ClockThứ Bảy, 15/09/2018 06:15

Những người ươm mầm thầm lặng

TTH - Gần 20 năm qua, hình ảnh ba vị giáo sư Odon Vallet, Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc đã quá quen thuộc với những người làm khuyến học, những cô cậu học sinh, sinh viên Huế được nhận học bổng Vallet vào đầu mùa tựu trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao tiếp Chủ tịch Làng SOS- Pháp và Giáo sư Odon ValletPhó Chủ tịch nước trao Huân chương Hữu nghị cho hai giáo sư gốc Việt

GS. Odon Vallet trao học bổng đến các em học sinh

Với nhiều người, việc di chuyển chặng đường dài từ Pháp về Việt Nam bằng đường hàng không, sau đó đến nhiều tỉnh, thành khác trước khi đến Huế là điều vô cùng gian nan nhưng với ba vị giáo sư đã ngoài lục tuần ấy chẳng nhằm nhò gì. Chỉ cần gặp được những bạn trẻ xuất sắc được chính họ trao học bổng, mọi mệt mỏi gần như tan biến, thay vào đó là nụ cười hạnh phúc.

Học bổng Vallet, được đặt theo dòng họ lâu đời của giáo sư Odon Vallet, công tác tại Đại học Sorbonne, CH Pháp. Thông qua tổ chức khoa học và giáo dục Gặp gỡ Việt Nam do vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc sáng lập, học bổng này đã có mặt chính thức ở Việt Nam nói chung và Huế nói riêng từ năm 2001. Cũng chừng ấy thời gian, cứ đến gần dịp khai trường cuối tháng 8, đầu tháng 9 ba vị giáo sư lại có mặt ở Huế để trao tận tay từng suất học bổng đến với các em học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.

Odon Vallet đỗ tiến sĩ luật học, rồi trở thành giáo sư lịch sử tôn giáo của ĐH Sorbonne - một đại học danh tiếng trên thế giới. Ông cũng là một nhà văn viết tùy bút triết luận nổi tiếng nhưng ít ai biết rằng, ông chịu ảnh hưởng sự giáo dục từ người cha giỏi giang trong việc kinh doanh làm ăn nhưng có tấm lòng bao dung. Ngay từ khi còn nhỏ, ông được dạy phải biết yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ với những hoàn cảnh gian khó vì trong số những người đó có rất nhiều người tài giỏi, thông minh và trái tim nhân hậu. Ngày cha qua đời và để lại một khối tài sản thừa kế rất lớn, cũng là lúc vị giáo sư này nguyện ước dùng toàn bộ số tiền đó (100 triệu euro) gửi ngân hàng lấy tiền lời để giúp đỡ những sinh viên trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn. “Ban đầu tôi giúp đỡ sinh viên nghèo ở Pháp, sau đó tôi trao đến nhiều bạn trẻ khác trên thế giới. Và khi gặp vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc cũng là lúc học bổng này bén duyên với Việt Nam, với Huế mà tôi vô cùng yêu thích”, giáo sư Odon Vallet dáng cao gầy, giọng chậm rãi nhớ lại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung (trái) trao hoa, cảm ơn những đóng góp của GS. Odon Vallet và vợ chồng GS. Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc

Năm nào cũng vậy, dù bận rộn cỡ nào giáo sư Odon Vallet cũng thu xếp để cùng vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc dọc xuôi các tỉnh, thành từ Nam ra Bắc tận tay trao những tấm học bổng có giá trị cả về tài chính và tinh thần cho những học sinh, sinh viên xuất sắc của Việt Nam. Đã nhiều lần chứng kiến lễ trao học bổng giá trị này cho học sinh, sinh viên Huế tại không gian sang trọng Nhà hát Duyệt Thị Đường nằm bên trong Đại Nội Huế mới hiểu hết tình cảm của những con người luôn ươm mầm cho người trẻ một cách thầm lặng. Trước khi bắt đầu buổi lễ trao, cả ba vị giáo sư thường đến tận ghế ngồi các bạn trẻ để tranh thủ hỏi thăm từng hoàn cảnh, câu chuyện rồi tiếp sức năng lượng bằng những lời động viên, sẻ chia khiến buổi lễ lúc nào cũng ấm áp.

