ClockThứ Bảy, 20/08/2016 05:56

Níu giữ hạnh phúc

TTH - Đó là tâm sự của anh Nguyễn Đắc Rin (33 tuổi, trú tại phường An Đông, TP. Huế). Sau lần vợ chồng ra tòa, suýt đổ vỡ, được thẩm phán hòa giải trở về đoàn tụ, bản thân nỗ lực cố gắng, bây giờ gia đình anh Rin sống đầm ấm hạnh phúc.

“Tôi vẫn nghe nói về những vụ vợ chồng ly hôn tan đàn xẻ nghé, nhưng cứ nghĩ đó là chuyện của người khác, không ngờ mình cũng có ngày bị tòa gọi vì… vợ đưa đơn xin ly hôn. Tôi đã rất sợ, đã phải thuyết phục vợ rất nhiều, cố gắng rất nhiều để vợ chồng đoàn tụ cùng nuôi dạy con nhỏ, giữ gìn tổ ấm”...

Vợ chồng anh Rin - chị Hương giờ hạnh phúc bên nhau

Bên “bờ vực”

Chiều xuống mỗi lúc một đậm nhưng anh Rin vẫn luôn tay với việc này việc nọ. Vợ anh, chị Đoàn Thị Ngọc Hương (31 tuổi) phụ mẹ chồng nấu cơm, có người “ới” lại chạy ra quán tạp hóa trước nhà lấy hàng cho khách. Lúc nào đón “chú nhóc” tuổi tiểu học về, cả nhà sẽ quây quần bên mâm cơm. Khi nhắc lại “chuyện xưa”, anh Rin nở nụ cười “bẽn lẽn”: “Tôi vẫn nghe nói về những vụ vợ chồng ly hôn tan đàn xẻ nghé, nhưng cứ nghĩ đó là chuyện của người khác. Không ngờ mình cũng có ngày bị tòa gọi vì vợ đưa đơn xin ly hôn. Tôi đã rất sợ...”. Người đàn ông trẻ tâm sự, anh làm nghề trang trí nội thất. Khi mới cưới, vợ anh chưa có việc làm. Hương lại mắc bệnh về tâm thần phải uống thuốc thường xuyên. Tình yêu thương đã lấp đi những “lỗ hổng” khó khăn, bệnh tật. Nhưng lúc cậu con trai ra đời, bên cạnh niềm hạnh phúc, vợ chồng Rin đối diện với khó khăn nhiều hơn. Hương không có sữa, con phải uống sữa ngoài. Một mình lo cơm áo gạo tiền, Rin đã bạc mặt, lại thêm cô vợ thời gian dài mang thai và sinh con phải nghỉ uống thuốc, tâm tính sinh ra “bức bối”. Vợ chồng thường xuyên cãi vã. Một lần không kiềm chế được nóng giận, Rin tát vợ. Sau cái tát, Rin thảng thốt nhìn bàn tay đã “gây tội”. Biết mình sai, Rin ân hận lắm. Nhưng cứ nghĩ, vợ sẽ thông cảm tha thứ. Không ngờ Hương để đứa con mới đầy tuổi lại, bỏ về nhà mẹ đẻ. Con nhỏ vắng mẹ hờn khóc suốt đêm không chịu ngủ, cả cha lẫn con đều phờ phạc, hốc hác. Một tuần trôi qua như vậy, Rin đành dẹp sĩ diện “bị vợ bỏ” bồng con tìm đến nhà ngoại.

Thằng bé ôm chặt Hương. Con khóc. Mẹ nước mắt lưng tròng. “Tôi nói với vợ: Em thấy chưa, mới chỉ một tuần mà con đã khổ như vậy. Nếu con ở với ba thì thiếu mẹ, ở với mẹ lại mất ba. Vợ chồng bỏ nhau em có thể lấy chồng khác, anh lấy vợ khác. Chỉ có con là mãi mãi thiệt thòi. Thôi em về với anh, với con”. Nhưng Hương vẫn không về. Mấy hôm sau, trang trí nội thất cho một gia đình, đang ngồi trên mái nhà, Rin nhận cuộc điện thoại từ số lạ. Một người phụ nữ giới thiệu là cán bộ tòa án, cho biết việc vợ Rin đã “đệ” đơn xin ly hôn, đồng thời thông báo sẽ gửi giấy triệu tập anh đến làm việc. “Tôi nghe mà choáng váng mặt mày, chân tay bủn rủn. Ba mẹ không sống cùng nhau, nên tôi rất thấm thía cảnh cực khổ mất mát của những đứa con vắng cha hay thiếu mẹ. Nghĩ đến lúc vợ chồng tôi cũng  đường ai nấy đi, con nhỏ bơ vơ, tôi không còn sức lực để làm bất cứ việc gì. Hôm đến tòa tôi run đến nỗi phải nhờ một đồng nghiệp chở”. Anh Rin lại cười “bẽn lẽn”.

