ClockThứ Năm, 28/10/2010 13:47

Những sinh viên năng động

TTH - Không ít sinh viên hiện nay, vừa đi học vừa tự đứng ra kinh doanh bằng việc mở cửa hàng nhưng vẫn học giỏi như thường. Hai sinh viên Trường đại học Nghệ thuật Huế sau đây là ví dụ sinh động.

Năng chuyến hơn đầy đò

Shop áo quần Nhật Uyên nằm ở đường Võ Thị Sáu trông khá nhỏ và không có vẻ gì đặc biệt so với các shop áo quần khác. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây chính là nó thu hút nhiều người, gần như lúc nào cũng có khách vào ra. Dù shop nhỏ, nhưng thứ gì cũng có, từ những bộ váy áo thời trang, áo kiểu, quần jeans cho đến giày dép, phụ kiện áo quần, kẹp tóc... Và chủ shop áo quần này chính là cô sinh viên Đặng Hoàng Nhật Uyên, sinh viên năm thứ 5, Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường đại học Mỹ thuật Huế.
 
Uyên kể, từ khi là sinh viên năm nhất, cô đã có ý định mở một shop áo quần. Với lợi thế học mỹ thuật, có khiếu thẩm mỹ, lại am hiểu về màu sắc và đam mê thời trang, Uyên thường tư vấn, góp ý về trang phục cho một số người quen và khách hàng trong giới thượng lưu. Năm 2008, Uyên quyết định mở shop áo quần chung với một người bạn. Một thời gian sau, Uyên tách ra làm riêng. “Hồi đó, cứ sau giờ học, em lại xách từng đôi giày đi bán. Khi khách hàng đã quen em thường đem áo quần đến tận nhà để tư vấn cho họ”, Uyên nhớ lại. Cứ đến cuối tuần, chiều thứ 7, Uyên lên xe tour đi lấy hàng ở Hà Nội và Quảng Châu rồi vào Huế chiều chủ nhật để kịp đi.
 
Để thu hút được nhiều khách hàng đến với mình, bí quyết kinh doanh của cô sinh viên trẻ này là: “Phải có cái tâm và khả năng giao tiếp. Tâm chính là sự nhiệt tình, vui vẻ, thân thiện với khách hàng. Em bán đồ không lấy lời nhiều vì nghĩ “năng chuyến hơn đầy đò” và để bán được hàng nhiều thì phải giỏi “ngoại giao” nữa”, Uyên nói. Cũng chính vì tài “ngoại giao” và sự mềm mỏng chiều lòng khách hàng của Uyên, nên nhiều khi khách hàng chưa ưa lắm một món đồ nào đó nhưng sau sự tư vấn của cô thì chuyển ý và quyết định mua món đồ đó. Cô chủ này cũng luôn chú ý đến chiến lược làm mới mình và rất quan tâm đến khách hàng bằng cách chú y gu của một số khách hàng hay lui tới để lấy hàng phù hợp với sở thích của họ. “Để kinh doanh tốt thì phải có chiến lược kinh doanh riêng, những cái mình làm phải khác họ và phải luôn làm mới mình, thật năng động mới làm nên sự nghiệp”, Uyên bật mí.
 

Đặng Hoàng Nhật Uyên bên shop áo quần của mình trên đường Võ Thị Sáu
 
Bận rộn với việc kinh doanh nhưng cô chủ này không hề sao nhãng việc học. Với Uyên, chuyện thức đến tận 5 giờ sáng để học đã trở thành chuyện thường ngày và điều làm nhiều người ngạc nhiên kể cả các thầy cô trên lớp là Uyên luôn học giỏi và luôn làm xong những bài thực hành sớm nhất, nhì trong lớp, thậm chí đôi khi sớm trước cả thời gian quy định. Không những học giỏi, Uyên còn tích cực tham gia các hoạt động do trường, khoa tổ chức và đã nhiều lần được nhận Giấy khen của Hội sinh viên và Đoàn trường.
 
Trong tương lai, Uyên dự định sẽ mở một quán bar phục vụ khách nước ngoài, tiếp đó là mở một công ty xuất nhập khẩu thời trang và tiếp đó nữa là buôn bán bất động sản.
 
