ClockThứ Bảy, 22/07/2017 05:56

Những việc làm đền ơn đáp nghĩa đầu tiên ở Huế

TTH - Chỉ ít ngày nữa cả nước sẽ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Trước khi có ngày này, công tác đền ơn đáp nghĩa ở Thừa Thiên Huế đã được thực hiện ra sao. Dưới đây là những tư liệu rút ra từ báo chí xuất bản tại Huế sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.

Đưa các anh về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Huế. Ảnh: Anh Phong

Chiều 23/8/1945, UBND cách mạng Thừa Thiên được thành lập và ra mắt đồng bào. Trước sự tráo trở của thực dân Pháp, các đơn vị vũ trang của tỉnh nhanh chóng ra đời và kịp thời chi viện cho các chiến trường. Ngay từ trận đánh Pháp đầu tiên đã có những người lính Vệ Quốc bị thương và có chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Với trách nhiệm của mình, UBND tỉnh Thừa Thiên và chính quyền các cấp đã chủ động triển khai công tác “giúp binh sĩ bị nạn”, “gia đình chiến sĩ trận vong” với những người đã cống hiến đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Sáng 3/9/1945, anh Lê Mười, một tự vệ Sở Công chánh, bị bọn Pháp bắn chết trong lúc đi tuần phòng ở khu vực Pháp kiều. Lễ truy điệu cử hành vào hồi 4 giờ chiều ngày 4/9/1945. Hàng vạn đồng bào đi đưa tiễn anh. Tại nghĩa địa Nam Giao, đại biểu UBND tỉnh Thừa Thiên đến viếng và đọc điếu văn trước lúc hạ huyệt. Bên linh cữu chiến sĩ Lê Mười, bào huynh của anh đã tự chặt một ngón tay thề quyết báo thù cho em[1]. Đây là lễ truy điệu đầu tiên về người lính cách mạng hy sinh sau Ngày Độc lập được tổ chức tại Huế theo nghi thức của chế độ mới.

Chỉ ít ngày sau, được tin các chiến sĩ: Hồ Kế (quê làng Triều Sơn Nam)[2], Nguyễn Vinh (quê làng An Thuận), Nguyễn Văn Vinh (quê làng Địa Linh), Võ Hanh Phiếm (quê làng An Ninh Hạ), Bửu Thân (quê làng Kim Long) đã hy sinh tại các mặt trận Nha Trang, Phan Thiết và Lâm Viên, UBND huyện Hương Trà đã lần lượt tổ chức lễ truy điệu tại chánh quán của các chiến sĩ.

Ngày 13/12/1945, gần trăm người đủ các giới đã họp tại nhà Đại chúng dưới quyền chủ tọa của Chủ tịch UBND Trung bộ Trần Hữu Dực, Ủy trưởng Cứu tế Xã hội Trung bộ Lê Thị Xuyến, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Tôn Quang Phiệt và ông Ủy viên Nội vụ để thảo luận về việc lập tại Thuận Hóa "Hội giúp binh sĩ bị nạn"[3], mục đích là:

a) Ủng hộ các binh sĩ bị nạn ở mặt trận về, cả phương diện tinh thần lẫn vật chất bằng mọi phương sách cần thiết.

b) Nhận nhiệm vụ ủy lạo và giúp đỡ các gia đình binh sĩ bị tử trận. Phạm vi của Hội là săn sóc tất cả các binh sĩ Việt Nam hiện điều dưỡng tại Bệnh viện Thuận Hóa và những bệnh viện các tỉnh Trung bộ.

Toàn thể hội đồng đã quyết y bản điều lệ của Hội và cử ra một Ban chấp hành. Hội kêu gọi toàn thể đồng bào vì nhiệm vụ cứu quốc ở hậu phương mau giúp tiền và gia nhập vào Hội giúp binh sĩ bị nạn: “Giúp binh sĩ bị nạn là trả một phần xương máu”. “Ủng hộ Hội giúp binh sĩ bị nạn là tăng thêm lực lượng kháng chiến”.

Như vậy, "Hội giúp binh sĩ bị nạn" Thuận Hóa được thành lập sớm nhất trong cả nước.[4] Cũng trong dịp này, Ủy ban Cứu tế xã hội Trung bộ nhận được số tiền 121đ 95 từ mẹ chiến sĩ Nguyễn Văn Vinh - một Vệ Quốc quân Thừa Thiên đã hy sinh ở mặt trận Phan Thiết. Số tiền ấy do đồng bào trong làng giúp để làm lễ truy điệu chiến sĩ Vinh, nhưng mẹ nói con mình đã chết như thế là tròn phận sự của một người dân Việt Nam, mẹ vui sướng gửi số tiền ấy ủng hộ các chiến sĩ ở mặt trận để tăng thêm lực lượng mà giết quân thù[5].

