ClockThứ Ba, 19/03/2019 08:53

Những người truyền lửa

Người “truyền lửa”Người truyền lửa cho sinh viênNgười “truyền lửa”

1. Hôm vừa rồi đi học về con gái kể: “Hôm nay con không dám xuống sân!”. Tôi thắc mắc thì con nói: “Hôm nay lớp con chia tay thầy thể dục, thầy về hưu mẹ ạ. Chia tay thầy mà hơn một nửa lớp khóc, bạn H. quậy nhất lớp mà cũng khóc là mẹ biết sao rồi. Con mà xuống thì con cũng khóc theo thôi!”.

Tôi ngạc nhiên quá, thầy dạy thể dục được trò quý mến đến vậy chứng tỏ, thầy phải là người rất dễ mến với học trò. “Thầy thường chơi đá cầu và nhiều trò khác với tụi con. Thầy còn đặt những biệt danh rất ngộ cho các bạn nữa. Trước đây con rất sợ môn thể dục nhưng từ khi được học với thầy, con không sợ thể dục nữa. Tiết thể dục nào cũng rất vui. Lớp con đứa nào cũng quý thầy”, con gái líu lo.

2. Giữa học kỳ một, con gái bảo: “Nghe đám bạn kháo nhau học thầy T. vui lắm. Ước chi lớp con được học thầy T.”. Thầy T. là giáo viên dạy mỹ thuật. Con gái tôi không thích vẽ, giờ lại bảo thích được học với thầy T. thì lạ thật.

Sang đầu học kỳ hai, một sự trùng hợp bất ngờ, trường có sự thay đổi giáo viên mỹ thuật và thầy T. được phân công dạy lớp con gái. Con bé mừng ra mặt, vừa về đến cửa đã khoe: “Học kỳ này thầy T. dạy lớp con rồi, vui quá!”. Những ngày sau đó, con say sưa kể về những giờ học thú vị của thầy trên lớp, rằng thầy không nặng nề điểm số, miễn có làm bài tập thầy đều cho đạt bởi theo thầy, quan trọng là học sinh có ý thức học.

Thầy bảo “học là học cho các em, các em hãy học sao cho thoải mái và thấy thực sự thích thú chứ không phải học vì bị bắt buộc”. “Thầy cũng khuyên tụi con không nên coi thường môn phụ vì môn học nào cũng có lợi ích riêng và đều cần thiết cho cuộc sống. Thích nhất là thầy còn dành thời gian để dạy cả lớp về những kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống như kỹ năng quản lý thời gian để có thể vừa học tốt, vừa có thời gian nghỉ ngơi và vui chơi, kỹ năng lắng nghe người khác, dạy học sinh biết sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng…”. Tôi lắng nghe con nói và thầm cảm ơn thầy giáo vì những bài học vô cùng gần gũi trong cuộc sống đó không phải phụ huynh nào cũng biết và dành thời gian để trang bị cho con mình. Bảo sao tụi nhỏ không càng ngày càng quý mến và mong đến giờ học của thầy!?

3. Năm học này lớp con gái có cô giáo chủ nhiệm mới rất trẻ và năng động. Cô mạnh dạn giao nhiều việc cho ban cán sự và các học sinh trong lớp tùy theo năng lực và thế mạnh của từng người. Nhờ thế mà phong trào của lớp đi lên rõ rệt, sức học của từng học sinh trong lớp cũng tiến bộ hẳn lên.

Con gái kể, mỗi khi thấy cô bước vào là cả lớp lại reo lên rộn ràng. Hôm làm báo tường, cô huy động cả lớp chia ra từng nhóm mỗi người mỗi việc nên bạn nào cũng hào hứng khi thấy mình có thể đóng góp cho việc chung của lớp. Trường phát động giải bơi Yết Kiêu, cô động viên tất cả lớp tham gia, bạn nào không thi trực tiếp thì đi cổ vũ tạo ra bầu không khí trên bờ vô cùng sôi nổi, khích lệ tinh thần của các bạn đang thi ở dưới nước và tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa các học sinh trong lớp. Với các cuộc thi khác như nghi thức đội, thi ngoại khóa tìm hiểu an toàn giao thông, thi hùng biện về ước mơ của em, cô cũng động viên cả lớp tham gia và lên kế hoạch tập luyện rất cụ thể. Thành quả mang về cho những nỗ lực của cô trò là những giải thưởng khá cao, đây là điều mà con gái tôi và các học sinh trong lớp cảm thấy vô cùng tự hào và đầy bất ngờ bởi năm học trước đó, gần như lớp con tôi luôn đứng thấp nhất trong khối trong mọi phong trào của trường.

“Tôi muốn các em hiểu rằng, điều gì mình cũng có thể làm được nếu cố gắng hết sức và đặt ra mục tiêu cụ thể để hướng tới. Và khi làm được một lần, các em sẽ tiếp tục làm tốt trong các lần tiếp theo và cảm thấy tự tin hơn với bản thân mình”, cô giáo chia sẻ trong buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I. “Người ta thường nói cô giáo như mẹ hiền, với con và các bạn trong lớp, cô chủ nhiệm gần gũi giống như một người chị gái vậy”, con gái tâm sự.

Những người thầy, cô giáo nếu có tâm, tràn đầy lòng nhiệt huyết và biết yêu thương học trò, chắc chắn sẽ là những người truyền cảm hứng để khích lệ học sinh tiến xa trên con đường học tập và tương lai phía trước. Và họ sẽ luôn ở trong trái tim những thế hệ học trò. Đó là niềm hạnh phúc giản dị mà ý nghĩa của nghề giáo mà không phải nghề nào cũng có được...

Ngọc Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cậu học trò năm ấy

Xuân ngẩng đầu lên nhìn tôi rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Nhiều lần tôi cố tình nhìn chăm chăm về phía Xuân để cậu ta không còn “cơ hội” đánh lảng sang hướng khác. Vậy mà dường như đoán biết được lúc nào là có ánh mắt của tôi đưa xuống chỗ ngồi của mình, khi thì cậu cúi mặt xuống, khi thì cậu nhìn mông lung ra cửa sổ, nơi có cây khế sai quả của nhà bác cai trường.

Cậu học trò năm ấy
Học trò “săn” giải quốc tế

Dù mới học tiểu học nhưng nhiều cô, cậu học trò nhí đã làm quen với việc tranh tài ở các sân chơi toán quốc tế, trong đó có nhiều em đoạt huy chương vàng (HCV).

Học trò “săn” giải quốc tế
Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên

Sinh năm 1994, tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ nhưng cô giáo Hồ Thị Dói, người đồng bào Pa Cô, giáo viên Trường mầm non Hương Lâm, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, luôn được đồng nghiệp và học sinh hết lòng yêu mến.

Cô giáo nhiệt huyết ở vùng biên
Mơ về bữa ăn bán trú

Cách đây 1 năm, Trưởng phòng Giáo dục A Lưới Hồ Văn Khởi hào hứng cho biết về đề án xây dựng bếp ăn bán trú ở Trường tiểu học Kim Đồng. Mong muốn, quyết tâm là có, song đến nay, ngoài bậc mầm non, toàn huyện A Lưới vẫn chưa có cơ sở nào tổ chức ăn bán trú cho học sinh.

Mơ về bữa ăn bán trú

TIN MỚI

Return to top