ClockThứ Hai, 05/09/2016 05:54

Niềm vui lớn của trẻ khuyết tật

TTH - Nhìn ngôi nhà khang trang, phương tiện sử dụng tiện lợi của Trung tâm Chăm sóc và can thiệp sớm cho người khuyết tật (tại xã Hương Hòa, huyện Nam Đông) đưa vào sử dụng, ông Hồ Văn Lựu, cha của Hồ Văn Hà, là thành viên trong ngôi nhà này bảo: “Các cháu được ở và sinh hoạt trong ngôi nhà này thì chúng tôi yên tâm lắm”.

Lúc khánh thành trung tâm, thấy sự xúc động của các phụ huynh có con bị khuyết tật sẽ sống và làm việc ở đây, mới hiểu được ý nghĩa khi trung tâm này được hình thành. Tôi đã chờ mong đến ngày hôm nay, ngày mà các em khuyết tật có một mái ấm, được sống cùng nhau, được dạy dỗ mọi mặt, được chăm sóc về sức khỏe và quan trọng là lao động, tạo ra sản phẩm để khẳng định mình với xã hội.

Học viên Trung tâm chăm sóc và can thiệp sớm cho người khuyết tật ở Nam Đông chăm sóc rau

Với diện tích 4000m2, Trung tâm Chăm sóc và can thiệp sớm cho người khuyết tật gồm một ngôi nhà rộng, hai phòng ở cho thành viên nam, nữ, có nhà vệ sinh, bếp nấu ăn được thiết kế hiện đại. Một trang trại với đủ loại rau sạch được chăm sóc tươi tốt. Ngoài xa là khu chăn nuôi gà, lợn.

Tại buổi lễ khánh thành trung tâm, Bà Maggy Menné, Chủ tịch Hội Aide au Viet Nam, rất xúc động. Bà khóc và nói: “Tôi không ngờ là việc hình thành và xây dựng trung tâm diễn ra với kết quả tốt đẹp như thế này. Đây là sự chung tay, góp sức của nhiều tổ chức, cộng đồng, của Trường đại học Y Dược, thầy giáo Châu Trọng Ngô, nguyên giáo viên Trường Quốc Học Huế đã “ bắc cầu” cho mối nhân duyên của chúng tôi, PGS. TS Nguyễn Viết Nhân, người đã chu tất lo lắng cho sự hoàn thành của công trình”. Tôi nhìn thấy nụ cười rất tươi của PGS. TS, bác sĩ Nguyễn Viết Nhân, Giám đốc Quỹ Tư vấn di truyền và hỗ trợ người khuyết tật (Trường đại học Y Dược Huế). Ông là người góp phần quan trọng trong việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ khuyết tật.

Thành viên của Trung tâm Chăm sóc và can thiệp sớm cho người khuyết tật là những đứa trẻ bị down, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, khuyết tật nghe, nói đã được Quỹ Tư vấn di truyền và hỗ trợ người khuyết tật dạy học, kỹ năng sống từ 10 năm nay. Giờ các cháu đã trưởng thành, cần có công việc ổn định để tự nuôi sống bản thân. Nhiều lần PGS. TS, bác sĩ Nhân đã trao đổi với tôi tìm cách thực hiện vấn đề này. Được Trường đại học Y Dược Huế tạo điều kiện giúp đỡ, PGS. TS, bác sĩ Nhân đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức: Beetebuerg Helleft Luxembourg và Aide au Việt Nam Luxembourg về kinh phí, sự động viên của lãnh đạo huyện Nam Đông để xây dựng trung tâm này. Ông cho biết: “Xây dựng mô hình giúp các cháu lao động, rèn luyện kỹ năng sống là ước mơ của chúng tôi. Dưới sự chăm sóc, chỉ bảo của thầy, cô giáo và bảo mẫu, các cháu sống, sinh hoạt, lao động tập thể ở trung tâm, không chỉ tự nuôi sống được bản thân, mà còn được Trường đại học Y Dược Huế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Đây cũng là vấn đề quan trọng, vì sức khỏe các cháu không tốt”. Chúng tôi biết, để hình thành được trung tâm, PGS. Nhân đã liên hệ với nhiều cơ sở. Về chỗ ở thì yên tâm, nhưng trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, tạo sản phẩm để bảo đảm cuộc sống lâu dài cho thành viên trung tâm thì ông còn nhiều băn khoăn. Cuối cùng ông tìm được Công ty CP của Thái Lan, là một trong những tập đoàn mạnh trong lĩnh vực công - nông nghiệp và chế biến thực phẩm. (Tập đoàn CP bắt đầu vào Việt Nam năm 1988 với văn phòng đại diện tại TP. HCM). Bước đầu công ty cung cấp 30 con lợn và thức ăn sạch. Hàng tuần, nhân viên công ty đến kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho đàn lợn. Lúc thu hoạch, công ty sẽ mua sản phẩm và thanh toán tiền giống, thức ăn. Nếu thành công trung tâm sẽ phát triển đàn lợn từ 300 con - 400 con. Sản phẩm nuôi gà, trồng rau sạch, sẽ bán cho các nhà hàng, khách sạn trên toàn tỉnh… Trung tâm có cán bộ chuyên về chăn nuôi, trồng trọt hướng dẫn các em trồng rau sạch. Sau những cơn mưa đầu mùa, rau dền, đậu bắp, khoai lang… mượt mà, tươi xanh hơn.

Tôi lặng nhìn cô giáo Cao Thị Hải, thầy Phan Ngọc Tài đi xung quanh mâm cơm để xới cơm, gắp thức ăn, nhắc nhở, vỗ về từng cháu. Cháu H. cứ khóc và không chịu ăn. Thầy Tài dỗ: “Con ăn xong cơm, thầy cho về thăm mẹ”. Khi ấy cháu H. mới chịu ăn. “Lúc nãy mẹ H. đến dự lễ khánh thành trung tâm, mẹ về rồi, nên cháu nhớ mẹ”, thầy Tài cho biết. Cô Hải bảo: “Đây là các cháu bị thiểu năng trí tuệ nên rất chậm trong mọi sinh hoạt. Có cháu khi đã xới cơm ra chén rồi cũng không biết ăn, phải nhắc nhở, có lúc phải đút, các cháu mới ăn. Em dạy các cháu từ 10 năm nay, nên đã hiểu hết tính cách của từng cháu”.

Xem các cháu mặc trang phục rất đẹp, biểu diễn văn nghệ, trình diễn thời trang, múa điệu “trống cơm” nhưng có cháu đánh rơi cả trang phục biểu diễn cũng không biết, tôi hiểu rằng, việc dạy dỗ kỹ năng sống cho các cháu là việc làm khó, nhưng với các cháu là người dân tộc thiểu số lại cực kỳ khó khăn. Nhưng những gì mà Trung tâm Chăm sóc và can thiệp sớm cho người khuyết tật ở huyện Nam Đông làm được, không chỉ xứng đáng để xã hội quan tâm mà vô cùng ngưỡng mộ.

Đinh Hoàng Xuân Hồng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

Hoạt động trên vừa được Chi đoàn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức nhằm chào mừng 93 năm Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Trao tặng 100 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân huyện Nam Đông

TIN MỚI

Return to top