Cùng với những hoạt động tri ân, Hội đã lấy 10/1/1946 là ngày Binh sĩ bị nạn ở Thuận Hóa được đồng bào chú ý. Rất nhiều anh chị em tìm đến ghi tên vào Hội. Sau đó, các nhân viên trong Ban chấp hành Hội cùng với các đại biểu nhiều phường và nhiều đoàn thể chia thành 4 toán đi thăm, tặng quà các binh sĩ bị nạn nằm ở dưỡng đường Đồng Khánh và các nơi trong bệnh viện Thuận Hóa: Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tăng Chuẩn, Trưng Trắc, Lê Huân, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thượng Hiền, Lê Đình Dương và Trần Hưng Đạo.

Tại Phu Văn Lâu, ngày 23/4/1946, UBND tỉnh đã làm lễ truy điệu các chiến sĩ trận vong[6]. Tất cả các công sở, nhà tư đều treo cờ rũ; tiệm ăn, hiệu buôn bán đóng cửa, các chợ nghỉ họp[7].

Buổi sáng, tại các đền chùa, nhà thờ có cầu kinh siêu độ. Buổi chiều lễ truy điệu trọng thể. Đài trận vong dựng lên trước cột cờ kinh thành. Dưới chân đài, một quan tài giả trên phủ Quốc kỳ có lính danh dự bồng súng đứng gác ở bốn góc. Các đoàn thể trong, ngoài thành phố đông hàng vạn người đến dự lễ, sắp hai bên đài, mang rất nhiều biểu ngữ và vòng hoa phúng điếu. Gia đình các chiến sĩ tử trận có mặt đông đủ bên trái khán đài.

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã tiếp xúc được một tài liệu quý, đó là bức thư của HĐND tỉnh Thừa Thiên gửi cho anh em binh sĩ bị nạn ngay sau khi khai mạc phiên họp đầu tiên vào ngày 10/5/1946. Xin công bố nguyên văn:

Hỡi các bạn binh sĩ bị nạn[8],

Trong lúc nước bị xâm lăng, các bạn đã tình nguyện nhập vào Vệ Quốc Đoàn, giành tự do độc lập cho dân tộc. Nhiều anh em đồng đội với các bạn đã tử trận. Chính thân của các bạn lại mắc bệnh nặng hay mang trọng thương. Trong lúc tình thế chưa yên, sự săn sóc các bạn chưa được chu đáo, đời sống của các bạn vẫn còn thiếu thốn nhiều.

Được may mắn có nhiều dịp đón tiếp các bạn, chăm nom cho các bạn, tỉnh Thừa Thiên rất rõ những khuyết điểm ấy, và luôn luôn ghi nhớ những sự hy sinh, những sự thiệt thòi của các bạn.

Nhân phiên họp khai mạc ngày 10/5/1946 tại Thuận Hóa, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên xin gởi đến các bạn lời chào thân ái của toàn thể Nhân dân tỉnh Thừa Thiên.

Để tỏ lòng biết ơn các bạn, chúng tôi xin thề dắt dẫn Nhân dân Thừa Thiên đoàn kết chiến đấu, vượt qua những nỗi khó khăn hiện tại, làm cho chính quyền Nhân dân được bền vững và nền tự do của dân tộc được nhiều bảo đảm rõ ràng. Trên giường bệnh, các bạn có thể yên tâm tin chắc rằng ngày nào bọn phản động còn âm mưu lừa dối và chia rẽ thì Nhân dân Thừa Thiên còn cương quyết hy sinh tranh đấu để kế tiếp công nghiệp vẻ vang của các bạn trên khắp các mặt trận.

Tinh thần chiến sĩ Việt Nam muôn năm!

Kính chào thân ái,

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN

Kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ, thêm một lần chúng ta biết ơn, ghi nhớ và nghiêng mình trước anh linh các chiến sĩ vệ quốc.

Dương Hoàng


[1] Báo Quyết Chiến số 9 ra ngày 4/9/1945.

[2]. Báo Quyết Chiến số 99 ra ngày 18/12/1945.

[3].Về sau đổi thành Hội Giúp binh sĩ bị thương.

[4]. Thành lập ngày 23/12/1945 tại Huế. Một số văn bản gần đây suy đoán Hội này thành lập đầu 1946 là không đúng.

[5].Báo Quyết Chiến số 104 ra ngày 24/12/1945.

[6]. Chiến sĩ trận vong là một cách gọi khác của danh từ Liệt sĩ.

[7]. Báo Chiến Sĩ số 22 ra ngày 24/4/1946

[8]. Báo Quyết Chiến số 25 ra ngày 22/5/1946.

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chăm lo tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo

Quan tâm đối với các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các ban, ngành thị xã Hương Trà phối hợp thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, phát triển kinh tế hộ, cấp phát các chế độ, chăm lo mọi mặt đời sống, góp phần đem lại niềm vui cho người dân dịp tết đến, xuân về.

Chăm lo tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo
Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách

Chiều 24/7, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cùng các thành viên trong đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà cho các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), gia đình chính sách và học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng và gia đình chính sách
Thăm, tặng quà gia đình chính sách

Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và 137 năm ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 – 1/5/2023), ngày 28/4, Hội LHPN Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã thăm, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà gia đình chính sách
Return to top