hay học hành gì cũng trông cậy vào các thầy”, ông Kiệm nói.

Thành tích của học trò là quà

Hỏi đến món quà mà các học trò tặng thầy dịp 20/11, nhiều HLV trả lời nửa đùa, nửa thật: “Anh muốn hỏi ngoài đời hay facebook (?). Hoa và quà gửi qua messenger thì nhiều, nhưng ngoài đời thì các thầy dặn học trò không bày vẽ”.

Theo HLV Nguyễn Văn Hiền, Trưởng bộ môn Đá cầu, người thầy trên sân tập có quá trình gắn bó với học trò dài hơn trường học văn hóa. VĐV vào tuyển năng khiếu đến khi giã từ nghiệp thể thao kéo dài đến 10 - 15 năm, thậm chí 20 năm. Khoảng thời gian dài giúp thầy và trò hiểu và xem nhau như ruột thịt, vì thế không chỉ riêng đá cầu mà nhiều bộ môn khác đều khuyên học trò đừng đặt nặng chuyện lễ nghi, hình thức dịp 20/11, chỉ đòi hỏi ở học trò sự chăm chỉ, nỗ lực trong tập luyện và thi đấu đạt thành tích.

VĐV Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, đội tuyển vật chia sẻ, tính đến nay em đã có 7 năm đến với bộ môn vật và cũng trải qua 6 mùa hiến chương nhà giáo. Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm, các anh em trong đội tuyển thường gọi điện thoại hoặc nhắn tin chúc mừng thầy. “Có vài lần, cả đội góp chung tiền mua tặng thầy bó hoa hay món quà nhỏ nhưng đều bị la. Năm nào, thầy cũng nhắc đi nhắc lại câu quen thuộc là hãy nỗ lực tập luyện, gặt hái huy chương để tặng thầy. Đó mới là món quà ý nghĩa nhất”, Hạnh nhớ lại.

Nhiều phụ huynh tâm sự, vì gia cảnh khó khăn nên chuyện “lễ nghĩa” dịp 20/11 với các HLV là câu chuyện hiếm, tuy nhiên tình cảm của các HLV với học trò và phụ huynh không vì thế xa cách. “Mỗi lần gặp, họ còn động viên ngược chúng tôi cố gắng và hãy an tâm giao con cho họ, vì mỗi VĐV là một món quà mà họ nhận được”, ông Kiệm nói.

Chia sẻ cảm xúc trước ngày 20/11, nhiều HLV bày tỏ, người thầy nào cũng muốn học trò nhớ về mình nhân ngày lễ của người đứng lớp, song sự thể hiện tình cảm có nhiều cách. Năm 2017 là mùa giải mà nhiều VĐV của Thừa Thiên Huế đã làm tròn vai, đem về nhiều huy chương ở các giải trong nước và quốc tế. Đó chính là một món quà 20/11 giá trị nhất.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện

Theo dự báo, năm nay, nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm, kéo theo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng đột biến, nguy cơ cháy, nổ đường dây đối với hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện thiếu an toàn trong khu dân cư.

Phòng chống cháy, nổ hệ thống dây dẫn, thiết bị điện trên các cột điện
Mây về trên Thượng thành

Nắng như rây bột vàng. Cái nắng suôn mỏng óng ánh màu tơ loang trên khoảng sân rêu bám. Đứa em Vân không còn làm ruộng nữa từ lúc vắng chồng. Mẹ lẽ ra ở với vợ chồng Vân nơi khu tái định cư ngoài Hương Sơ song đã về nhà gái út. Cây đào gần giếng, lần nào về đây Vân cũng ngắt một vài lá vo rồi ngửi, như thói quen ghiền một mùi hương, một ký ức.

Mây về trên Thượng thành
Return to top