ClockThứ Tư, 31/10/2018 14:29

Niềm vui của bác sĩ Sơn

TTH - “Là người thầy thuốc tận tâm tận lực, nặng lòng yêu thương, giỏi chuyên môn, bác sĩ (BS) Trương Như Sơn, HUV, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Phú Vang rất có uy tín với dân. Nghe nói phiên BS Sơn khám là người bệnh yên tâm. Có nhiều người như BS Sơn thì đỡ cho dân lắm”, ông Trương Văn Lô, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân, huyện Phú Vang bày tỏ.

Mô hình bác sĩ gia đình ở Phú Thanh: Dân lợi, bác sĩ “lên tay”Cử tri quan tâm đến việc thiếu bác sĩ ở các trạm y tế phườngKhám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 200 cán bộ viên chức lao động

Ngày 27/2/2018, TTYT huyện Phú Vang là 1 trong 16 đơn vị được Bộ Y tế tuyên dương là đơn vị y tế tiêu biểu trong toàn quốc. Tại hội nghị tuyên dương này, BS Sơn vinh dự thay mặt đơn vị nhận Bằng khen của Bộ Chính trị. Trước đó, cá nhân ông vinh dự 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba…

TTYT huyện Phú Vang vinh dự được đón Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm và tặng quà

Hết lòng

Như những ngày bình thường, chưa đến giờ làm việc nhưng phòng của Giám đốc TTYT huyện Phú Vang đã sáng đèn. BS Sơn tranh thủ xử lý trước các văn bản “đi, đến” liên quan đến công tác khám chữa bệnh trước khi chủ trì công tác giao ban sẽ diễn ra lúc 7 giờ sáng. Cuộc giao ban kết thúc, cán bộ, y, BS khẩn trương tỏa về các phòng để “tăng tốc”, bởi hơn 1.000 bệnh nhân đang chờ. Đang tiếp tục cặm cụi giữa “núi” công việc, BS Sơn đứng bật dậy bởi tiếng chuông báo động tình huống khẩn cấp, rồi vội vã chạy đến khoa phòng khám cấp cứu. 20 y, BS ngay lập tức cũng có mặt.

Trên 2 chiếc xe khách là 6 bệnh nhân (BN) trong tình trạng bất tỉnh, máu đang chảy từ các vết thương. BS Sơn lập tức chỉ huy tiếp nhận, đánh giá ban đầu tình trạng cấp cứu BN, phân công các tổ cấp cứu. BN có dấu hiệu bị ngạt, khó thở được khai thông đường thở, cho thở o xy và được thực hiện ngay 1 đường chuyền tĩnh mạch, theo dõi chấn thương sọ não, sau đó chuyển Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị. Ba BN có vết thương chảy máu vùng mặt, đầu, chân, tay được xử lý cầm máu ngay, đồng thời cũng được thực hiện đường chuyền tĩnh mạch. Hai BN gãy xương cẳng chân, tay được cố định xương, chống choáng, giảm đau, được bộ phận XQ, xét nghiệm máu, chụp phim tại giường. Sau khi các BN này khá ổn định, BS Sơn cùng kíp mổ giải quyết phẫu thuật cho họ.

Xử lý xong tình huống báo động đỏ (cả 6 BN đều được cấp cứu, ổn định sức khỏe), chưa kịp thở, BS Sơn lại tiếp tục hội chẩn về chuyên môn, chỉ đạo phẫu thuật cấp cứu lấy thai cho một sản phụ… Và nụ cười hạnh phúc nở trên gương mặt của người BS đứng đầu đơn vị khi đứa trẻ chào đời khỏe mạnh, người mẹ an toàn.