“Ngon lành”

Chị Thái Thị Hồng Vân, Thẩm phán TAND TP. Huế cũng “ấn tượng sâu sắc” với “anh chồng” cứ một hai quầy quậy bảo, kiểu gì cũng nhất định không chịu ly hôn với vợ. “Tôi nói, anh không chịu cũng không giải quyết được điều gì, bởi tòa án sẽ xác minh điều tra tại địa phương và đưa ra xét xử. Nếu xét thấy mâu thuẫn vợ chồng quá trầm trọng hoặc vợ anh không còn tình cảm với chồng, mục đích hôn nhân không đạt được, tòa án vẫn sẽ quyết định cho ly hôn. Quan trọng là anh giãi bày thế nào để vợ hiểu, lấy lại tình cảm vợ chồng. Vợ anh tự nguyện, vui vẻ trở về”. Chị Vân kể, dù đã giải quyết hàng trăm vụ án ly hôn, nhưng đối với vụ này, có những chi tiết mà có lẽ chị sẽ không bao giờ quên. Lần đó, mẹ Rin hớt hải đến phòng làm việc của chị quỳ thụp xuống chắp tay, giọng run run lặp đi lặp lại: “Tui cắn rơm cắn cỏ lạy cô, xin cô đừng cho con dâu tui bỏ chồng nó”. Đỡ bà dậy, chị cay cay nơi mắt. Nghĩ mẹ chồng níu giữ con dâu như thế thật cảm động, phải làm sao hòa giải để gia đình họ đoàn tụ, về bên nhau cùng chung sống yêu thương, vậy là chị hết lần này đến lần khác “rủ rỉ” phân tích những thiệt thòi mất mát của mỗi thành viên trong một gia đình “hao khuyết”. Mưa dầm thấm đất (cộng với tình cảm chân thành của người chồng), cuối cùng người vợ đã “cởi bỏ” được hết mọi khúc mắc.

“Nghĩ lại việc suýt nữa tan đàn xẻ nghé, tôi dựng cả tóc gáy” là điều mà anh Rin nhắc đi nhắc lại khi kể câu chuyện của gia đình mình. Chị Hương ngồi cạnh chồng tủm tỉm: “Sau bữa ra tòa về, ngoài công việc trang trí nội thất, cả hai bên nội ngoại dồn vào cho chồng tui đầu tư máy cưa đá viên (đá lạnh) đi bỏ mối. Anh chạy ngược chạy xuôi kiếm tiền cho vợ con bớt khổ. Tui cũng kiếm việc làm, phụ chồng”. Anh Rin “chen” lời: “Vợ tui chịu khó làm bánh ép, bánh chuối chiên. Bán cũng được lắm. Nhưng sợ nắng nôi vất vả sẽ ảnh hưởng bệnh cũ nên tui bàn với mẹ mở quán tạp hóa ngay tại nhà. Vợ tui mệt thì có mẹ trông coi giúp”. Nụ cười thật rạng rỡ trên gương mặt người mẹ chồng ngày nào cầu xin thẩm phán đừng cho con dâu bỏ con trai bà: “Thiếu thốn đâm ra cáu bẳn, gây lộn cãi nhau, đôi khi lỡ lời hoặc lỡ tay làm tổn thương nhau. Biết rứa nên thằng con tui “xin chừa”. Sau cái lần ra tòa về, thằng Rin ráng làm việc gấp hai gấp ba. Vợ nó cũng phụ một tay. Sáu năm rồi, chừ cháu nội tui đã học lớp hai. Chừ hai vợ chồng hắn “ngon lành” .

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20 3  Hạnh phúc cho mọi người
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Return to top