ClockThứ Ba, 03/07/2018 09:15

Những tín hiệu vui, nhưng cần thêm nhiều gắng gỏi

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,08%, là mức cao nhất của chặng đầu của một năm kể từ năm 2011.

Tăng trưởng GDP 6 tháng cao nhất trong 7 năm trở lại đâyWB ra dự báo tăng trưởng GDP châu Á năm 2018Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể đạt 7,02%

Mức tăng này khá toàn diện và vững chắc trên cả ba khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản (3,93% cao gấp 1,4 lần so với mức tăng cùng kỳ); công nghiệp và xây dựng (9,07% cao gấp 1,5 lần); dịch vụ (6,9%). Động lực chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng chung là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 13,02%.

Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm là mức cao nhất của chặng đầu của một năm kể từ năm 2011. Ảnh minh họa: KT

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát nhờ có sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng ước đạt 3,29%, vẫn nằm trong tầm kiểm soát so với mục tiêu phấn đấu là dưới 4%.

Tín dụng tăng trưởng tốt từ đầu năm, đến ngày 20/6/2018 đạt 6,35%, đây là mức tăng trưởng lành mạnh và hợp lý. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo; mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định; một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm khoảng 0,5% lãi suất cho vay đối với một số đối tượng ưu tiên; tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức kỷ lục mới 63, 5 tỷ USD; thị trường chứng khoán phục hồi và có mức tăng nhẹ so với tháng trước, khoảng 1% và đạt 980 điểm ngày 20/6…

Thu ngân sách nhà nước đạt khá, ước đạt gần 652.000 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ, ước đạt trên 649.000 tỷ đồng, bằng 42,6% dự toán năm. Nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã được cải thiện rõ nét. Tính đến hết tháng 6, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đạt 33,85% kế hoạch vốn đã giao, tương đương với 32,53% dự toán, cao hơn mức giải ngân cùng kỳ năm 2017.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 747 nghìn tỷ đồng, bằng 32,9% GDP và tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,3%) và có mức tăng cao nhất (17,5%), phản ánh sự đúng đắn và đi vào cuộc sống của chủ trương của Đảng về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vào đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, vào tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế và công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố.

Các chỉ số về đầu tư nước ngoài và phát triển doanh nghiệp vẫn tăng tích cực. Tính đến ngày 20/6/2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (bao gồm FDI) ước đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là các dự án trên 1 tỷ USD như: Thành phố thông minh của Nhật Bản đầu tư tại Hà Nội trị giá trên 4 tỷ USD; Nhà máy sản xuất chất dẻo PP và kho chứa LPG của Hàn Quốc đầu tư tại Bà Rịa -Vũng Tàu trị giá 1,2 tỷ USD; Dự án LAGUNA của Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD… Giải ngân vốn FDI ước đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,5%).

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có trên 64.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt gần 649.000 tỷ đồng, tăng 5,3% về doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đưng ký so với cùng kỳ năm 2017; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế ước đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ.

Trong nông nghiệp, vụ lúa Đông Xuân năm nay được đánh giá là thắng lợi, tuy giảm về diện tích nhưng tăng khá cả về năng suất và sản lượng so với cùng kỳ; nuôi trồng và khai thác thủy sản duy trì được nhịp độ phát triển do gặp điều kiện thuận lợi về thời tiết và ngư trường, đồng thời có nhiều lỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC nhằm lấy lại “thẻ xanh” cho thủy sản Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng khá, tính chung 6 tháng, IIP tăng khoảng 10,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ  tăng 7%), trong đó, vị trí dẫn đầu là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 12,7% (cùng kỳ tăng 9,7). Cân đối về điện được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu về điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong đó sản lượng điện thương phẩm 6 tháng ước tặng 10,32% so với cùng kỳ.

Sức mua của thị trường tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 10,7%.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 225,1 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 113,9 tỷ USD, tăng 16%; nhập khẩu ước đạt 111,2 tỷ USD, tăng 10%; cán cân thương mại 6 tháng duy trì xuất siêu, khoảng 2,71 tỷ USD, bằng 2,37% kim ngạch xuất khẩu.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường… đạt nhiều kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện khá; công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều cố gắng; giải quyết việc làm đạt khoảng 49% kế hoạch đề ra; tổ chức tương đối tốt hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở và phổ thông trung học quốc gia; văn hóa, thể dục thể thao tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ…

Bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, trong 6 tháng qua, nền kinh tế nước ta vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm, tập trung chỉ đạo nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Để đạt  được mục tiêu kịch bản tăng trưởng là 6,7%, cần nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào Quý III và 6,36% Quý IV.

Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, liên tiếp hai tháng 5 và 6, chỉ số CPI đã có sự tăng mạnh so với tháng trước đó, tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%.  Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.

Căng thẳng thương mại có dấu hiệu lan rộng giữa Mỹ với các nền kinh tế khác như Trung Quốc, Canada, EU...Đây là cơ hội khi Việt Nam không phải là đối tượng của cuộc chiến thương mại, có thể tận dụng để gia tăng xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ, và sẽ là thách thức khi căng thẳng thương mại tác động đến kinh tế, thương mại toàn cầu, cạnh tranh gia tăng và gián tiếp ảnh hưởng không nhỏ đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Từ kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, từ những vấn đề nổi lên cần quan tâm trong 6 tháng cuối năm, giải pháp cơ bản, quan trọng và xuyên suốt cho thời gian tới là thực hiện kiên định và quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Bám sát phương châm “kỷ cương - liêm chính - hành động - sáng tạo - hiệu quả”, các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung triển khai mạnh mẽ các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình thăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018 theo kịch bản đã đề ra.

Thứ hai, tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ; nắm chắc và sớm tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, những dự án lớn, động lực của tăng trưởng kinh tế, kịp thời đề ra những điều chỉnh cần thiết khi có sự thay đổi lớn.

Thứ ba, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực, trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân  vốn đầu tư công, trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế, các dự án trọng điểm như, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án thu phí tự động không dừng.

Thứ năm, chuyển dần từ sử dụng cơ chế, chính sách ưu đãi sang coi trọng việc bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường thông thoáng, minh h bạch và bình đẳng.

Thứ sáu, quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề nóng của xã hội nhằm củng cố niềm tin của nhân dân, ổn định và bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Thứ tám, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, củng cố niềm tin của cả hệ thống doanh nghiệp, nhân dân, nhất là trong những dịp tổ chức sự kiện quan trọng của đất nước như hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, kỳ họp thứ VI Quốc hội khóa XIV.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế

Bóng đá trẻ Huế đang có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Đó là nền tảng để chờ đợi sự bứt phá trong tương lai của bóng đá tỉnh nhà. Vòng chung kết U19 Quốc gia 2024 đã khép lại, nhưng dư âm của giải đấu này vẫn đọng lại với bóng đá Huế.

Tín hiệu lạc quan với bóng đá trẻ Huế
Lệch pha tăng trưởng

Nguồn vốn huy động vẫn chảy đều vào các ngân hàng, dù lãi suất huy động đang chạm đáy. Trong khi đó, lãi suất cho vay đang ở mức thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng lại không mấy khả quan.

Lệch pha tăng trưởng

TIN MỚI

Return to top