Thể thao trong nước

Những nữ “anh hào” của thể thao Cố đô

ClockThứ Năm, 10/03/2016 09:52
TTH - Trong bảng vàng thành tích của thể thao Thừa Thiên Huế suốt hơn hai thập kỷ qua thì những VĐV nữ chiếm ưu thế hoàn toàn…

Trong khi phái mạnh chỉ một mình kỳ thủ Nguyễn Thanh Sơn đạt HCV châu Á thì ở phái đẹp, có thể kể ra một danh sách dài những VĐV từng đoạt HCV ở đấu trường Đông Nam Á, châu Á là: Nguyễn Thị Thuận Hóa, Hà Kiều Trang, Đỗ Thị Bông, Hoàng Thị Như Ý, Hoàng Xuân Thanh Khiết, Võ Thị Kim Phụng…

Người mở đầu cho thành tích ấn tượng của thể thao xứ Huế trên đấu trường quốc tế chính là kỳ thủ Nguyễn Thị Thuận Hóa khi xuất sắc giành chức vô địch quốc gia những năm 90 thế kỷ trước và sau đó là chiếc HCV cờ vua sinh viên các nước ASEAN. Thành tích của Thuận Hóa chính là cột mốc quan trọng để Huế khẳng định được thế mạnh của mình ở môn thể thao trí tuệ này.

Sau Nguyễn Thị Thuận Hóa, lần lượt các kỳ thủ đàn em và học trò, như Bảo Trâm, Thanh Khiết, Kim Phụng, Như Ý bay cao, bay xa tại các giải cờ vua Đông Nam Á, châu Á và thế giới. Điều đáng nói, tuy không được đầu tư mạnh như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng, nhưng có một thời, đội tuyển cờ vua nữ Thừa Thiên Huế luôn giành thứ hạng cao ở các giải đấu quốc gia và luôn góp mặt vào thành phần của đội tuyển quốc gia.

Những năm cuối thập kỷ 90 và đầu những năm 2000, cái tên Hà Kiều Trang là niềm tự hào của Karatedo Huế nói riêng và thể thao Huế nói chung. Với lối đánh phản công nhanh đầy tự tin, Hà Kiều Trang “độc cô cầu bại” ở hạng cân 60 kg của Việt Nam và cả đấu trường SEA Games mấy năm liền. Cô đã giành 1 HCV hạng cân 60 kg tại SEA Games 20, 1 HCV đồng đội Kumite tại SEA Games 21; đặc biệt tại SEA Games 22, giải đấu quốc tế cuối cùng trong sự nghiệp của mình, Hà Kiều Trang đã ghi danh vào lịch sử Karatedo Việt Nam khi giành 1 HCV Kumite đồng đội và 1 HCV cá nhân hạng 60kg…

Sinh ra và lớn lên tại quê lúa Phú Vang, cô bé Đỗ Thị Bông được mệnh danh là “nữ hoàng chân đất” đã vụt sáng tại SEA Games 22 khi giành 2 chiếc HCV ở cự ly trung bình và dài (800m, 1.500m); còn tại SEA Games 23 tổ chức tại Philippines, Bông phá kỷ lục ở cự ly 800m và giành tiếp một chiếc HCV. Đặc biệt, tại giải VĐV xuất sắc châu Á tổ chức ở Singapore, Đỗ Thị Bông đã giành được HCĐ… Và, hình ảnh cô gái Huế nén đau, dốc sức trên đường chạy rồi đổ gục trên đường pist sau khi nỗ lực hết sức để giành huy chương tại SEA Games ngày nào vẫn còn in đậm trong lòng người hâm mộ.

Thêm một gương mặt của thể thao Huế tạo ấn tượng tại đấu trường khu vực nữa chính là VĐV Trần Thị Thuận – đại diện duy nhất của bơi lội Thừa Thiên Huế tham gia tranh tài tại SEA Games 22. Cũng trong sự nghiệp của mình, với một số thành tích tiêu biểu như: 1 HCB giải Vô địch trẻ châu Á, phá kỷ lục quốc gia; 1 HCV, 2 HCĐ giải vô địch quốc gia 2005, có thể nói Trần Thị Thuận góp phần làm rạng danh cho thể thao Việt Nam cũng như cho thể thao tỉnh nhà…

Khi bài viết này lên khuôn thì ngày quốc tế phụ nữ đã qua và những cô gái vàng xứ Huế bây giờ đã giải nghệ hoặc không còn thi đấu trên quê hương. Dẫu vậy, họ vẫn xứng đáng được vinh danh, được nhận những bông hoa trong ngày Thể thao Việt Nam sắp đến…

Thanh Phi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăm năm sân vận động Huế & khát vọng thể thao Cố đô

Trước nay, nhiều người thường nói Huế buồn do trời đất man mát, khí hậu mưa nắng thất thường, nhất là sự đè nặng của điển chương lễ giáo, của phong tục lễ nghi... Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận tính hai mặt của sự tác động đó, bởi trong khắc khổ cũng tạo nên tố chất khéo léo, dẻo dai và bền bỉ, sức chịu đựng của con người. Đó là thế mạnh đặc trưng, mang lại cho xứ Huế nhiều thành tựu, những trang vàng trong khát vọng thể thao cháy bỏng, đặc biệt là dấu ấn Âu hóa nền thể thao Huế đầu thế kỷ XX.

Trăm năm sân vận động Huế  khát vọng thể thao Cố đô
Return to top