Tự quảng bá thương hiệu
 
Đi quá cổng Trường đại học Mỹ thuật Huế một đoạn, bạn sẽ thấy một tấm biển gỗ đề: Quầy họa phẩm, số 5 Tô Ngọc Vân, DĐ: 0923385525 và một mũi tên chỉ vào bên trong 10m được viết theo phong cách rất... nghệ thuật! Tôi tìm đến nhà của Phạm Quang Huy, sinh viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, chuyên ngành trang trí truyền thống, Trường đại học Mỹ thuật Huế - chủ nhân của Quầy họa phẩm này. Khác hẳn với hình dung ban đầu, quầy họa phẩm của Huy không nằm ở mặt tiền mà lại nằm ngay trong phòng trọ của Huy ở cuối một khu nhà trọ sinh viên. Chưa hết ngạc nhiên, đây có lẽ là quầy họa phẩm... nhỏ nhất thế giới với diện tích vỏn vẹn chỉ 2m2/tổng diện tích phòng trọ chừng 7m2 của Huy. Quầy họa phẩm này có đầy đủ các đồ dùng, dụng cụ cần thiết cho ngành hội họa từ khung tranh, sắt-xi, toan, căng và đinh Arap, rề sơn đến sơn mài, màu sơn màu, sơn dầu, màu nước, cọ, giấy, băng keo...

Có ý định kinh doanh một cái gì đó từ lâu nhưng đến năm học thứ ba, trong lần đi thực tế ở Hà Nội, ý tưởng về mở quầy họa phẩm mới thực sự hình thành trong đầu Huy. Đó là khi đi đi mua màu và tìm hiểu các mặt hàng phục vụ chuyên ngành mình học, Huy nhận thấy giá cả rẻ hơn hẳn ở Huế. Tuy nhiên, do chưa có phương tiện đi lại (nhà bố mẹ Huy ở A Lưới, Huy thuê nhà trọ gần trường và đi bộ sang trường - PV), Huy vẫn chưa thể thực hiện được ý định. Hai năm sau, 9-2010, quầy họa phẩm ra đời với số vốn ít ỏi Huy mượn được của bạn bè và người thân.
 
Chưa được hai tháng, quầy của Huy đã có lượng khách đáng kể: mỗi ngày có từ 20-40 khách tìm đến. 80-90% sinh viên trong trường biết đến quầy họa phẩm và chàng sinh viên này cũng đã nhận được “đơn đặt hàng” của hai lớp trong trường với 100 khung tranh. Sở dĩ quầy họa phẩm của Huy “hút” khách vì thái độ bán hàng nhã nhặn của ông chủ trẻ này và giá cả ở đây rẻ hơn hẳn so với những nơi khác. Đa số hàng được Huy đặt mua từ Hà Nội với giá bán rẻ hơn từ 500 - 1.000đồng/dụng cụ và rẻ từ 10.000-15.000 đồng đối với những dụng cụ do Huy tự làm như khung tranh, sắt-xi... “Em mua được nguồn gỗ rẻ trên A Lưới. Trước đây, em từng đi làm cho một xưởng gỗ trên đó nên em đã đặt vấn đề với ông chủ xưởng thuê luôn chỗ đó và thuê người gia công khung tranh. Giá họa phẩm mộc của em vì thế rẻ hơn nhiều với các quầy khác...”, Huy bật mí.
 

Quầy họa phẩm nhỏ của Huy nằm trong phòng trọ 7m2

Để được nhiều sinh viên tìm đến hiện nay, Huy đã tự đi quảng bá thương hiệu của mình bằng cách tới từng lớp trong trường và đứng ở cổng trường để phát tờ rơi in những mặt hàng của quầy họa phẩm cho các sinh viên. Huy nhớ lại: “Có bữa đang ngủ trưa ngon lành thì có sinh viên đến bảo “bán em một tờ giấy 2.000 đồng!”. Nhiều lúc cũng bực nhưng đã kinh doanh là phải chấp nhận. Có nhiều sinh viên mua nợ em cũng bán vì là sinh viên với nhau nên em rất hiểu”. “Vậy không sợ nhiều sinh viên nợ rồi quịt luôn sao?”, tôi hỏi. “Thì cũng nhìn mặt mới cho nợ chứ chị”, Huy cười hiền. Cũng có lần buồn ngủ quá, trong lúc mắt nhắm mắt mở, Huy đã bán giá đắt cho một cô bé trong trường. Khi sực tỉnh lại, Huy liền tìm gặp cô bé để trả tiền thừa.
 
Dẫu không nhiều nhưng quầy họa phẩm cũng giúp Huy có số tiền đủ để tự trang trải cho cuộc sống sinh viên của mình mà không phải nhờ tới “sự chi viện” của cha mẹ. “Quầy họa phẩm cũng giúp em mở rộng quan hệ bạn bè, được gặp gỡ nhiều người, trở nên mạnh dạn, năng động hơn chứ trước em rụt rè lắm”, chàng trai này bộc bạch.
 
