ClockThứ Sáu, 06/09/2019 15:55

Niềm vui khôn xiết khi được công nhận là công dân Việt Nam

TTH.VN - Hôm nay (6/9) là ngày ý nghĩa và hạnh phúc của nhiều cư dân người Lào sau nhiều năm đằng đẵng sống di cư tự do, kết hôn không giá thú qua biên giới huyện A Lưới của tỉnh, bởi họ đã đã được nhận Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định trao Quyết định của Chủ tịch nước cho bà con

Lễ công bố và trao Quyết định của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp sống di cư tự do, kết hôn không giá thú qua biên giới được UBND tỉnh phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp, cùng các sở, ngành liên quan của tỉnh và UBND huyện A Lưới tổ chức. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định và bà Lương Thị Lanh, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp đã đến dự và trao quyết định cho bà con.

Tự hào là công dân Việt

Từ tờ mờ sáng, dù chưa đến giờ tổ chức nhưng bà con đã tập trung đầy đủ tại Hội trường UBND huyện A Lưới. Bên ngoài hành lang, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt vui mừng của đồng bào vì mơ ước của họ từ hàng chục năm nay mới thành hiện thực.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng lần đầu tiên trong đời bà Kăn Ping (SN 1935 tại Lào), hiện cư trú ở thôn A Bung, xã Nhâm, huyện A Lưới mới cầm được trong tay quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam. Bà Kăn Ping bày tỏ, sau mấy chục năm chờ đợi, khi được trao quyết định nhập quốc tịch Việt Nam, bà cảm giác như được sinh ra lần thứ 2. “Mình vui lắm, từ nay mình là người Việt Nam rồi, con cháu mình sẽ có giấy khai sinh, làm được hộ khẩu, chứng minh nhân dân, mình không còn lo nữa. Cám ơn Nhà nước Việt Nam nhiều lắm” - bà Kăn Ping nói.

Bà Kăn Ping cầm trong tay quyết định cho phép nhập quốc tịch Việt Nam

Niềm hạnh phúc cũng rõ trên khuôn mặt anh A Viết Ngốt (SN 1980 tại Lào), hiện trú tại thôn A Ho, xã A Roàng (A Lưới). Anh Ngốt là người gốc Lào kết hôn không giá thú qua biên giới, nay được mang quốc tịch Việt Nam anh bày tỏ niềm hân hoan, phấn khởi khôn xiết. Anh Ngốt vui mừng: "Còn điều gì sung sướng hơn khi được thừa nhận là công dân Việt Nam. Bà con vui mừng hơn khi được Sở Tư pháp hướng dẫn thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh và các thủ tục hộ tịch khác cho người được nhập quốc tịch Việt Nam như chúng tôi".

Cùng niềm vui đó, chị Kêr Thị Ân (SN 1980 tại Lào) sau khi nhận quyết định cho biết, chị rất tự hào khi đã trở thành công dân Việt Nam thực sự. "Đây là điều mà bao nhiêu năm chúng tôi hằng mong muốn, là điều kiện để chúng tôi an tâm lao động, sinh sống lâu dài tại quê hương thứ hai này", chị nói.

Với những người gốc Lào sinh sống di cư tự do trên đất A Lưới và những công dân Lào lấy vợ người Việt Nam từ nhiều năm nay, việc được nhập quốc tịch Việt Nam đối với họ là cả một niềm vui lớn.

Đó là niềm hạnh phúc vô bờ mà người dân đã chờ đợi bấy lâu, có gia đình đã trải qua 2-3 thế hệ. Niềm vui ấy càng trở nên ý nghĩa đối với con cháu của những cư dân khi được nhận sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được khai sinh, được đến trường, được khám chữa bệnh…

Hành trình hiện thực hóa ước mơ cho bà con

Theo đại diện Sở Tư pháp, người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam – Lào đã tồn tại nhiều năm nay tại các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào, trong đó có huyện A Lưới. Trải qua nhiều năm cư trú, làm ăn, sinh sống trên lãnh thổ nước ta, đến nay phần lớn cư dân này đã thực sự hòa nhập với cộng đồng xã hội Việt Nam về nhiều mặt. Tuy nhiên, trước kia chưa được nhập quốc tịch Việt Nam, về mặt pháp lý, họ và con cháu của họ chưa được xác định tư cách công dân một cách đầy đủ. Thực trạng này không những làm cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc quản lý dân cư tại địa phương, an ninh biên giới.

Niềm vui của bà con được nhập quốc tịch Việt càng nhân lên khi 8 trường hợp con của người Lào di cư tự do sẽ xem xét cho phép cư trú trên địa bàn huyện A Lưới

Thực hiện Thỏa thuận giữa hai Chính phủ Việt Nam – Lào, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ chuyên viên liên hợp thực hiện Đề án “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHDCND Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm đại diện các sở: Tư pháp, Ngoại vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và UBND huyện A Lưới.