Bây giờ tôi hiểu hơn vì sao đã 24 năm trôi qua nhưng  nỗi xúc động trong bà Trương Thị Tằm (thôn Lê Xá Đông, xã Phú Lương) vẫn còn đó khi bà kể về vị BS đã cứu mạng mình trong hoàn cảnh sinh tử. Giữa mùa mưa lũ năm đó, bà Tằm sinh bé gái đầu lòng tại nhà mẹ ruột ở thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân, với sự hỗ trợ của “bà đỡ”. Sau 3 ngày sinh nở, tầm 7 giờ tối trong lúc nước lũ đang lên cao, sản phụ rơi vào tình trạng băng huyết, sốt, kiệt sức, không thở được. Bà Tằm nghĩ mình không sống nổi. Lúc đó bà Búp (vợ của ông Trương Văn Lô, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân) lội nước qua thăm. Bà Tằm chỉ kịp thều thào: “Chị Búp ơi cứu em với, em chết mất”. Bà Tằm còn nghe loáng thoáng trước khi không nhận biết được gì nữa: “Khiêng sản phụ đến phòng khám nhanh lên, may đang có BS Sơn trực”. Vậy là 30 thanh niên trong thôn được huy động thay nhau gánh chiếc võng, đưa sản phụ đã hôn mê, mò mẫm trong đêm lũ, đến phòng khám cùng tia hy vọng mang tên "BS Sơn".

“Thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, nơi đặt Phòng khám đa khoa, thời ấy là vùng đất còn vô cùng nghèo khó, lạc hậu, không điện, không nước sạch, không điện thoại…Sản phụ Tằm được đưa đến trong trong tình trạng hôn mê và chúng tôi phải dốc sức”, BS Sơn bồi hồi nhớ lại. Suốt đêm hôm đó, dưới ánh đèn măng sông, ông cùng đồng nghiệp chuyền dịch, bóp bóng, thực hiện các thủ thuật y khoa, giành giật sự sống cho sản phụ từng phút, từng giờ. Hôm sau lúc nước rút, BN được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế tiếp tục điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Bác sĩ Sơn khám bệnh cho bệnh nhân

Vì sức khỏe người dân

Năm 1992 sau khi tốt nghiệp, với hành trang là kiến thức y khoa và nỗi nặng lòng với sức khỏe người dân, BN ở những miền quê nghèo, BS Sơn tình nguyện nhận công tác tại Phòng khám Đa khoa Diên Đại (là phòng khám khu  vực phục vụ 4 xã Phú Lương, Phú Xuân, Phú Hồ, Phú Mỹ). Hai tháng sau khi nhận công tác, BS Sơn được giao phụ trách và sau đó đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng khám. Mỗi xã đều có trạm y tế, nhưng trạm không có BS. Vậy nên phòng khám “vươn tay” chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh, dự phòng cho cả 4 trạm.

Ngày ấy, người dân còn lạc hậu. Rất nhiều gia đình có người thân đau ốm nhưng không đến trạm y tế hoặc phòng khám, mà tìm “thầy” cúng bái, hoặc ra chợ tự mua thuốc bày bán trên rổ, tiền mất tật mang. BS Sơn dốc sức tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Và việc BS Sơn cứu sống sản phụ Tằm, cụ Bạch Chơn Đạo (hiện 90 tuổi, ở xã Phú Hồ) bị bệnh phổi nặng, nhiều trẻ em bị đuối nước… đã “thức tỉnh”, đem đến niềm tin cho người dân vào cán bộ y tế. Từ đó mỗi năm, hàng nghìn lượt BN đã đến khám chữa bệnh tại phòng khám.

Đóng góp

Năm 2006, khi được bổ nhiệm Giám đốc TTYT huyện Phú Vang, BS Sơn rất chú trọng tạo nguồn nhân lực, tập trung công tác đào tạo, hoàn thiện trang thiết bị máy móc. Đến nay, 100% trạm y tế có BS, trong đó 40% trạm y tế có 2 BS. Các khoa chuyên môn có 5 BS chuyên khoa 2, 18 BS chuyên khoa 1, có 7 thạc sĩ; đầy đủ các chuyên ngành của một TTYT tuyến huyện, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ y tế. Hiện, trung tâm đã làm chủ trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại như hệ thống nội soi để phẫu thuật, nội soi chẩn đoán tiêu hóa, có XQ kỹ thuật số, phòng an toàn sinh học cấp II. 92% kỹ thuật phân tuyến kỹ thuật hạng 2 của Bộ Y tế đơn vị đã thực hiện được; 5% phân tuyến kỹ thuật hạng 1 như mổ cắt túi mật, thoát vị bẹn nghẽn trẻ em, cắt tử cung toàn phần… Một trong những đột phá quan trọng mà giám đốc trung tâm đã lãnh đạo đơn vị làm được là cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, là đơn vị đầu tiên áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, góp phần không nhỏ trong việc mang đến sự hài lòng cho BN. Chất lượng và uy tín của trung tâm đã thu hút cả BN các huyện lân cận. Mỗi ngày, trung tâm đón trên 1.000 lượt BN đến khám.