“Cần thành lập quỹ hỗ trợ phát triển tài năng kinh doanh trẻ”
 
Tùy theo đặc thù ngành học của mình, SV Huế đã có những mô hình kinh doanh phù hợp và khá phong phú như: sinh viên kinh tế thì mở cửa hàng photocopy, shop kinh doanh áo quần; sinh viên nghệ thuật mở shop bán đồ trang sức tự làm, quán cà phê hay gần đây là vẽ tranh trên ngói liệt; sinh viên sư phạm làm thêm bằng nghề gia sư, sinh viên học công nghệ thông tin đi sửa chữa, cài đặt máy vi tính... Tuy nhiên, theo anh Lưu Mạnh Cường, phụ trách mảng tư vấn việc làm cho sinh viên, Ban Công tác sinh viên, Đại học Huế, nhìn chung, sinh viên làm kinh doanh chủ yếu chỉ ở mức độ là làm thêm những công việc bán thời gian như đi bán ở các quán cà phê, bán hoa trong các dịp lễ, Tết... còn những mô hình kinh doanh như trên thì rất ít bởi cần có vốn và dễ ảnh hưởng đến học tập. “Nhiều trường đại học đã chuyển sang học tín chỉ. Nếu quá say mê kinh doanh và làm thêm, e rằng các em sẽ bị nợ môn và không đủ điểm tích lũy, vì đối với học tín chỉ, tự học là rất quan trọng chứ không chỉ cần đủ thời gian trên lớp như học niên chế. Nếu muốn kinh doanh, sinh viên phải vạch ra thời gian biểu cụ thể”, anh Cường lưu ý.
 
Thạc sĩ Nguyễn Duy Chinh, Trưởng Ban Công tác sinh viên, Đại học Huế nhìn nhận, việc sinh viên tự đứng ra mở những mô hình kinh doanh là rất khó bởi vốn liếng nhỏ lại phải tập trung vào việc học. “Đã từng có những mô hình kinh doanh của sinh viên nhưng phải đóng cửa vì lỗ vốn. Vừa rồi, trong Ngày hội đón tân sinh viên 2010 do Đại học Huế tổ chức, chúng tôi đã thử mô hình tổ chức gian hàng ẩm thực cho các sinh viên Khoa Du lịch. Dù đã được hỗ trợ cả mặt bằng, điện, nước nhưng khi hỏi, các em bảo vẫn lỗ! Hiện Đại học Huế cũng chưa có chủ trương gì trong việc hỗ trợ sinh viên kinh doanh...”, ông Chinh cho biết.
 
Chưa có sự hỗ trợ nào từ phía trường và các ban, ngành, sinh viên nếu muốn kinh doanh phải tự nỗ lực và dựa vào sự hỗ trợ từ phía gia đình và bạn bè là chính. Thạc sĩ Nguyễn Quang Phục, Giảng viên Khoa Kinh tế và Phát triển, Trường đại học Kinh tế Huế đưa ra ý kiến: “Hiện nay sinh viên kinh doanh khá phổ biến không chỉ sinh viên kinh tế mà sinh viên các trường khác. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ do không đủ vốn để phát triển ý tưởng kinh doanh, thiếu sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp. Theo tôi, các hiệp hội nghề nghiệp như Hội doanh nghiệp trẻ, Hội doanh nghiệp Thừa Thiên Huế và các trường cần tổ chức nhiều sân chơi liên quan đến phát triển ý tưởng kinh doanh, khai thác tính sáng tạo và táo bạo của thanh niên và sinh viên. Cần thành lập quỹ hỗ trợ phát triển tài năng kinh doanh trẻ trong tỉnh để phát hiện và đầu tư nhằm giúp sinh viên phát huy được tài năng của mình”.
 
Ngọc Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế

Chiều 29/3, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế với toàn thể viên chức, người lao động của Trung tâm nhằm huy động nguồn lực để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế.

Phát động ủng hộ Quỹ bảo tồn Di sản Huế
Đưa di sản Huế ra thế giới

Sự kiện ký kết ghi nhớ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế và Global Book Corporation mới đây đã mở ra một chương mới cho việc quảng bá di sản văn hóa Huế tới bạn bè quốc tế.

Đưa di sản Huế ra thế giới
Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô

Chiều 28/3 tại Trường đại học Nghệ Thuật, Đại học Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế, Chi hội Mỹ Thuật Việt Nam tại Thừa Thiên Huế, Hội Mỹ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp Trường Đại học Nghệ thuật tổ chức lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật trẻ lần thứ VII - Huế 2024.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của họa sĩ trẻ Cố đô
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Giải thưởng Cống hiến 2024: Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc

Tối ngày 27/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sự kiện lễ trao giải "Cống hiến lần thứ 18" đã diễn ra. Sự kiện do báo Thể thao và Văn hóa phối hợp cùng Truyền hình Thông tấn (VNews) và Công ty TNHH Ngọc Việt Corporation tổ chức nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc nhất trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc Việt Nam.

Giải thưởng Cống hiến 2024 Tôn vinh sự cống hiến và thành tích xuất sắc trong Thể thao và Âm nhạc
Return to top