Huế chiếm 1/10 học bổng Vallet của cả nước

Trải qua 18 năm, học bổng Vallet đã cấp hơn 32.000 suất học bổng với trị giá khoảng 200 tỷ đồng cho các học sinh, sinh viên trên cả nước. Giá trị học bổng không ngừng tăng lên để đáp ứng giá cả sinh hoạt trong đời sống và học tập cho người nhận. Cụ thể từ 3-4 triệu đồng từ những năm đầu tiên, đã tăng lên 17 triệu đồng cho sinh viên, 10 triệu đồng với học sinh thời điểm hiện tại. Riêng ở Huế, học bổng này chiếm 1/10 trong tổng số giá trị suất trao, số tiền của cả nước.

Một điều đặc biệt thú vị nữa mà hầu hết nhiều bạn trẻ, phụ huynh khi đưa con mình đến nhận học bổng cũng hay đặt câu hỏi, tại sao không phải ở một nơi khác mà chính không gian Duyệt Thị Đường, một nhà hát sang trọng dành cho vua quan triều Nguyễn ngày xưa và được xem, nghe lại tiết mục nghệ thuật vô cùng đặc sắc. Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ rằng, bên cạnh mặt vất chất còn mong muốn các em hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, như một lời giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa vang danh thế giới đến với những vị khách quốc tế được mời đến dự lễ.

Từng nhiều lần được nhận học bổng Vallet vì thành tích xuất sắc, cô tân sinh viên nghèo quê Phú Lộc nhưng có thành tích xuất sắc khi vừa trúng tuyến vào ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược – ĐH Huế Võ Thị Diệu Trinh không khỏi xúc động mỗi khi được học bổng gọi tên. Trinh kể chính nhờ học bổng Vallet mà những ngày theo học ở Trường THPT An Lương Đông em đỡ chật vật vì hoàn cảnh thiếu thốn, mẹ bỏ đi khi vừa lòng lọt. Và cũng như Trinh, nhiều thế hệ trước, bây giờ và phía sau vẫn đang được học bổng Vallet tiếp sức trên hành trình chinh phục tri thức.

Những người nhận học bổng dù không nói ra nhưng tự sâu trong thâm tâm ai cũng thầm cảm ơn các “vị tiên” Odon Vallet, Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc. Ấy vậy mà, giáo sư Odon Vallet lúc nào cũng từ tốn, và căn dặn các bạn trẻ rằng: “Đừng cảm ơn tôi. Hãy cảm ơn ba mẹ - người đã sinh ra các bạn. Cảm ơn thầy cô - những người đã mang đến cho các bạn tri thức”.

Từ biệt Huế, ba vị giáo sự hẹn được gặp lại những mùa học bổng năm sau. Dẫu mái tóc đã bạc màu , đôi chân chậm lại vì tuổi tác nhưng trong đôi mắt họ luôn có niềm tin về thế hệ trẻ của Huế - những người được nhận học bổng sẽ bay cao, bay xa... để rồi quay trở về để đóng góp cho quê hương.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GS Trần Thanh Vân: “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”

“Điều tôi mong mỏi nhất ở Việt Nam chính là tất cả hệ thống đặt niềm tin, động lực phát triển vào con người, vào nhân lực. Nhưng quan trọng là phải làm sao cho nhân lực của mình đủ sống chứ không phải lay lắt, chật vật chạy thêm nghề phụ”, GS Trần Thanh Vân trăn trở.

GS Trần Thanh Vân “Muốn có nhân lực tốt, nhân lực phải đủ sống”
Trở về để yêu thương

Khi internet bùng nổ, người ta không nghĩ nhiều đến chuyện mua thiệp giáng sinh viết lời chúc mừng như trước đây nữa. Vì thế, nguồn quỹ hỗ trợ cho trẻ em ít lại song không vì thế mà hoạt động này ngừng trệ. Bà Lê Kim Ngọc, người sáng lập ra Hội AEVN cho biết: “Bán thiệp giáng sinh không thu được nhiều tiền nhưng các thành viên trong hội vẫn in thiệp đến các nhà thờ đứng bán, để mọi người biết rằng, hoạt động thiện nguyện dành cho trẻ em mồ côi ở Việt Nam vẫn đang tiếp diễn”.

Trở về để yêu thương
Return to top