BS Sơn luôn nêu gương, minh bạch trong mọi việc, từ đó tập hợp sự đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể. “Ở trung tâm, giám đốc Sơn luôn là người  đến sớm nhất, ra về muộn nhất. Anh sẵn sàng có mặt đầu tiên khi BN cần ứng cứu. Chúng tôi cũng đã quen với việc phòng BN và bác sĩ trực được ưu tiên gắn điều hòa, trong khi  phòng giám đốc và các phó giám đốc chỉ dùng quạt. Anh Sơn luôn dặn dò, nhắc nhở cán bộ quan tâm tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ và phải luôn tươi cười…, để BN cảm nhận bệnh viện như nhà mình. Họ phải được lắng nghe, cảm thông, chăm sóc, yêu thương chia sẻ... để giảm bớt nỗi đau bệnh tật. Từ ý tưởng của BS Sơn, tập thể cán bộ, y BS trung tâm đã chung tay, kêu gọi người thân gia đình mình, các nhà hảo tâm đóng góp để duy trì 1 tuần 1 bữa ăn dinh dưỡng miễn phí cho hàng trăm BN nghèo”, bác sĩ Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc TTYT huyện Phú Vang trân trọng.

Thế nhưng, về những cống hiến thầm lặng của mình, BS Sơn bộc bạch: Sức khỏe, nụ cười hài lòng của bệnh nhân là phần thưởng quý giá nhất đối với tôi và đội ngũ cán bộ, y BS.

“Tiến sĩ Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế nhận xét: BS Sơn là người luôn gương mẫu trong mọi mặt, quan tâm đời sống tinh thần, vật chất của viên chức, người lao động, hết lòng vì BN; có năng lực lãnh đạo, quản lý đơn vị, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đặc biệt trong công tác quản lý, đã xây dựng TTYT huyện không ngừng phát triển, đã đưa ra nhiều giải pháp hay mang tính đột phá, đóng góp không nhỏ trong sự phát triển của ngành y tế tỉnh nhà”.

Ông Lê Thanh Hải, TUV, Bí thư Huyện ủy Phú Vang cũng cho hay: “BS Sơn là trung tâm gắn kết, xây dựng đơn vị phát triển vững mạnh; luôn vì sức khỏe của người dân mà nỗ lực không ngừng, được Đảng bộ và Nhân dân huyện Phú Vang ghi nhận, yêu mến…”.

 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Niềm vui từ workshop thủ công

Đa dạng hình thức trải nghiệm và khám phá, các chương trình workshop nở rộ đã mang đến thêm nhiều không gian thư giãn, giải trí và kích thích óc sáng tạo cho các bạn trẻ.

Niềm vui từ workshop thủ công
Mùa hoa bình yên

Sáng nay trời trở lạnh. Cái lạnh mang hơi hướm của một tiết xuân đang đầy. Mưa lún phún rơi nhẹ trên những luống cải ngồng đang vàng hoa. Mùa hoa cải của ngày tháng đầu năm ở Huế mới đẹp làm sao. Cả một bãi dài là màu xanh êm dịu và màu vàng thắm đượm dưới mắt tơ. Hoa cải mang mùi ngai ngái, vất vưởng khó tan. Hương cải theo gió bay xa.

Mùa hoa bình yên

TIN MỚI

Return to top