Qua khảo sát song phương của Tổ chuyên viên liên hợp với tỉnh Salavan và tỉnh Sê Kông (Lào), tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả có 9 trường hợp người di cư tự do, kết hôn không giá thú từ tỉnh Salavan, tỉnh Sê Kông qua cư trú tại huyện A Lưới. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và UBND huyện A Lưới tổ chức Đoàn công tác lưu động đến UBND các xã có người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú để hướng dẫn, hỗ trợ việc lập và tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam. Sau khi có số liệu điều tra ban đầu, đoàn công tác song phương giữa hai nước tiếp tục rà soát lại để có số liệu thống nhất. 

Các đơn vị BĐBP của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác thu thập tài liệu, điều tra thông tin các cá nhân người Lào sinh sống trên địa bàn để có con số chính xác nhất. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Công an tỉnh, Phòng Tư pháp huyện A Lưới và chính quyền các xã thực hiện việc lập danh sách những trường hợp người Lào sinh sống trên địa bàn. 

Thượng tá Đặng Đình Liêu, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, quá trình thu thập khá khó khăn. Lúc đầu khi đoàn đến địa phương làm việc, bà con hiểu nhầm là điều tra để đẩy đuổi nên thường trốn tránh. Nhiều trường hợp do trình độ bà con còn hạn chế nên khai báo thông tin không đúng với lý lịch. Nhờ sự hỗ trợ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín đến giải thích, bà con hiểu mới hợp tác và khai báo đầy đủ, chính xác...

Theo Giám đốc Sở Tư pháp Đào Chuẩn, trong quá trình thực hiện thỏa thuận cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi hầu hết người di cư tự do không biết tiếng địa phương; địa hình biên giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh phía bạn Lào hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, nên Tổ Chuyên viên liên hợp rất gian nan trong quá trình điều tra.

Cũng theo lãnh đạo Sở Tư pháp, trong quá trình lập danh sách và ký kết biên bản song phương về giải quyết vấn đề con của người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới từ tỉnh Salavan và Sê Kông sang tỉnh Thừa Thiên Huế còn phát sinh 8 trường hợp con của người Lào di cư tự do kết hôn không giá thú.

Trước đó, trong năm 2012, 147 người Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú qua biên giới A Lưới của tỉnh cư trú ổn định lâu năm đã được Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch Việt Nam. Nhờ vậy, đã giải quyết căn bản vấn đề quốc tịch, làm cơ sở cho việc đăng ký hộ tịch, cư trú tại khu vực biên giới của bà con được thuận lợi.

Qua văn bản thống nhất của Ủy ban chính quyền các tỉnh Salavan, Sê Kông và căn cứ quy định của Thỏa thuận của Chính phủ hai nước về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước, Sở Tư pháp tham mưu lên UBND tỉnh và UBND tỉnh đã đề nghị Trưởng đoàn đại biểu biên giới quốc gia xem xét phê duyệt bổ sung 8 trường hợp con của người Lào di cư tự do được phép cư trú trên địa bàn huyện A Lưới.

Tận tay trao các quyết định nhập quốc tịch Việt Nam cho bà con, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, với quyết định của Chủ tịch nước, từ nay bà con đã trở thành công dân của nước Việt Nam. Từ dấu mốc quan trọng này, ai chưa đăng ký khai sinh sẽ được cấp Giấy khai sinh, ai chưa đặng ký kết hôn sẽ được cấp Giấy chứng nhận kết hôn. Bà con cũng sẽ được được đăng ký hộ khẩu và cấp các giấy tờ nhân thân, được hưởng các chính sách hỗ trợ và đảm bảo các quyền lợi hợp pháp nhằm từng bước ổn định cuộc sống của mình.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cũng đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động tham mưu công tác tăng cường quản lý nhà nước về biên giới, cư trú, di cư tự do, kết hôn không giá thú qua biên giới; tạo điều kiện thuận lợi thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, hộ khẩu… cho bà con đã được nhập quốc tịch Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt vốn có của ta và bạn, nhất là các hoạt động nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình cảm đoàn kết đặc biệt và hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh bạn Lào.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh

Vụ cháy rừng ở A Lưới được xác định xảy ra vào sáng sớm 17/4, phải đến chiều cùng ngày, các lực lượng mới dập tắt. Đến ngày 18/4, các lực lượng vẫn tiếp tục kiểm tra, theo dõi nhằm ngăn chặn kịp thời lửa rừng có thể tái bùng phát.

Rừng A Lưới bị cháy do sét đánh
Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh

Phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện miền núi A Lưới đã nhanh chóng lan tỏa và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần trong việc thay đổi diện mạo nông thôn, làng bản vùng biên giới; nâng cao ý thức của người dân, đồng bào thiểu số trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

A Lưới đẩy mạnh phong trào Ngày Chủ nhật xanh
A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững

A Lưới tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối vùng phục vụ dân sinh, sản xuất. Ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống của người dân.

A Lưới xây dựng nông thôn mới bền vững
Return to top