ClockChủ Nhật, 20/08/2017 08:10

Những tiếng rao trưa

TTH - Tiếng rao như một bảo chứng về sự tồn tại của đời sống phố thị với những lăn trầm thời cuộc muôn ngả mưu sinh. Ở đó, người ngắm người qua từng cái chén, cái muỗng, đôi quang gánh... để trong từng phút giây, lưu giữ ký ức thường nhật về chính nơi chốn mình đang sống.

Tôi sống trong một con kiệt nhỏ trên đường Nguyễn Sinh Cung thuộc phường Vỹ Dạ. Gọi là kiệt nhỏ vì chỉ hai chiếc xe máy lách qua nhau là đã chật kín lòng đường rồi. Đường nhỏ, nhà cũng nhỏ, nép sát nhau, nắng mưa rơi xuống mái tôn nhà này thì nhà khác cũng nghe thấy rõ. Những trưa nắng nóng mang ghế ra ngồi dưới gốc cây vú sữa hóng gió, khoảng đến cữ quá 12 giờ một chút, thể nào cũng nghe thấy tiếng rao, đều đặn cả năm nay như một.

Người ấy rao "Ai đậu hũ đây…".

Mới nghe tôi không thể dịch ra nội dung tiếng rao mà phải nhờ chị chủ nhà chỉ giúp vì tôi là người Bắc. Chừ nghe miết thành quen, thân thương như tiếng mẹ gọi mấy chị em ra ăn quà sáng mỗi khi đi chợ về. Có những ngày đến giờ đó chưa thấy tiếng rao ấy vang lên, lòng tự thắc mắc vì sao chưa thấy tới. Lúc sau, đôi quang gánh chạm về, hỏi mới biết, thì ra đi ngang chợ Cống, người ăn hàng nhiều quá nên về trễ.

Tôi ngồi cạnh chị, bảo chị bán cho một chén. Đậu hũ để trong một cái chum bọc hộc gỗ bên ngoài. Chị múc đậu hũ ra, bỏ trong một chiếc chén sứ kèm muỗng nhôm. Mùi thơm thanh mát của đậu hũ và tiếng lanh canh chén muỗng khiến cái nóng của trưa hè dịu bớt. Trong lúc chờ khách ăn, chị bỏ nón quạt cho khách. Bỗng chốc nhìn lên, mái đầu ấy đã quá nhiều sợi bạc rồi.

Chị bảo nhà ở tận Phú Vang, làm nông là chính, bán thêm đậu hũ để nuôi con ăn học. 4h sáng gánh hàng từ Phú Vang lên thành phố để bán, trưa thì gánh về lại. Tôi hỏi rứa là chị rao miết từ sáng đến trưa à? Chị bảo chỉ chỗ mô vắng người hoặc trưa vắng như ri thì mới rao, còn những nơi đông người hoặc quen khách thì cứ tới giờ đó họ biết mình sẽ qua là ăn giúp rồi. Nhưng nhiều khi chỗ mô đông người vẫn rao vì cứ gánh hoài thì buồn miệng quá, muốn rao lên cho vui.

Tôi nghĩ hoài về những tiếng rao trưa. Nó không giống rao đêm trong bóng tối càng không giống rao sáng trong huyên náo bình minh. Rao trưa khi mọi nhà cửa đóng then cài, phố xá nghỉ ngơi vắng lặng thì trong một con kiệt nhỏ có một âm thanh mỏi mệt vang lên, nghe vừa vất vả vừa cô đơn. Âm thanh ấy đã đi một chặng đường dài từ lúc mặt trời chưa kịp lặn đến khi mặt trời đứng bóng, ai ăn thì chỉ việc kêu lại ngắn gọn hai từ "Đậu hũ!" là được đáp ứng liền. Nói với chị, em hay đợi chị mỗi buổi trưa, có những ngày không phải vì muốn ăn đậu hũ mà vì muốn được nghe tiếng rao, để yên tâm rằng ngày ni chị vẫn khỏe mạnh gánh hàng đi bán. Chị cười hiền. Khóe mắt đậm dấu chân chim.

Tôi đã từng nghe đi nghe lại một tiếng rao trong những ngày buồn bã vắng lặng của mùa đông xứ Huế, cảm giác dẫu chưa quen nhưng thấy thật ấm áp. Vài năm sau nghe tiếng rao khác giữa trưa hè nắng nóng, thật may là, cảm giác ấm áp miên man xưa cũ chưa từng mất đi.

Bóng nón nhỏ dần dưới lòng đường mà tiếng rao “Ai đậu hũ đây” vẫn còn ngân dài đến cuối kiệt…

NGUYÊN HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sáng tác và hát nhạc tiếng Tà Ôi

Với mong muốn quảng bá văn hóa dân tộc, Viên Xuân Sư cùng những người con Tà Ôi tại xã A Roàng (A Lưới) đã sáng tác và biểu diễn những ca khúc song ngữ tiếng Tà Ôi - tiếng Kinh.

Sáng tác và hát nhạc tiếng Tà Ôi
Nhớ tiếng rao xưa

Cũng là loại bánh bao ấy, nhưng ông bạn của tôi luôn cố đợi để mua cho bằng được chiếc bánh của người bán hàng với tiếng rao “chính chủ”, chứ không chịu mua từ những người bán bánh với tiếng rao mời mọc qua… loa.

Nhớ tiếng rao xưa
Dậy khi chuông đánh…

Không chỉ có tiếng chuông chùa ngân xa còn vang vọng trong ký ức người dân ở một vùng nông thôn rộng lớn, nơi đây còn ghi dấu tích Hội nghị Tỉnh ủy vào năm 1947 chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài sau khi mặt trận Huế bị vỡ. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, dân làng vẫn tự hào lưu giữ những truyền thống quý báu, chung tay cùng nhau xây dựng quê hương...

Dậy khi chuông đánh…
Tiếng thì thầm của làng nghề

Gương mặt Đàng Xem sáng lên dưới vệt nắng chiều của Huế, với nụ cười thân thiện mà tôi đã gặp ở các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế trước đây và không giấu được niềm vui: “Hàng bán được, mới 2 ngày mà bán hơn một nửa rồi…”.

Tiếng thì thầm của làng nghề

TIN MỚI

Return to top